Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Thực trạng đội ngũ y tế thôn, bản: Thừa trách nhiệm - Thiếu chính sách (Bài 1)

Sỹ Hào - 10:17, 05/08/2020

Vừa tham gia chăm sóc sức khỏe ban đầu, các nhân viên YTTB cũng là những tuyên truyền viên tích cực hướng dẫn người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh. Nhưng hạn chế hiện nay là, đa số nhân viên YTTB kiêm nhiều nhiệm vụ, nhiều trường hợp không bảo đảm chuyên môn…

Nhân viên YTTB là “cánh tay nối dài” của ngành Y tế. (Ảnh minh họa)
Nhân viên YTTB là “cánh tay nối dài” của ngành Y tế. (Ảnh minh họa)

 “Gánh” nhiều nhiệm vụ

LTS: Ít được đào tạo, bồi dưỡng; cơ chế, chính sách chưa có sự thống nhất… là những rào cản cần sớm được tháo gỡ để phát triển đội ngũ y tế thôn bản (YTTB) ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới.

Tuyến đầu chống dịch

Hơn 10 năm nay, chị Đào Thị Sáu làm “cô đỡ” ở thôn Đồng Lợi, xã Cấp Tiến, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Thôn có 105 hộ dân, nhưng chị đã sắp xếp thời gian để thường xuyên đến từng gia đình hướng dẫn người dân chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSK), phòng, chống dịch bệnh.

Đặc biệt, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chị đã phối hợp với các đoàn thể của thôn tuyên truyền đến người dân các biện pháp phòng, chống dịch thông qua các buổi họp thôn và trên loa truyền thanh. Chị còn đến từng nhà để phát tờ rơi, giúp người dân chủ động bảo vệ sức khỏe.

Cũng như chị Sáu, chị Bàn Thị Ngân, nhân viên y tế thôn Nặm Làng, xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn) đã xông xáo làm tròn vai “cô đỡ”. Trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, chị đã kết hợp với trưởng thôn, các đoàn thể trong thôn tuyên truyền đến người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Vừa nắm địa bàn để có báo cáo kịp thời với cơ sở y tế, chị đồng thời tuyên truyền, vận động bà con không hoang mang lo lắng, nhưng cũng không chủ quan lơ là với dịch, bệnh.

Chị Sáu, chị Ngân là hai trong hàng chục nghìn nhân viên YTTB hiện đang ngày đêm CSSK ban đầu cho người dân, là tuyến đầu trong phòng, chống dịch bệnh ở những bản làng vùng sâu, vùng xa. Tại buổi làm việc với Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội ngày 31/7/2020, lãnh đạo Bộ Y tế đã khẳng định, đội ngũ YTTB có vai trò đặc biệt trong tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân CSSK ngay tại cộng đồng, phát hiện sớm tình hình dịch bệnh tại các thôn, bản, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.

“Lỗ hổng” về chuyên môn

Vai trò của đội ngũ nhân viên YTTB ngày càng khẳng định trong hệ thống y tế nước ta. Đặc biệt, ở vùng đồng bào DTTS, đội ngũ nhân viên YTTB đã làm thay đổi nhiều tập tục, thói quen CSSK còn lạc hậu của bà con, góp phần nâng cao chất lượng sống cho cả cộng đồng.

Nhưng có một thực tế là, hiện đội ngũ YTTB kiêm nhiệm nhiều việc, ít được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ. Hầu hết nhân viên YTTB chỉ mới được đào tạo chuyên môn trình độ 3 - 9 tháng, rất ít người có trình độ cao hơn. Như Tuyên Quang, toàn tỉnh có trên 1.700 nhân viên YTTB, thì chỉ có 118 người có trình độ chuyên môn bậc trung cấp, còn lại đều trình độ sơ cấp.

Trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhưng hầu hết nhân viên YTTB hiện “gánh” rất nhiều nhiệm vụ trong công tác CSSK ban đầu cho người dân ở cơ sở. Không chỉ tham gia hỗ trợ công tác tiêm chủng mở rộng, làm cộng tác viên dân số, đội ngũ nhân viên YTTB còn điều tra dân số, tuyên truyền về môi trường, an toàn thực phẩm và theo dõi, CSSK ban đầu cho các bà mẹ, trẻ em...

Mặc dù đảm nhiệm những nhiệm vụ quan trọng trong công tác CSSK người dân; điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng phụ cấp của đội ngũ nhân viên YTTB rất thấp. Trong khi đó, cơ chế, chính sách đãi ngộ hiện lại chưa có sự thống nhất, thậm chí chồng chéo, “phủ định” lẫn nhau. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết trong cả nước

Ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết trong cả nước

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay cả nước ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 1 ca tử vong. Các chuyên gia nhận định rằng sốt xuất huyết không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có số ca mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư.