Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Thủy điện, thủy lợi và những điều bất lợi

PV - 09:52, 05/09/2018

Công trình đập tràn Bai Căng, xã Ngọc Khê, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa được đưa vào sử dụng cuối năm 2011, sửa chữa năm 2017, nhưng đến nay vẫn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, bởi sự xuống cấp và lỗi thiết kế. Hiện, người dân sống quanh đập đang trong tình cảnh bất an, nhất là trước diễn biến thất thường của thời tiết thời gian qua.

Bài 4: Đập tràn Bai Căng đe dọa cuộc sống người dân

“Quả bom nước” ngay sát nhà dân

Có mặt tại đập tràn Bai Căng những ngày này, có thể nhìn thấy phần đá kè dưới mái đập đã nứt toác, với những viên đá rời rạc nằm ngổn ngang, không có đủ khả năng liên kết che chắn cho thân đập nếu có lũ dữ đi qua.

Chị P.T.A (xin giấu tên) ở gần đập tràn cho biết: Từ khi công trình bị xuống cấp, hư hỏng trầm trọng, người dân chúng tôi luôn phải sống trong lo lắng.

 Đập tràn Bai Căng xuống cấp trầm trọng trước khi nâng cấp. (Ảnh tư liệu) Đập tràn Bai Căng xuống cấp trầm trọng trước khi nâng cấp. (Ảnh tư liệu)

Những năm qua, tình trạng thân đập bị xuống cấp gây xói mòn, sạt lở đất đai khiến cho cả trăm khối đất ở, đất vườn, đường đi lại của các hộ dân sống gần đập bị “nuốt” gọn. Có 2 hộ gia đình là gia đình ông Phạm Minh Hiệu và gia đình ông Phạm Văn Thiết đã phải di dời nhà cửa do sạt lở làm mất gần hết phần đất ở. Hiện vẫn còn khoảng gần chục hộ dân trong khu vực đang từng ngày mất đất… và sống trong sợ hãi, bất an mỗi khi trời mưa.

Cũng theo chị P.T.A, khoảng trung tuần tháng 8 vừa qua, tại hồ chứa nước dưới phần chân đập tràn, một cháu bé hơn 10 tuổi đã bị chết do bị đuối nước. Vào những ngày mưa lũ kéo dài, người dân rất e ngại khi phải đi qua khu vực này.

Chị Phạm Thị Thân, thôn Ngọc Lan, xã Ngọc Khê lo lắng thông tin: toàn bộ khu đất vườn cả trăm mét vuông của gia đình cho bà con dùng làm sân giao lưu thể thao, văn nghệ nay đã sạt lở toàn phần. Thậm chí, con đường dẫn vào một số hộ dân khu bên trong thôn Ngọc Lan cũng bị xói lở, gia đình chị Thân phải dành một phần đất vườn khác để cho các hộ lấy đường đi.

Ông Phạm Trung Dũng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Khê cho biết: chính quyền cũng đang rất lo lắng cho sự an nguy của công trình, nhất là người dân sinh sống ở đây đang phải đối mặt với việc sạt lở nghiêm trọng, nhiều hộ dân mất đất, mất đường, phải di dời nhà cửa...

Sai ngay từ khâu thiết kế

Phản ánh về nguyên nhân gây ra tình trạng này, nhiều hộ dân Ngọc Khê bức xúc cho rằng, ngoài các nguyên nhân khách quan về thổ nhưỡng, mưa lũ thì, tình trạng đập tràn Bai Căng gây ra sạt lở nghiêm trọng là do lỗi từ khâu thiết kế.

Ông Đỗ Ngọc Thịnh, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Lặc thừa nhận, công trình nhanh chóng xuống cấp, gây sạt lở đất là do lỗi thiết kế. Nhẽ ra cống đập tràn phải được thiết kế thuận theo chiều của dòng chảy, nước qua cống đập phải xuôi dòng đổ về hạ nguồn, nhưng ở đây, dòng nước khi đổ qua cống đập bị bẻ vuông góc khiến cho dòng chảy đập thẳng vào phần đất liền không được kè chống an toàn, dẫn đến dòng nước bị quẩn, thúc trở lại thân đập lâu ngày gây xói mòn, sạt lở đất đai…

Công trình đập tràn Bai Căng được phê duyệt theo Quyết định số 3294/QĐ-UBND ngày 31/12/2009 của Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc. Công trình do UBND xã Ngọc Khê làm chủ đầu tư, từ nguồn vốn giao thông nông thôn và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác; đơn vị thi công xây dựng là Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Hoàng Long. Công trình được đưa vào sử dụng cuối năm 2011.

Khi công trình bắt đầu có biểu hiện xuống cấp, chính quyền địa phương, (chủ đầu tư) cũng đã có biện pháp duy tu, bảo dưỡng nhưng không hiệu quả.

Khi tìm hiểu tổng mức đầu tư xây dựng công trình này là bao nhiêu, phóng viên đã nhiều lần liên hệ với ông Phạm Trung Dũng, Chủ tịch xã Ngọc Khê, nhưng vị Chủ tịch này gần như thoái thác, với lý do mới về nhận nhiệm vụ nên không nắm rõ.

Thiết nghĩ, với một công trình thủy lợi như đập tràn Bai Căng được xây dựng với mục đích phục vụ sản xuất và đảm bảo an toàn cho người dân, nhưng lại có “tác dụng ngược”. Đặc biệt, khâu thiết kế đập sai sót từ phía chính quyền địa phương, đơn vị liên quan-những thành phần được giao trách nhiệm chăm lo, đảm bảo cho cuộc sống của dân… đang gây ra hệ lụy khôn lường, người gánh chịu lại là những người dân.

Thiết nghĩ, lãnh đạo huyện, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cần có động thái, triển khai giải pháp kịp thời, để đảm bảo an toàn con đập và người dân sống quanh công trình.

Tỉnh Thanh Hoá hiện có 1.633 hồ, đập lớn nhỏ được xây dựng với mục đích cấp nước sinh hoạt cho hàng vạn hộ dân và đảm bảo nước tưới tiêu cho hàng trăm ngàn ha đất nông nghiệp. Hiện tại, hầu hết các hồ đập trên đều đã vượt dung tích chứa so với cùng kỳ năm 2017. Đặc biệt, trong đó có 124 hồ, đập đã và đang bị xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Riêng huyện Ngọc Lặc có 158 công trình, thì chỉ còn lại 30 công trình vận hành ổn định.

QUỲNH TRÂM - NGỌC HƯNG

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.