Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Ẩm thực

Thương nhớ một dòng sông

Lư Dũng - 15:39, 24/08/2021

Chợ nổi Hồng Dân giờ đây chỉ còn lưu lại qua hình ảnh hoặc trong ký ức của nhiều người. Với tôi mỗi khi đến đây, cảm giác như bị "đánh cắp" mất một dòng sông của chính mình. Dòng sông đó có thể là dòng sông của tuổi thơ hay đơn giản chỉ là một nụ cười khiến người ta phải thương, phải nhớ và ám ảnh cả đời!

Một thoáng sông nước Cửu Long (ảnh minh họa)
Một thoáng sông nước Cửu Long (ảnh minh họa)

Đặc sản sau mưa

Khi những cơn mưa bắt đầu nặng hạt cũng là lúc đồng đất trở mình, mọi thứ gần như được tắm gội để thay nhau bật dậy những mầm xanh. Từ cá đồng, ếch, lươn, ốc lác... được vớt trên mấy con kênh khi trời mới sa mưa dường như cũng ú mập thêm ra. Muốn ăn đặc sản Hồng Dân thì phải chọn thời gian này, thứ nào cũng ngon vì mới được uống nước trời sau những ngày nắng chát do xâm nhập mặn.

Rảo các chợ quê ở huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) từ chợ xã Ninh Quới A cho đến trung tâm thương mại thị trấn Ngan Dừa, hễ hôm nào mưa nhiều thì hôm đó gần như các chợ nhộn nhịp hẳn ra. Người bán, người mua đều đông hơn và toàn đặc sản. Đặc biệt là rau sạch được hái bán theo kiểu mua cả rổ hoặc cả thau chứ không phải cân như các loại rau khác bán vào các buổi thường ngày. Đó là bông súng ma, đọt choại, rau the, cải hẹ, năng bộp… tươi ngon đến lạ. Những thứ rau ấy xào, luộc hay ăn sống, làm món gì cũng ngon.

Nhưng có lẽ ngon nhất là ăn với mắm đồng, mà phải là món mắm cá trắm cỏ ở huyện Hồng Dân thì mới tuyệt hảo. Bởi mắm này được chan với mật ong rừng tràm và cách làm mắm cũng khá công phu. Cá trắm cỏ rất nhiều xương, nhưng qua bí quyết của người nông dân làm cho xương mắm trở nên giòn tan. Thịt cá béo nhưng ăn vào không ngán, mang đậm mùi hương đặc trưng của đồng nên rất khó lẫn với các loại mắm khác.

Món mắm cá trắm cỏ ngoài kết hợp với thịt ba chỉ, tép mỡ, gừng, củ hành đỏ, ớt xanh, tiêu, tỏi trắng đem chưng cách thủy ăn kèm với các loại rau rừng, còn có thể đem chiên hoặc tái chanh ăn sống với cà dái dê, chuối chát và khế chua. Món mắm này sẽ gợi nhớ về một thuở khai hoang mở đất, ngồi bệt dưới đất bóc từng nắm cơm nguội, xé phanh con mắm sống ăn với bông bần tím và nhai nhóm nhém quả bần chát còn chưa kịp chín.

Đặc sản lẩu mắm Bạc Liêu
Đặc sản lẩu mắm Bạc Liêu (Ảnh TL)

Cùng với món mắm đồng, Hồng Dân còn một thứ đặc sản khác đã góp phần tôn vinh thương hiệu và cái độc lạ của các món rau rừng, đó là món thịt trâu. Vì vậy, có người cho rằng: “Đã đi Hồng Dân mà chưa ăn thịt trâu thì coi như mới đi được một nửa”. Hồng Dân được xem là địa phương cung cấp thịt trâu tươi ngon đi các địa phương trong và ngoài tỉnh. Vì Hồng Dân có những hộ chuyên hành nghề vỗ béo trâu để thịt và có cả lò giết mổ trâu hàng ngày. Xuất phát từ việc nuôi và mổ trâu tại chỗ nên thịt trâu ở Hồng Dân chủ yếu là thịt trâu tươi. Thịt trâu có thể làm rất nhiều món, nhưng món được xem là đặc sản trong mùa mưa chỉ có món trâu kho và trâu nhúng mẻ. Nếu là trâu kho thì chọn thịt nạc lưng để chế biến, thịt ăn vào mềm thơm. Còn trâu luộc mẻ thì phải chọn ngay bắp kèn trâu thì thịt mới ngon lại dai, do thịt và gân non nằm xen lẫn với nhau. Hai món này đều hợp với việc nhúng rau đồng như: năng bộp, dọt choại, rau the, bông súng ma…

Món lươn um rau ngổ
Món lươn um rau ngổ

Ngoài ra, Hồng Dân còn nhiều món ngon hấp dẫn khác nữa như: Rắn nướng, lươn um rau ngổ, lá nhàu, ếch xé phay, ốc lát hầm tiêu... Nói thế để thấy rằng, Hồng Dân có rất nhiều món ngon và đây thật sự là lợi thế cho việc phát triển du lịch.

 Nhớ chợ nổi Ngan Dừa

Nói đến đặc sản Hồng Dân, chắc nhiều người sẽ nghĩ ngay đến một đặc sản đã trở thành nỗi tiếc nuối của nhiều người, đó là chợ nổi Ngan Dừa. Trước đây ngay trung tâm thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân (nay là khu vực công viên thị trấn) tồn tại một chợ nổi mua bán rất nhộn nhịp.

Tôi còn nhớ lần đầu tiên đi công tác ở huyện Hồng Dân vào những năm 2005, điều khiến tôi khó quên là hình ảnh về những chiếc xuồng ba lá mua bán ở chợ nổi này. Khung cảnh tấp nập, nhưng bình yên và thơ mộng lắm! Những cô thôn nữ diệu đàng với nón lá che nghiêng thoăn thoắt bốc hàng và cười tươi như nắng sớm, trông thật dễ thương!

Không biết có phải bị “bỏ bùa” bởi ánh nắng hay những cụ cười duyên mà sao trong suốt những năm đó, tôi rất thích đi công tác ở huyện Hồng Dân, luôn thèm thuồng cái cảm giác ngồi quán cà phê ven sông chợ nổi Ngan Dừa nhâm nhi ly xi chừng (cà phê đen) chỉ với 3.000 đồng/ly và ăn đĩa bánh giá 10.000 đồng mà ngon hơn cả ăn cỗ.

Chợ nổi Gành Hào (Cà Mau)
Chợ nổi Gành Hào (Cà Mau) (Ảnh minh họa)

Song, hạnh phúc ấy đã đi vào dĩ vãng, khi chợ nổi Ngan Dừa nay đã hóa thành công viên. Tôi cảm thấy tiếc nuối cho một thứ đặc sản mà không phải địa phương nào cũng có được. Trong khi cách đây không lâu, chợ nổi Cái Răng - TP. Cần Thơ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Rồi nhiều địa phương khác ở Đồng bằng sông Cửu Long đang tranh thủ khai thác cái đặc sản sông nước này, thậm chí tốn cả tiền tỷ để phục dựng, tái hiện lại. Thế mà Hồng Dân lại tự làm mất đi chợ nổi “đặc sản”của quê hương mình, hỏi làm sao tôi lại không tiếc nuối cho được (!)