Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Thúc đẩy bình đẳng giới từ mô hình “Thủ lĩnh của sự thay đổi”: Hiệu quả của những mô hình điểm (Bài 1)

Thúy Hồng - 11:21, 07/11/2023

"Thủ lĩnh của sự thay đổi" là 1 trong 4 mô hình cơ bản của Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719). Với phương pháp tổ chức và điều hành rất phong phú và đa dạng, giúp các em trang bị kiến thức, kỹ năng biết lên tiếng tự bảo vệ bản thân, tự tin, bản lĩnh để thay đổi trong cách nghĩ, cách học, cách làm; dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu không còn phù hợp trong đời sống của đồng bào DTTS.

Tính đến 30/5/2023, các địa phương đã thành lập 366/1.800 CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi"
Tính đến 30/5/2023, các địa phương đã thành lập 366/1.800 CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi"

Thay đổi nhận thức về bình đẳng giới

Ngày 13/11/2022, Trường PTDTBT THCS Lùng Phình được lựa chọn, là 1 trong 2 mô hình điểm của Trung ương về thành lập và hoạt động “Thủ lĩnh của sự thay đổi” trên toàn quốc. Trường PTDT Bán trú THCS Lùng Phình đóng tại huyện vùng cao Bắc Hà của tỉnh Lào Cai, các em học sinh đến từ nhiều dân tộc khác nhau, nhưng hầu hết đều có chung những khó khăn nhất định như: Đường từ nhà đến trường thường rất xa, hoàn cảnh gia đình khó khăn, phong tục lấy vợ, lấy chồng sớm…

Thầy giáo Phạm Hữu Trượng, dẫn trình viên của Câu lạc bộ (CLB) cho biết: Trước khi thành lập mô hình, lãnh đạo nhà trường phổ biến mục đích ý nghĩa của CLB, trong các kỳ sinh hoạt và đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của rất nhiều các em học sinh. Các em đã rất hào hứng đăng ký, viết đơn tham gia vào CLB. Căn cứ vào tình hình thực tế và đơn tham gia của các em, đã lựa chọn được 30 em tham gia vào CLB, gồm 17 học sinh nữ và 13 học sinh nam, từ khối 6 đến khối 9, trong đó có 5 em tham gia vào Ban Chủ nhiệm CLB. Toàn bộ các em tham gia CLB đều là người DTTS.

Cũng theo thầy giáo Phạm Hữu Trượng, CLB được thành lập, thực sự là một cơ hội cho các em có thể “thay đổi bản thân mình”. Tham gia vào CLB, các em được tìm hiểu về các kiến thức như: Quyền trẻ em; phòng chống xâm hại tình dục; phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; phòng tránh bạo lực học đường; kỹ năng giao tiếp ứng xử trên không gian mạng… 

Bên cạnh đó, các em còn được tham gia các trò chơi, thảo luận nhóm, trình bày và phát biểu ý kiến riêng của mình; thể hiện năng khiếu của bản thân như: vẽ, đóng kịch… Các em hăng hái tham gia và nhiều em đã có sự thay đổi tích cực.

Mặc dù, thời gian thành lập CLB chưa lâu, nhưng các thành viên đã tiến bộ rất nhiều. Các em hiểu biết thêm những kiến thức, kỹ năng liên quan đến bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em. Qua đó, tạo sự thay đổi về thái độ, nhận thức và hành vi ứng xử trong việc ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực, xâm hại trẻ em. Các em học sinh cũng mạnh dạn, tự tin hơn khi giao tiếp, chủ động tham gia vào các hoạt động của nhà trường.

Sau các buổi sinh hoạt, các em trong CLB cũng đã phát huy được vai trò của mình là thành viên nòng cốt tuyên truyền đến các bạn học sinh khác, dẫn dắt và thúc đẩy học sinh trong trường học, lên tiếng về quyền được sống an toàn, được bảo vệ tránh khỏi các hành vi bạo lực, xâm hại, tảo hôn…

Ra mắt “CLB thủ lĩnh của sự thay đổi” Trường PTDTBT THCS Lùng Phình
Ra mắt “CLB thủ lĩnh của sự thay đổi” Trường PTDT Bán trú THCS Lùng Phình

“Trước đây, các em rất rụt rè, nhút nhát, thiếu tự tin, không dám nói trước đám đông; nhiều em chưa có kiến thức và kỹ năng cần thiết để bảo vệ mình trước những nguy cơ có thể xảy ra. Sau các kỳ sinh hoạt CLB, một số em đã biết chuẩn bị và trình bày một vấn đề. Trước mỗi kỳ sinh hoạt CLB, các em đã biết trao đổi với dẫn trình viên về chủ đề và các phương án tổ chức hoạt động của buổi sinh hoạt. Tôi nhận thấy sự trưởng thành của các em qua mỗi kỳ sinh hoạt, tôi thực sự rất vui mừng”, thầy Trượng cho biết thêm.

