Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đồng bào dân tộc Cống đón Tết hoa trong niềm vui mới

Nghĩa Hiệp - 10:27, 16/12/2019

Năm nay, Tết hoa mào gà (Tết hoa) của đồng bào dân tộc Cống tại các xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ), Pa Thơm (huyện Ðiện Biên) và Nậm Kè (huyện Mường Nhé) đón thêm những niềm vui, cơ hội mới, khi vinh dự được đón Chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), mở ra thêm cơ hội phát triển du lịch ở vùng khó.

Hoạt động thi đấu thể thao trong lễ hội
Hoạt động thi đấu thể thao trong lễ hội

Tết hoa mào gà (hay Tết hoa) theo tiếng của đồng bào Cống là Mền Loóng Phạt Ái. Tết hoa thường tổ chức vào tháng 9 âm lịch hằng năm (khoảng cuối tháng 11, đầu tháng 12 dương lịch).

Theo phong tục, trước Tết hoa chừng hơn tháng, người Cống sẽ chọn ra những sản vật ngon nhất, quý nhất của mùa vụ trong năm, như: Bí xanh, bí đỏ, khoai sọ, củ đậu, bánh chưng, gà, rượu để dâng lên thần linh và tổ tiên.

Trước ngày Tết hoa, già làng phát lệnh cấm bản (người trong và ngoài bản không được tự do ra vào). Nếu Tết hoa chưa được tổ chức thì chưa ai được phép đi phát nương, đào củ mài và vui chơi, ca hát.

Tết hoa gồm hai phần: Lễ và hội. Phần lễ tổ chức tại nhà thầy cúng hoặc trưởng dòng họ. Ngay từ sáng sớm, chủ lễ mỗi gia đình sẽ lên nương hái hoa mào gà về trang trí trong nhà. Theo quan niệm của người Cống, hoa mào gà chính là biểu tượng của sự may mắn, tốt đẹp. Loại hoa này là vật mở đường cho linh hồn tổ tiên đi từ thế giới thiêng về nơi thờ cúng. Màu hoa mào gà đỏ thắm, tạo nên không khí ấm áp khắp không gian lễ hội, bản làng...

Bà con chuẩn bị các nghi thức tín ngưỡng để tạ ơn thần linh tại nhà thầy mo
Bà con chuẩn bị các nghi thức tín ngưỡng để tạ ơn thần linh tại nhà thầy mo

Phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao như: Múa hổ, múa thu hái, múa gieo hạt… và các môn thể thao như bắn nỏ, đi cà kheo, đẩy gậy, kéo co, đánh cù… Suốt trong những ngày Tết, cả bản tưng bừng trong không khí lễ hội, họ nắm tay nhau trong điệu xòe đoàn kết và cùng hát những làn điệu dân ca truyền thống rồi nhảy múa, hát ca và ném những hạt giống thóc, ngô ra khắp không gian xung quanh với mong ước bản làng bước sang một năm mới vạn vật sẽ sinh sôi nảy nở.

Bà Vàng Thị Vân, Chủ tịch xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ) cho biết: “Tết hoa là nét văn hóa đặc sắc đã được lưu giữ từ nhiều đời nay của bà con dân tộc Cống trên địa bàn. Ðây cũng chính là dịp để gửi gắm những ước nguyện về một cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc cho các gia đình trong bản”.

Phụ nữ dân tộc Cống tham gia trò chơi đi cà kheo trong dịp Tết hoa
Phụ nữ dân tộc Cống tham gia trò chơi đi cà kheo trong dịp Tết hoa

Niềm vui đón Tết hoa năm nay còn đặc biệt hơn rất nhiều, bởi đây là năm đầu tiên Tết hoa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ông Lò Văn Liên, Chủ tịch xã Pa Thơm (huyện Điên Biên) cho biết: “Trên địa bàn xã có hơn 110 hộ gia đình là người Cống sinh sống, riêng bản Huổi Moi có 32 hộ dân là người Cống thì có đến 29 hộ nghèo. Hiện Huổi Moi vẫn chưa có điện lưới quốc gia và nước sinh hoạt hợp vệ sinh, sóng điện thoại còn rất hạn chế”.

Theo thống kê, dân tộc Cống là một trong những dân tộc có dân số dưới 10.000 người. Tình hình kinh tế - xã hội nói chung của đồng bào còn nhiều hạn chế, khó khăn và đang rất cần được quan tâm. Hy vọng trong thời gian tới, Tết hoa mào gà sẽ trở thành tiền đề trong việc phát triển du lịch, thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo tại vùng khó. 

Tin cùng chuyên mục
Mãn nhãn màn tranh tài của 64 nài ngựa ở thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái

Mãn nhãn màn tranh tài của 64 nài ngựa ở thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái

Giải Đua ngựa Shanrila Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) được diễn ra với sự tham gia thi đấu của 64 nài ngựa, đến từ 5 tỉnh: Điện Biên, Lào Cai, Tuyên Quang, Sơn La, Yên Bái. Đây là sự kiện thể thao Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2024).