Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Huyền - Văn Hoa - 12:06, 25/11/2022

Chiều ngày 24/11, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025, Ngân hàng Thế giới, Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp tổ chức Phiên làm việc kỹ thuật trong khuôn khổ Hội thảo với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển để thông tin chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch hợp tác, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi (gọi tắt là Chương trình MTQG DTTS và miền núi) giai đoạn 2021 - 2025.

Quang cảnh Phiên làm việc
Quang cảnh Phiên làm việc

Phiên làm việc kỹ thuật với nội dung chia sẻ định hướng thành lập mạng lưới trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi (nội dung thuộc Dự án 3 - Chương trình MTQG DTTS và miền núi). Ông Hà Việt Quân - Chánh Văn phòng điều phối Chương trình MTQG DTTS và miền núi chủ trì Phiên làm việc.

Phát biểu tại Phiên làm việc, bà Nguyễn Quỳnh Nga - Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình MTQG DTTS và miền núi thông tin, hiện nay, các trường đại học đều đã bước đầu có kinh nghiệm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp: Từ kinh nghiệm triển khai Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" theo Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Đề án 1665), một số trường đại học đã thành lập Trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp như: Trung tâm thúc đẩy khởi nghiệp Tây Bắc - Đại học Tây Bắc; Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Hỗ trợ Khởi nghiệp Đại học Thái Nguyên; Trung tâm Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Đại học Huế; Trung tâm Tư vấn, Hỗ trợ và Khởi nghiệp sinh viên - Đại học Cần Thơ; Trung tâm Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp tại trường Đại học Hồng Đức; Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp Trường Đại học Trà Vinh; Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Đại học Đà Lạt…

Chánh Văn phòng điều phối Chương trình MTQG DTTS và miền núi Hà Việt Quân phát biểu tại Phiên làm việc
Chánh Văn phòng điều phối Chương trình MTQG DTTS và miền núi Hà Việt Quân phát biểu tại Phiên làm việc

Đề án 1665 chưa đặt ra mục tiêu cụ thể và chưa có chính sách hỗ trợ đặc thù để thúc đẩy, hỗ trợ sinh viên người đồng bào DTTS khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.

Chương trình MTQG DTTS và miền núi có mục tiêu thúc đẩy, hỗ trợ cho mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp đặc biệt ở khu vực các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) vùng đồng bào DTTS và miền núi, hỗ trợ sinh viên DTTS xây dựng phong trào khởi nghiệp của sinh viên, đồng thời thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong đồng bào DTTS.

Tại Phiên làm việc, các đại biểu đại diện Ngân hàng Thế giới, lãnh đạo Ban Dân tộc các tỉnh, các trường đại học, các tổ chức cá nhân, HTX… đã có nhiều chia sẻ, tham luận, đề xuất nhằm tháo gỡ những khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, trong lựa chọn những mô hình khởi nghiệp hiệu quả, khó khăn trong kêu gọi các nhà đầu tư vào vùng DTTS và miền núi…

Ông Lý Minh Tuấn - Giám đốc Quỹ Thiện Tâm phát biểu tại Phiên làm việc
Ông Lý Minh Tuấn - Giám đốc Quỹ Thiện Tâm phát biểu tại Phiên làm việc

Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang Nhữ Văn Nam bày tỏ những khó khăn, vướng mắc như: Khó khăn trong việc giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ khởi nghiệp cho đồng bào DTTS tại địa phương; địa phương thiếu các mô hình thanh niên khởi nghiệp hiệu quả, hoặc Chương trình Mỗi xã một mô hình khởi nghiệp, hiện nay địa phương chưa thực hiện được. Qua Phiên làm việc, ông Nam cũng bày tỏ mong muốn biết đến các mô hình khởi nghiệp hiệu quả để địa phương có thể tham khảo, học hỏi.

Ông Lý Minh Tuấn - Giám đốc Quỹ Thiện Tâm cho rằng, cần mở rộng đầu tư vào nhóm đối tượng là thanh niên DTTS, thay vì chỉ tập trung vào đầu tư sinh viên DTTS. Chia sẻ kinh nghiệm về mô hình nuôi bò HTX của Quỹ, ông Tuấn nói lên 3 điểm nổi bật. Đó là thay vì hỗ trợ trực tiếp, Dự án sẽ thông qua HTX để trả lương cho người nghèo hàng tháng. Mô hình tạo ra phương thức sản xuất phù hợp với chính sách phát triển HTX hiện nay, giảm thiểu được nhiều rủi ro từ phương thức cũ, có cơ hội tăng giá trị sản phẩm trong chăn nuôi. Đặc biệt, mô hình có kỳ vọng giải quyết được 3 chương trình MTQG. Hiện nay mô hình đã triển khai hiệu quả tại Thái Nguyên và Sơn La.

Anh Đinh A Ngưi - dân tộc Ba Na phát biểu tại Phiên làm việc
Anh Đinh A Ngưi - dân tộc Ba Na phát biểu tại Phiên làm việc

Đặc biệt, tham luận của anh Đinh A Ngưi - dân tộc Ba Na (đến từ Gia Lai) đã truyền cảm hứng cho cho các đại biểu tham dự hội thảo về tinh thần khởi nghiệp. Anh Ngưi chia sẻ kinh nghiệm của bản thân trong việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa, lấy di sản nuôi di sản. Theo anh Ngưi, để giải quyết vấn đề việc làm tại địa phương thì cần lựa chọn những thanh niên tiêu biểu ở địa phương đi tham quan các mô hình kinh tế, khởi nghiệp tiêu biểu, từ đó họ sẽ chủ động trong vấn đề khởi nghiệp; hỗ trợ vốn và hướng dẫn người dân cách làm. Theo anh Ngưi, khi người dân đã tin và làm theo, thì họ sẽ làm thực sự nghiêm túc.

Các đại biểu tham dự Phiên làm việc chụp ảnh lưu niệm
Các đại biểu tham dự Phiên làm việc chụp ảnh lưu niệm

Kết luận tại Phiên làm việc, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình MTQG DTTS và miền núi Hà Việt Quân cho rằng, Phiên làm việc đã có nhiều tham luận, nhiều ý kiến đóng góp, nhiều những mô hình hay, cách làm sáng tạo được chia sẻ. Đây sẽ là những thông tin hữu ích giúp Văn phòng điều phối Chương trình MTQG DTTS và miền núi bám sát thực tiễn cơ sở, phát huy được thế mạnh của từng vùng, từng khu vực, từng cộng đồng dân tộc khác nhau, phục vụ cho mục tiêu chung là bảo đảm việc giải ngân vốn đầu tư công đạt hiệu quả cao nhất, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Tin cùng chuyên mục