Em Vàng Thị Mây, lớp 8B, Trường PTDTBT THCS Lùng Phình bộc bạch: "Sau khi tham gia một buổi sinh hoạt do CLB tổ chức, được cung cấp tài liệu, nghe giáo viên phụ trách trực tiếp trao đổi, giải đáp thắc mắc, em nhận thấy tảo hôn là hủ tục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, nhất là trẻ em gái, cần xóa bỏ. Những thông tin được trao đổi giúp chúng em có thêm kiến thức, hiểu rõ hơn về những hệ lụy, mặt trái do nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra. Em sẽ tích cực tuyên truyền tới bạn bè, em nhỏ ở địa phương chính sách, pháp luật về hôn nhân, kế hoạch hóa gia đình".

Theo thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tính đến 30/5/2023, các địa phương đã thành lập 366/1.800 CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi". Đồng thời, tổ chức các hoạt động chỉ đạo làm điểm 3 mô hình CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại Lào Cai và Sóc Trăng trong trường học và cộng đồng.

Giải quyết những vấn đề cấp thiết

Với chỉ tiêu 1.800 CLB được củng cố, hoặc thành lập mới, CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi sẽ trang bị cho trẻ em những kiến thức, kỹ năng liên quan đến bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em. Qua đó, tạo sự thay đổi tích cực về thái độ, nhận thức và hành vi ứng xử trong việc ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là vấn đề xâm hại tình dục trẻ em, các vấn đề về sức khỏe sinh sản và kết hôn trẻ em; tạo điều kiện để các em trải nghiệm và phát huy các sở trường của mình. Qua các hoạt động sẽ giải quyết một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Lễ ra mắt mô hình CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi"
Lễ ra mắt mô hình CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi"

Cô Nguyễn Thị Giang - Tổng phụ trách Đội trường THCS Nguyễn Huệ xã Chư Drăng, huyện Krông Pa, Gia Lai, đồng thời là dẫn trình viên CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” cho biết: Toàn trường có gần 90% học sinh DTTS, chủ yếu là người Gia Rai có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Cộng đồng Gia Rai hiện vẫn còn tồn tại những tập tục lạc hậu như: tảo hôn, hôn nhân cận huyết, một số hủ tục trong cưới hỏi vẫn còn nặng nề. Vì thế, Nhà trường thành lập CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” là mô hình điểm cấp tỉnh có 30 thành viên, trong đó có 24 em là người Gia Rai. Hy vọng CLB sẽ mang đến cho các em những cơ hội để mở mang kiến thức, thay đổi bản thân và góp phần thay đổi gia đình, cộng đồng.

Theo cô Giang, so với lứa tuổi THCS, những vấn đề về bình đẳng giới, giải quyết vấn đề cấp thiết đối trẻ em vùng đồng bào DTTS, nếu nói suông sẽ rất khó hiểu và tiếp nhận. Do đó, việc tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao phù hợp với lứa tuổi hay các tiểu phẩm lấy chất liệu từ cuộc sống của các em là hình thức sinh hoạt hiệu quả. Hy vọng, CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” như tên gọi sẽ có tác dụng làm thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ người DTTS ngay từ trên ghế nhà trường.

Theo bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam: CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" là một mô hình của Dự án 8 - "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình MTQG 1719 hình nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới, góp phần giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Thông qua hoạt động của mô hình, hỗ trợ chính quyền và các ban, ngành địa phương, Nhà trường và cha mẹ thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và giải quyết các vấn đề cấp thiết liên quan đến trẻ, trang bị kiến thức, kỹ năng giúp trẻ tự bảo vệ mình và thúc đẩy sự tham gia chủ động, có ý nghĩa của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ tại địa phương.

Các thành viên CLB sẽ là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu có hại trong đời sống của đồng bào các dân tộc tại địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.