Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thực hiện Chỉ thị 19-CT/TW: Tạo động lực phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer

Ngọc Quang - 08:22, 04/10/2024

Sau hơn 5 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/01/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới (Chỉ thị 19), đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer vùng Tây Nam Bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực và phát triển toàn diện trên các lĩnh vực.

Với đồng bào dân tộc Khmer, chùa là trung tâm tín ngưỡng, văn hóa, giáo dục của cộng đồng. Ảnh: Như Tâm
Với đồng bào dân tộc Khmer, chùa là trung tâm tín ngưỡng, văn hóa, giáo dục của cộng đồng. Ảnh: Như Tâm

Sóc Trăng là tỉnh có tỷ lệ đồng bào DTTS cao nhất khu vực Tây Nam Bộ. Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 19, đời sống đồng bào Khmer có nhiều khởi sắc. Một trong những dấu ấn của Sóc Trăng trong chăm lo đời sống cho đồng bào DTTS đó là kết quả giảm nghèo nhanh, bền vững ở vùng DTTS. Theo số liệu tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Sóc Trăng lần thứ IV - năm 2024 tổ chức ngày 18/8 vừa qua cho thấy, đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh còn 4.116 hộ nghèo là người DTTS (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025). Trước đó, năm 2019, theo tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh còn 27.154 hộ nghèo; trong đó có 13.013 hộ nghèo người dân tộc Khmer, 592 hộ nghèo dân tộc Hoa,...

Cùng với kết quả giảm nghèo, diện mạo nông thôn vùng DTTS của tỉnh Sóc Trăng cũng thay đổi rõ nét. Theo ông Lâm Hoàng Mẫu, Phó Trưởng Ban phụ trách điều hành Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, toàn tỉnh hiện có 70/80 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó có 34 xã vùng DTTS; trong 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao có 5 xã vùng DTTS; trong 2 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu thì có 1 xã vùng DTTS.

Đồng bào Khmer có trên 1,3 triệu người, chiếm 4,45% tổng dân số khu vực Nam Bộ. Đồng bào Khmer sinh sống thành cộng đồng, đan xen với các dân tộc Kinh, Hoa và một số dân tộc khác, tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ. Đại bộ phận đồng bào sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới; nghề nghiệp chính là sản xuất nông nghiệp, một bộ phận nhỏ sinh sống bằng buôn bán, dịch vụ.

Đặc biệt, việc thực hiện hiệu quả 3 Chương trình MTQG, trong đó có Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719) đã góp phần phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer.

Có dịp về xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng mới thấy hết sự đổi thay của nơi đây. Dọc theo những con đường trải nhựa, đường bê tông nông thôn là những ngôi nhà mới được xây dựng khang trang giúp đồng bào Khmer không còn lo lắng khi vào mùa mưa bão. Là một trong những hộ được hỗ trợ nhà ở từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, gia đình bà Sơn Thị Del, ấp Tam Sóc B2, xã Mỹ Thuận vui mừng khi ở trong căn nhà mới đón Lễ Sen Dolta. Bà cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, căn nhà lúc trước bị sập không có kinh phí xây dựng nên phải ở nhà của mấy người con. Nay nhờ được chính quyền xem xét hỗ trợ 44 triệu đồng nên tôi có điều kiện xây dựng căn nhà mới. Có căn nhà mới, tôi an tâm hơn trong cuộc sống, nhất là vào mùa mưa”.

Còn tại Cà Mau, sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình MTQG 1719, các nội dung của Chương trình đã tác động tích cực đến đời sống của đồng bào DTTS tỉnh Cà Mau. Theo Báo cáo số 241/BC-BDT ngày 13/9/2024 của Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau về công tác tổ chức triển khai thực hiện Dự án 1 thuộc Chương trình MTQG 1719, tổng vốn năm 2022 và năm 2023 để thực hiện Dự án 1 là 16.241 triệu đồng, đã thực hiện hỗ trợ và giải ngân đạt trên 99% kế hoạch vốn được giao. Trong đó, hỗ trợ đất ở cho 11 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 283 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 201 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt cho 406 hộ.

Ông Trần Hoàng Nhỏ, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau cho biết, năm 2024 các địa phương đang tiếp tục triển khai hỗ trợ đất ở cho 28 hộ, nhà ở cho 180 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 264 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 272 hộ thụ hưởng; đã phê duyệt phương án để triển khai thêm 22 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng tại địa bàn các xã, ấp đặc biệt khó khăn. Những nội dung hỗ trợ này được kỳ vọng tác động tích cực đến nỗ lực giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS của tỉnh trong thời gian tới.

Công tác bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer được quan tâm chú trọng. (Trong ảnh: Lễ hội đua ghe ngo của đồng bào Khmer. Ảnh: Như Tâm)
Công tác bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer được quan tâm chú trọng. (Trong ảnh: Lễ hội đua ghe ngo của đồng bào Khmer). Ảnh: Như Tâm

Cùng với chăm lo đời sống kinh tế - xã hội, thực hiện Chỉ thị 19, các ban, bộ, ngành, địa phương đã luôn quan tâm nâng cao đời sống tinh thần, nhất là bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer. Một số tỉnh ở Tây Nam Bộ đã xây dựng nhà truyền thống dân tộc Khmer; riêng tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng xây dựng được nhà bảo tàng dân tộc Khmer, đồng thời sưu tầm được nhiều hiện vật văn hóa vật thể, phi vật thể có giá trị; một số nơi đã xây dựng trung tâm văn hóa tiêu biểu của đồng bào Khmer…

Đặc biệt, với đồng bào dân tộc Khmer, chùa là trung tâm tín ngưỡng, văn hóa, giáo dục của cộng đồng. Toàn vùng Tây Nam Bộ hiện có 453 chùa Khmer, trong đó 14 chùa được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia; 29 chùa được công nhận di tích cấp tỉnh.

Hằng năm, nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, Lễ Sen Dolta của đồng bào Khmer, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương đều tổ chức các hoạt động thiết thực, ý nghĩa như: họp mặt truyền thống, thăm hỏi, chúc mừng và tặng quà đối với các tổ chức Hội đoàn kết sư sãi yêu nước, các chùa Phật giáo Nam tông Khmer, các vị chức sắc, Người có uy tín, gia đình chính sách tiêu biểu, hộ nghèo là dân tộc Khmer…

Cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc đang hiện diện ở vùng đồng bào dân tộc Khmer dưới tác động của các chính sách của Đảng, Nhà nước. Đó là động lực để đồng bào tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất, phấn đấu cùng các cấp, các ngành thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Tin cùng chuyên mục