Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Cuộc sống của người Xinh Mun ở Điện Biên: Còn đó nhiều khó khăn

Nam Hương - 09:35, 03/07/2020

Bên đôi bờ sông Mã chảy qua địa phận xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông (Điện Biên), đồng bào dân tộc Xinh Mun lập bản, sống quần tụ và định cư lâu đời. Do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, cho đến nay, đời sống của đồng bào Xinh Mun vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, kéo theo đó là nguy cơ hòa tan bản sắc văn hóa với cộng đồng dân tộc khác.

Cuộc sống khó khăn, kéo theo những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Xinh Mun ở Chiềng Sơ đang dần bị mai một.
Cuộc sống khó khăn, kéo theo những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Xinh Mun ở Chiềng Sơ đang dần bị mai một.

Nguy cơ bị tụt lại phía sau

Ở tỉnh Điện Biên, người Xinh Mun sinh sống duy nhất tại xã Chiềng Sơ, tập trung tại 6 bản, với 447 hộ, 2.345 nhân khẩu. Qua nhiều đời, họ duy trì tập quán canh tác nương rẫy, số ít hộ có ruộng nước. Gieo trồng trên đất dốc và sản xuất phụ thuộc vào tự nhiên nên năng suất cây trồng, vật nuôi không cao. Chính bởi vậy, đời sống đồng bào dân tộc Xinh Mun rất khó khăn.

Do cuộc sống khó khăn nên trẻ em Xinh Mun cũng thiếu cơ hội được học hành chu đáo. Tính riêng 2 bản Hin Óng và bản Nà Ly có cả trăm học sinh trong độ tuổi đến trường, song số em tốt nghiệp trung học phổ thông chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơ, ông Lò Văn Thuận cho biết: “Vùng đất này dốc lắm, năm nào cũng bị rửa trôi, trơ lại toàn sỏi đá. Bà con không thể trồng trọt được cây gì, chăn nuôi cũng khó. Cùng quẫn quá họ lại vác dao lên rừng chặt cây, đốt nương, làm rẫy. Vì thế, mà quanh đây bây giờ dần thưa vắng những cánh rừng. Người dân các bản Xinh Mun cũng không có nghề phụ nên nguồn thu nhập càng khó khăn”.

Được hưởng chính sách của 62 huyện nghèo, những bản người Xinh Mun ở Chiềng Sơ thường xuyên được Nhà nước hỗ trợ, các giống cây trồng, vật nuôi để tạo sinh kế, tạo động lực vươn lên. Từ nguồn hỗ trợ này, mỗi gia đình có thêm 1 - 2 con lợn hoặc dê, bò để chăn nuôi. Tuy nhiên, kỹ thuật chăn nuôi của bà con còn lạc hậu nên đàn gia súc kém phát triển. Bởi vậy, cái nghèo, cái khó vẫn quẩn quanh nơi đây.

Mai một bản sắc dân tộc

Qua nhiều năm chung sống, hội nhập với các dân tộc khác, nhiều nét văn hóa truyền thống của người Xinh Mun, như: Trang phục, tiếng nói, phong tục tập quán... đã không còn được bảo tồn nguyên vẹn, thậm chí bị mai một.

Nghệ nhân Lò Văn Pháng, người duy nhất ở xã Chiềng Sơ am hiểu sâu về văn hóa dân tộc Xinh Mun, cho biết: Thuở xa xưa, người Xinh Mun cũng có tiếng nói riêng, thuộc ngữ hệ Môn - Khmer, nhưng dần dần trong quá trình sinh sống đã có sự giao thoa với ngôn ngữ của dân tộc Thái. Người Xinh Mun ở Chiềng Sơ hiện nay sử dụng tiếng Thái thông thạo hơn tiếng dân tộc mình trong sinh hoạt, giao tiếp.

Người Xinh Mun cũng không tạo cho mình loại chữ viết riêng mà sử dụng chữ Thái trong các văn bản. Các loại hình diễn xướng dân gian (hát múa, trò chơi...) đều có nét tương đồng hoặc giống với dân tộc Thái. Nhạc cụ, câu hát, điệu múa người Thái hay biểu diễn thì người Xinh Mun cũng mượn để sử dụng và coi đó như một nét văn hóa của dân tộc mình.

Về trang phục, người Xinh Mun xưa kia cũng có trang phục riêng, đặc biệt là váy, áo của phụ nữ, nhưng hiện giờ, đa phần chuyển sang mặc trang phục của người Thái hoặc người Kinh.

Trước thực trạng này, các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành Văn hóa cần có giải pháp khuyến khích người dân sử dụng ngôn ngữ, trang phục hoặc xây dựng các mô hình phục dựng, bảo tồn có hiệu quả những lễ hội truyền thống trước nguy cơ bị mai một.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.