Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Thúc đẩy cơ chế phối hợp liên ngành về phòng, chống lạm dụng tình dục trẻ em trong ASEAN

Lam Anh - 10:07, 20/04/2022

Đó là chủ đề chính của Hội thảo khu vực, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan đầu mối phụ trách hoạt động của Ủy ban ASEAN về Thúc đẩy và Bảo vệ quyền của Phụ nữ và Trẻ em (ACWC) phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và UNICEF tổ chức ngày 19/4/2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Các đại biểu tham dự trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội
Các đại biểu tham dự trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội

Hội thảo có sự tham dự của bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; bà Yanti Kusumawardhani, Đại diện Quyền trẻ em của Indoneisa, Phó Chủ tịch ACWC; các đầu mối phụ trách lĩnh vực phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế, thanh niên và quyền con người của các nước thành viên ASEAN; đại diện UNICEF, UNFPA, UNESCO, các cơ quan Liên hợp quốc, tổ chức quốc tế ở cấp khu vực hoạt động trong lĩnh vực này. Đại diện của các Bộ, ngành, hội, hiệp hội và tổ chức quốc tế có liên quan cũng tham dự trực tiếp tại Hà Nội.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án do Việt Nam chủ trì trong Kế hoạch công tác của ACWC giai đoạn 2021-2025 giữa bối cảnh vấn đề xâm hại tình dục trẻ em ngày càng trở nên trầm trọng hơn trong những năm gần đây, gây ra những tổn thương nghiêm trọng về thể chất lẫn tinh thần của trẻ.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu khai mạc Hội thảo
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà (bên trái) phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà hoan nghênh những sáng kiến để thúc đẩy cơ chế phối hợp liên ngành trong phòng, chống xâm hại tình dục đối với trẻ em, từ đó tạo môi trường phù hợp cho sự phát triển toàn diện của trẻ, cùng nhau xây dựng một khu vực ASEAN phát triển, lấy con người là trung tâm, lấy đầu tư cho trẻ em là động lực phát triển đảm bảo gắn kết và chủ động thích ứng.

Theo đó, ACWC đã chủ trì và trình các Nhà Lãnh đạo ASEAN thông qua nhiều Tuyên bố quan trọng trong lĩnh vực này như Tuyên bố về Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và Xóa bỏ bạo lực đối với trẻ em vào năm 2013, Kế hoạch hành động ASEAN thực hiện Tuyên bố năm 2016, Tuyên bố về Bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến ở ASEAN năm 2019. Các Tuyên bố này đã tái khẳng định cam kết của ASEAN trong việc thực hiện Công ước về Quyền trẻ em (CRC) và Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững (2015), cụ thể là Mục tiêu 5.2 là “Xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với tất cả phụ nữ và trẻ em gái trong khu vực công và tư, bao gồm buôn bán, tình dục và các hình thức bóc lột khác” và Mục tiêu 16.2 là “Chấm dứt lạm dụng, bóc lột, buôn bán và mọi hình thức bạo lực, hành hạ trẻ em” vào năm 2030.

Các đại biểu tham dự tại các điểm cầu
Các đại biểu tham dự tại các điểm cầu

Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá, công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt giữa ngành giáo dục, y tế, tư pháp của các quốc gia trong ASEAN được đánh giá là chưa thực hiện một cách đồng bộ và hiệu quả, dẫn đến chưa huy động được sức mạnh của các ngành, các cấp vào công tác phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em.

Bên cạnh những khoảng trống về mặt pháp lý và nguồn lực, một trong những thách thức mà các nước thành viên ASEAN phải đối mặt trong việc thực hiện phòng chống xâm hại tình dục trẻ em là cơ chế phối hợp liên ngành giữa các bên liên quan. Đồng thời, các nước thành viên ASEAN cũng đã chia sẻ về khung chính sách và điển hình tốt về giải quyết xâm hại tình dục đối với trẻ em ở cấp quốc gia, từ đó, đưa ra những khuyến nghị để cải thiện việc thực hiện trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.