Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nghề nghiệp - Việc làm

Thương hiệu miến dong của người phụ nữ Dao

Hồng Minh - 10:55, 18/02/2020

Ở tỉnh Bắc Kạn, dong riềng được xem là cây chủ đạo phát triển kinh tế của người dân. Từ một người đi xay bột dong thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình, chị Triệu Thị Tá dân tộc Dao, ở thôn Nà Viễn, xã Yến Dương, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) đã tự thành lập được cơ sở sản xuất miến dong với thương hiệu mang tên mình, cho doanh thu hàng năm lên tới hàng trăm triệu đồng.

Chị Triệu Thị Tá tại cơ sở sản xuất miến dong của mình
Chị Triệu Thị Tá tại cơ sở sản xuất miến dong của mình

Từ năm 1997 - 2000, chị Triệu Thị Tá làm công việc xay bột dong và đem bán cho những người làm miến ở dưới xuôi. Tuy nhiên, sau một thời gian chị Tá nhận thấy việc bán nguyên liệu không thu được nhiều lợi nhuận, trong khi sẵn có nguồn nguyên liệu, tại sao mình lại không thể làm miến giống dưới xuôi để bán.

Câu hỏi ấy cứ quanh quẩn trong đầu chị. Năm 2011, chị xuống Thái Nguyên xin làm công nhân tại một cơ sở làm miến, vừa học vừa quan sát. Sau hơn 1 tháng, chị quay về quê mạnh dạn vay vốn đầu tư. Chị quyết định mua đất gần Tỉnh lộ 258 để phát triển sản phẩm miến dong, đặt tên cơ sở sản xuất là Miến dong Triệu Thị Tá.

Vào thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều thương hiệu miến dong khác. Tuy nhiên, với quy trình làm thủ công truyền thống, đặc biệt sử dụng tinh bột dong địa phương nên sản phẩm “Miến dong Triệu Thị Tá” có vị thơm, dai, mềm nên sớm có được chỗ đứng trên thị trường.

Nhằm duy trì sản xuất ổn định, lâu dài, xây dựng uy tín, tránh bị nhái sản phẩm, cơ sở sản xuất miến dong Triệu Thị Tá xác định phải có bao bì riêng, đăng ký bản quyền và để đi tham gia hội chợ ở tỉnh khác theo Chương trình của Trung tâm Khuyến công, tư vấn phát triển công nghiệp - xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm. Đã hơn 3 năm liên tục, sản phẩm “Miến dong Triệu Thị Tá” luôn đồng hành cùng ngành chức năng đi tham gia xúc tiến thương mại

Về quá trình tạo ra sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, chị Tá chia sẻ: Lúc đầu do chưa có nhiều kinh nghiệm nên cũng có những mẻ miến không thành. Khi làm được rồi thì cơ sở mới thành lập nên uy tín chưa có, bản thân phải trực tiếp đi giới thiệu sản phẩm, cho không miến để mọi người dùng thử… thấy phản hồi tích cực chị lại có thêm động lực.

Qua 1 năm sản xuất, kinh nghiệm được tích lũy, chị mạnh dạn nâng công suất và chỉ sử dụng tinh bột giống dong địa phương. Đến nay, trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất của chị sử dụng 5 - 6 tạ tinh bột, góp phần tích cực vào việc bao tiêu tinh bột dong cho các thôn vùng cao của xã Yến Dương.

Năm 2014, chị Tá mạnh tay đầu tư xây dựng loại bao bì 500gram, đăng ký bảo hộ thương hiệu và được cấp mã số, mã vạch. Điều này, góp phần giúp sản phẩm “Miến dong Triệu Thị Tá” từng bước đủ tiêu chuẩn để bày bán tại các siêu thị lớn.

Từ một cơ sở sản xuất nhỏ mỗi ngày chỉ sản xuất được 50kg miến dong, đến nay chị Tá đã có hai cơ sở sản xuất miến dong với sản lượng lên đến 7, 8 tạ miến mỗi ngày. Nhiều năm nay, chị Tá không cần phải mang miến đi bán, bởi làm ra đến đâu là tiêu thụ hết ngay đến đó. Từ làm miến dong, trừ mọi khoản chi phí, cơ sở sản xuất của chị thu về lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng/năm.

Về những dự định trong tương lai, chị Tá mong muốn mở rộng hơn nữa cơ sở sản xuất, bởi số lượng miến làm ra hiện tại chưa thể đáp ứng được nguồn cung dồi dào của người tiêu dùng. Đặc biệt, tháng 10/2019, chị Tá đã cho ra đời sản phẩm miến dong tỏi đen với nhiều giá trị dinh dưỡng và chữa bệnh.