Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Tự hào hai tiếng “Việt Nam”!

Thanh Hải - 19:46, 01/04/2025

Nửa thế kỷ đất nước trọn niềm vui non sông liền một dải. Nửa thế kỷ đất nước hồi sinh, phát triển để thấm hơn sự khốc liệt và mất mát của cuộc chiến ngày ấy. Nửa thế kỷ Việt Nam vươn mình sánh vai cùng bè bạn năm châu, để khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế.

Nhịp cầu nối những mùa Xuân. Ảnh: Nông Văn Dân
Nhịp cầu nối những mùa Xuân. Ảnh: Nông Văn Dân

Năm mươi năm trước, vào 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, cả dân tộc Việt Nam vỡ òa, hân hoan, náo nức tột cùng khi những người lính giải phóng quân cắm lá cờ cách mạng trên nóc Dinh Độc Lập. Từ đây, miền Nam đã hoàn toàn được giải phóng. Năm mươi năm non sông liền một dải, bằng ý chí quật cường, khát vọng mãnh liệt và những hành động cụ thể, Việt Nam đã lập nên những kỳ tích tô thắm thêm cho trang sử hào hùng của dân tộc.

Kỳ tích lớn nhất là nền kinh tế nước nhà đã có bước phát triển vượt bậc. Điểm nhấn quan trọng sau nửa thế kỷ thống nhất đất nước, sau gần 40 năm đất nước đổi mới, chính là câu chuyện thành công về xóa đói giảm nghèo. Ngày non sông liền một dải, Việt Nam là một quốc gia nghèo, nay đang trở thành nước có thu nhập trung bình, tỷ lệ người nghèo đã giảm mạnh từ 57% vào đầu những năm 1990 xuống còn 5,2% vào năm 2020. Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm liên tục và đáng kể từ 18,1% năm 2012 xuống 10,9% năm 2016 và 4,4% năm 2020. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước còn 2,93%, giảm 1,1% so với cuối năm 2022.

Đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, cùng với đó là nhiều khó khăn, thách thức đan xen. Nhưng trong mọi hoàn cảnh lịch sử, Đảng và Nhân dân ta luôn kề vai, sát cánh, triệu ý chí vì sứ mệnh xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, tác động tới mọi mặt của nền kinh tế thế giới, nhưng, với nhiều nỗ lực, Việt Nam vẫn là một trong số ít quốc gia duy trì tăng trưởng dương 2,9% (năm 2020) và 2,58% (năm 2021). Sau đại dịch, kinh tế đất nước phục hồi mạnh mẽ, ấn tượng. Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (theo nhận định của WB).

Đi đôi với giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế là phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Vấn đề xây dựng văn hóa và phát triển con người toàn diện được Đảng ta chú trọng xuyên suốt. Đúng như tinh thần Đại hội XIII của Đảng: Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Vị thế nước ta ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Đến nay, chúng ta đã có quan hệ ngoại giao chính thức với 193 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 7 nước đối tác chiến lược toàn diện; quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, ký hiệp định thương mại song phương với trên 100 nước, trong đó có nhiều hiệp định thế hệ mới. Trên bình diện đa phương, với thế và lực mới, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của trên 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO...

Tỉnh Bình Dương thu hút hơn 515 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài trong 2 tháng đầu năm. Ảnh: BCM
Tỉnh Bình Dương thu hút hơn 515 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài trong 2 tháng đầu năm. Ảnh: BCM

Có được cơ đồ hôm nay là kết quả của tinh thần đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân sau nửa thế kỷ xây dựng, kiến tạo và phát triển. Đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, cùng với đó là nhiều khó khăn, thách thức đan xen. Nhưng trong mọi hoàn cảnh lịch sử, Đảng và Nhân dân ta luôn kề vai, sát cánh, triệu ý chí vì sứ mệnh xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.