Chùa Khánh Linh trên đỉnh đèo Lò XoGiữa không gian tĩnh lặng của núi rừng, tiếng chuông chùa Khánh Linh bất chợt vang lên ngân xa như một bản nhạc thiêng trên đại ngàn. Đó là ngôi chùa vừa được xây dựng trên đỉnh đèo Lò Xo huyền thoại. Nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi biết rằng, giữa chốn non cao heo hút - nơi đỉnh đèo Lò Xo thuộc xã Đắk Pét (huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) lại hiện hữu một ngôi chùa khang trang, tĩnh tại. Tọa lạc trên đỉnh đồi cao, chùa nhìn xuống khu thị tứ Đăk Glei và tuyến đường Hồ Chí Minh uốn lượn giữa miền rừng vắng.
Được xây dựng từ đầu năm 2019, chùa Khánh Linh đã trở thành điểm dừng chân đầu tiên của nhiều người trong hành trình vượt qua đèo Lò Xo huyền thoại. Ngôi chùa như hòa quyện vào không gian, thời gian nơi đại ngàn, tạo nên một biểu tượng tâm linh giữa vùng đất thiêng liêng. Việc Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Kon Tum đầu tư xây dựng chùa Khánh Linh không chỉ đáp ứng nguyện vọng sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của Nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, mà còn góp phần tạo nên một điểm nhấn du lịch tâm linh độc đáo cho du khách khi ngang qua đèo Lò Xo.
Đại đức Thích Nhuận Tâm (ở giữa) cùng các Phật tử đang thực hành nghi lễ tại Đại lễ Phật ĐảnNhiều người vẫn không khỏi ngỡ ngàng khi biết rằng Đăk Glei - huyện miền núi nằm ở cực Bắc tỉnh Kon Tum, cửa ngõ vùng Tây Nguyên – lại có một ngôi chùa khang trang như chùa Khánh Linh tọa lạc giữa vùng biên xa xôi hẻo lánh, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Để tự túc lương thực cho bữa ăn hằng ngày, trong khuôn viên chùa, các sư thầy trồng đủ loại rau sạch như rau ngót, rau má, rau dền, cải, ớt... cùng nhiều loại cây ăn quả như chanh, chuối, đu đủ, me, bưởi, mít, bạc hà, tiêu... tạo nên không gian xanh mát, gần gũi với thiên nhiên.
Đại đức Thích Nhuận Tâm, Trụ trì chùa Khánh Linh, chia sẻ: Do địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa, người đến chùa phần lớn là khách qua đường, một số ít là cư dân người Kinh, còn lại chủ yếu là đồng bào Giẻ Triêng, Ca Dong. Dù điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng các vị chức sắc, tăng ni, phật tử nơi đây luôn phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chung sức xây dựng quê hương Đăk Glei ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Bí thư Huyện ủy Đăk Glei - Thái Văn Tưởng (ngồi cùng Đại đức) cùng lãnh đạo huyện thăm và chúc mừng chư tăng chùa Khánh Linh nhân dịp Đại lễ Phật Đản Phật LịchCác giá trị văn hóa, đạo đức, nhân văn của tôn giáo đã góp phần tích cực làm phong phú đời sống tinh thần, tạo điểm tựa tâm linh cho đồng bào nơi đây. Không chỉ hội nhập hài hòa với văn hóa bản địa, tôn giáo còn đồng hành trong các hoạt động xã hội như giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo, khôi phục không gian văn hóa truyền thống, góp phần bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào DTTS trên vùng đất đỏ bazan.
Ông A Thuốc, người Xơ Đăng chia sẻ: Sau giờ lao động vất vả, người Xơ Đăng thường tìm đến chùa để gặp gỡ, trao đổi, trò chuyện với nhau. Trong chùa, các đạo hữu - cả người Kinh và người dân tộc thiểu số như Giẻ Triêng, Tày, Nùng luôn động viên, giúp đỡ nhau từ tinh thần đến vật chất. Họ đoàn kết, cùng nhau phát triển kinh tế, gìn giữ văn hóa và tích cực làm việc thiện giúp đỡ cộng đồng.
Ngôi chùa giữa chốn non cao này không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng mà còn là không gian thanh tịnh, thư thái, nơi con người như hòa mình vào thiên nhiên. Giữa không khí nhẹ nhàng, êm ái, chỉ còn tiếng chim rừng dìu dặt, tiếng gió lùa xào xạc qua tán lá… những ai đặt chân đến đây đều có cảm giác như được làm bạn với cây cối, mây bay, suối chảy. Mỗi khi tiếng chuông chùa vang lên, người dân từ các làng, các nóc xa xôi vẫn cảm nhận được âm vang văng vẳng giữa núi rừng, thoảng trong hương trầm giữa không gian tĩnh mịch.
Đêm xuống, trên con đường Hồ Chí Minh chạy qua đỉnh đèo Lò Xo, ánh đèn xe người qua lại hắt những vệt sáng lập lòe giữa đại ngàn. Trong khoảnh khắc ấy, Đại đức Thích Nhuận Tâm lại lặng lẽ lần tràng hạt, niệm kinh cầu nguyện cho bình an đến với mọi người - những lữ khách lặng lẽ vượt qua đèo trong màn đêm.
Chùa Khánh Linh xây dựng trên đỉnh non cao cực bắc của Kon Tum