Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thực hiện Chương trình MTQG 1719 ở Cà Mau: Nâng cao đời sống đồng bào DTTS, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng trong tỉnh

Như Tâm - 10:02, 12/10/2023

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Cà Mau đặt ra nhiều mục tiêu, giải pháp thực hiện nhằm nâng cao đời sống đồng bào DTTS, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng trong tỉnh để “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Phóng viên Báo Dân tộc và phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau về quan điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và kết quả nối bật từ thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu...

UBND tỉnh cà Mau luôn đặc biệt quan tâm gia đình chính sách, Người có uy tín, hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn kịp thời hỗ trợ
UBND tỉnh cà Mau luôn đặc biệt quan tâm gia đình chính sách, Người có uy tín, hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn

 Thưa ông, đến thời điểm này, tỉnh Cà Mau đã qua nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xin ông cho biết những kết quả nổi bật từ thực hiện các mục tiêu Nghị quyết, nhất là trong lĩnh vực công tác dân tộc và chính sách dân tộc?

Ông Nguyễn Minh Luân: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, mặc dù trong 02 năm đầu nhiệm kỳ bị ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, nhưng Cà Mau đã đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật trên nhiều lĩnh vực so với cùng kỳ nhiệm kỳ trước. Cụ thể, kinh tế của tỉnh đã dần phục hồi và phát triển, tốc độ tăng trưởng bình quân 4,38%/năm; riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế tăng trưởng 8,61% so cùng kỳ (đứng thứ 2 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đứng thứ 5 cả nước). 

Tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người năm 2023 đạt khoảng 70 triệu đồng, tăng 37,4% so với năm 2020; ước đến cuối năm 2023, sẽ thực hiện đạt và vượt 06/17 chỉ tiêu chủ yếu của cả nhiệm kỳ; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11,2%; thu ngân sách tăng 4,3% so cùng kỳ; tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 1,5 triệu tấn, bằng 46,9% chỉ tiêu Nghị quyết; kim ngạch xuất khẩu đạt 3,6 tỷ USD, bằng 60% so với chỉ tiêu Nghị quyết; 55 trong số 82 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 67% tổng số xã trong toàn tỉnh; công tác xóa đói, giảm nghèo được chăm lo tốt, an sinh xã hội được bảo đảm…

Các công trình, dự án, nhất là các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh được chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ; hoạt động hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp được triển khai tích cực; thu hút khách du lịch tăng 36% so cùng kỳ, đưa  tổng doanh thu tăng 33% so với Nghị quyết.

Đến cuối năm 2022, Cà Mau còn 7.407 hộ nghèo (chiếm 2,41%), trong đó, hộ nghèo DTTS là 1.042/ 16.000 hộ (chiếm 8,66% trong tổng số hộ đồng bào DTTS); hộ cận nghèo còn 5.710 hộ (chiếm 1,86%), trong đó, hộ cận nghèo DTTS còn 551 hộ (chiếm 4,57% trong tổng số hộ đồng bào DTTS toàn tỉnh).

Đặc biệt, thực hiện Chương trình MTQG 1719, với tinh thần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình để đồng bào DTTS sớm thụ hưởng, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư. Theo đó, những tháng đầu năm 2023, UBND tỉnh đã quyết định phân khai chi tiết nguồn vốn gần 82 tỷ đồng để các ngành, địa phương chủ động rà soát đối tượng, lựa chọn nội dung thực hiện và hoàn thành công tác triển khai thực hiện theo quy định. Các nội dung chính sách thuộc Chương trình MTQG 1719 đã bao quát hầu hết các lĩnh vực, phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu thụ hưởng của đồng bào DTTS và Nhân dân vùng DTTS của tỉnh Cà Mau. 

Việc tổ chức thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh mặc dù vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc đang tiếp tục tháo gỡ. Tuy nhiên, kết quả triển khai thực hiện trong 9 tháng đầu năm 2023, là tương đối khả quan, đủ cơ sở để các ngành, địa phương của tỉnh quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân hoàn thành kế hoạch vốn được giao, nhằm đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu Chương trình đề ra đến hết năm 2023, và theo các Kế hoạch 05 năm; kế hoạch hằng năm của UBND tỉnh.

Cùng với đó, Cà Mau đang đẩy mạnh chuyển đổi số góp phần thay đổi tổng thể, căn bản và toàn diện hoạt động lãnh đạo, điều hành của cả hệ thống chính trị cũng như phương thức sản xuất, kinh doanh; phương thức sống, làm việc của người dân, trong đó có đồng bào DTTS.

Ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau trả lời phỏng vấn Báo Dân tộc và Phát triển
Ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau

Là tỉnh đứng thứ hai trong khu vực về tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2023, tuy nhiên, khoảng cách phát triển của vùng đồng bào DTTS với các vùng khác trên địa bàn tỉnh vẫn còn chênh lệch, tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS còn cao, Cà Mau đã có giải pháp gì để giải quyết thực tế này?

