Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

“Tiếng chày no ấm” trên sóc Bom Bo

Đinh Hiển - 21:06, 21/04/2020

Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng bào X’tiêng ở sóc Bom Bo, thuộc xã Bình Minh, huyện Bù Đăng (Bình Phước) một lòng, một dạ tin theo Đảng, theo cách mạng, theo Bác Hồ. Hình ảnh những chàng trai, cô gái X’tiêng đốt lồ ô giã gạo đêm đêm, nuôi bộ đội chiến đấu, đánh đuổi quân xâm lược đã đi vào lịch sử, trở thành biểu tượng huyền thoại.

Người dân Bom Bo vui mừng bên hình ảnh tái hiện tiếng chày giã gạo. (Ảnh Bùi Liêm)
Người dân Bom Bo vui mừng bên hình ảnh tái hiện tiếng chày giã gạo. (Ảnh Bùi Liêm)

Từ căn cứ “Nửa Lon” kiên cường

Còn nhớ trong kháng chiến chống Mỹ, phong trào góp gạo nuôi bộ đội, đã trở thành biểu tượng hào hùng, đi vào huyền thoại, đi vào lòng người dân Việt Nam qua địa danh lịch sử sóc Bom Bo.

Già làng Điểu Lên, dũng sĩ diệt Mỹ, ở Sóc Bom Bo nhớ lại: “Ngày ấy đồng bào X’tiêng nơi đây đã đóng góp một lượng gạo lớn từ những lon gạo nhỏ của toàn dân để nuôi quân đánh giặc. Những nam thanh, nữ tú người X’tiêng lúc bấy giờ như: Điểu Beo, Điểu Lết, Điểu B’riêng, Điểu Lúp, Điểu Siêng… là những người dũng cảm kiên cường, đi đầu thành lập Căn cứ Nửa Lon của đồng bào X’tiêng ở sóc Bom Bo. 

Căn cứ Nửa Lon được dựng trong rừng, bên dòng suối Đăk Nhau và Đăk Liêng, vào những năm 1962 - 1963, là căn cứ cách mạng chiến lược của toàn tỉnh Phước Long (Bình Phước ngày nay). Tại đây, không kể ngày đêm, người dân thay nhau giã gạo để cung cấp nguồn lương thực cho bộ đội chiến đấu. 

Thời ấy, đời sống đồng bào nơi đây còn nghèo khổ, nhà cửa thưa thớt, quân Mỹ - Ngụy tàn ác rải chất độc hóa học, khiến cuộc sống càng gian khó hơn gấp bội. Đồng bào phải đi vào rừng sâu đào củ mài, củ chuối về ăn. Thế nhưng bà con sóc Bom Bo vẫn đoàn kết, kiên quyết bám trụ, làm chỗ dựa vững chắc cho cách mạng, là hậu phương tiếp tế lương thực quan trọng cho quân giải phóng. 

Chính âm thanh nhịp nhàng từ “tiếng chày khua” của những chàng trai, cô gái đồng bào X’tiêng giã gạo đêm dưới ánh lửa “đuốc lồ ô bập bùng” đã bừng lên khí thế cách mạng sôi nổi cả sóc Bom Bo. Cũng là nguồn cảm hứng để cố nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” huyền thoại. Nhờ bài hát này mà suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước cái tên sóc Bom Bo đã luôn đi cùng với các đoàn quân giải phóng. Kể cả bạn bè các nước trên thế giới cũng biết đến, cảm phục người dân Bom Bo quật cường. 

Đến một Bom Bo vươn lên ấm no

Đến thăm Bom Bo thời gian này sẽ phần nào thấy rõ được điều đó. Mặc dù địa hình đồi dốc, đất rộng, đồng bào sống phân tán, nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng đã cơ bản được đầu tư hoàn chỉnh, khang trang. Đời sống vật chất cũng như tinh thần của đồng bào được cải thiện đáng kể so với những năm về trước. 

Dọc đường vào sóc Bom Bo, những ngôi nhà mới đã và đang mọc lên khang trang kiên cố bên cạnh những vườn điều, cao su và cà phê bạt ngàn, trải dài ngút tầm mắt. Theo Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước, hiện Bom Bo là nơi sinh sống của 369 hộ với hơn 1.785 nhân khẩu. Trong đó hơn 90% là đồng bào DTTS.

Ông Trần Ngọc Thiện, Bí thư Đảng ủy xã Bình Minh cho biết: “Đồng bào Bom Bo hiện nay đã biết bám đất, bám vườn để canh tác. Hơn nữa những biện pháp khoa học kỹ thuật cũng được đồng bào áp dụng thuần thục trong sản suất. Điều đáng mừng là hầu hết người dân sóc Bom Bo đều biết áp dụng mô hình đa cây, đa con trong trồng trọt và chăn nuôi, nên đã hạn chế tối đa những rủi ro trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, cuộc sống đồng bào ngày càng được phát triển ổn định”.

Hơn 2 năm qua, người dân Bom Bo đã đóng góp được 599 triệu đồng, 986 ngày công lao động để sửa chữa làm mới 3 cây cầu dân sinh, đặt ống thoát nước và san ủi mặt bằng đoạn đường dài 800m, làm mới 2km đường bê tông… Hiểu rõ trở thành xã NTM đời sống vật chất tinh thần của người dân Bom Bo ngày càng được nâng cao, vì thế nhận thức của đồng bào trên thực tế cũng đã có sự thay đổi căn bản. Không ỷ lại, không trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước, đồng bào đã mạnh dạn cùng nhau chung tay góp sức làm cho bộ mặt nông thôn trên địa bàn ngày một khang trang.

“Tiếng chày trên sóc Bom Bo” - nhịp chày ấm no từ năm nào đến nay vẫn còn vang vọng và được đồng bào X’tiêng phát huy đạt thắng lợi trong quá trình phát triển và hội nhập. Đây cũng chính là vẻ đẹp tâm hồn, là khát vọng vươn lên của đồng bào X’tiêng trong công cuộc xây dựng quê hương ấm no, đẹp giàu tại sóc Bom Bo.