Ông Nguyễn Minh Luân: Đồng bào DTTS là bộ phận không thể tách rời của sự phát triển chung của tỉnh Cà Mau, vì vậy tỉnh luôn chú trọng quan tâm, nâng cao đời sống của đồng bào nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các vùng trong tỉnh, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022, trên địa bàn tỉnh Cà Mau còn 1.042 hộ nghèo và 550 hộ cận nghèo DTTS. Từ năm 2021 - 2023, tỉnh đã phân bổ hơn 128 tỷ đồng để thực hiện Chương trình MTQG 1719 ở những địa bàn khó khăn. Việc phân bổ vốn đầu tư cho các dự án được thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo công khai, minh bạch và kịp thời.

UBND tỉnh Cà Mau cũng vừa phê duyệt kế hoạch thực hiện Tiểu dự án 4 thuộc, Dự án 5 “Đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719". Tiểu dự án nhằm đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác và chính sách dân tộc ở các cấp; cán bộ các tổ chức đoàn thể, lực lượng cốt cán, Người có uy tín trong cộng đồng tham gia vào quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh; Đào tạo các kỹ năng về phát triển cộng đồng và các nội dung có liên quan khác cho cán bộ cơ sở tại các xã khu vực III và các xã có ấp đặc biệt khó khăn vùng DTTS. 

Bên cạnh đó, giúp cộng đồng ấp, khóm đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS tiếp thu những kiến thức cơ bản về tiến bộ khoa học, kỹ thuật phục vụ sản xuất, đời sống...

Năm 2023, Cà Mau phấn đấu giảm hộ nghèo đa chiều tối thiểu 0,8%. Để đạt mục tiêu này, tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc, trong đó tập trung thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững, như tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo; dạy nghề, tạo việc làm; hỗ trợ về giáo dục và đào tạo, y tế, nhà ở; trợ giúp pháp lý cho người nghèo; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo... ; đặc biệt chú trọng đến đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng DTTS.

Với quyết tâm nâng cao đời sống đồng bào DTTS và thu hẹp khoảng cách giữa các vùng trong tỉnh, quan điểm của tỉnh Cà Mau trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các mục tiêu đặt ra là gì, thưa ông ?

Ông Nguyễn Minh LuânTỉnh Cà Mau đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 là phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS giảm trên 2%/năm; ít nhất 40% số xã (2 xã) và 51,2% ấp, khóm (22 ấp, khóm) ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; tiếp tục duy trì 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 80% ấp, khóm vùng DTTS có đường giao thông đến trung tâm được cứng hóa theo chuẩn nông thôn mới; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS; đầu tư xây dựng bổ sung 4 nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng (Salatel) cho vùng đồng bào DTTS...

Mục tiêu này thể hiện sự quyết tâm của Đảng bộ và chính quyền, Nhân dân nhằm nâng cao đời sống đồng bào DTTS và thu hẹp khoảng cách giữa các vùng trong tỉnh. Có nhiều yêu cầu trong công tác lãnh đạo chỉ đạo để hướng tới việc thực hiện thắng lợi Chương trình MTQG 1719, nhưng trên hết là tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng trong cả hệ thống chính trị và toàn dân, nhất là cán bộ, đảng viên không được thấy khó khăn mà bàn lùi. 

Những năm qua, Tỉnh luôn chú trọng việc xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo từ cấp tỉnh đến cơ sở có tinh thần chủ động đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của tập thể, đơn vị; nhất là người đứng đầu, tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại và sợ trách nhiệm. Đồng thời, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện tốt chính sách dân tộc, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo vùng DTTS, nâng cao đời sống Nhân dân.

Đồng bào Khmer Cà Mau sẽ có một mùa Sen Dolta đầm ấm, đủ đầy và an vui
Đồng bào Khmer Cà Mau đang chuẩn bị đón một mùa Sen Dolta đầm ấm, đủ đầy và an vui

Là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, trong mùa Sen Dolta năm 2023, UBND tỉnh đã thể hiện sự quan tâm đến đồng bào Khmer như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Luân: UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào Khmer đón mùa Lễ Sen Dolta với tinh thần vui tươi, đầm ấm, đầy đủ; Giao cho Ban Dân tộc phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất thành lập các đoàn đến thăm, tặng quà các điểm Chùa, Salatel, các vị sư, Ban Quản trị và bộ phận giúp việc tại các điểm Chùa và Salatel; gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh. Kịp thời hỗ trợ các gia đình chính sách, Người có uy tín, hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn.. để ai cũng có một mùa Sen Dolta đầm ấm, đủ đầy và an vui. 

Trân trọng cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục
Đăk Tô (Kon Tum): Thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo

Đăk Tô (Kon Tum): Thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo

Bằng quyết tâm và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Đăk Tô (Kon Tum) đã phát huy hiệu quả, giúp hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện vươn lên, nâng cao đời sống, thu nhập, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.