Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bản sắc và hội nhập

Tiếng hát yêu thương cất lên từ buôn Ly

Hoàng Hà Thế - Ngọc Ánh - 22:02, 20/07/2021

Ksor Y Thư- người con dân tộc Ê Đê sinh ra và lớn lên ở buôn Ly, xã Ea Trol (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên). Từ nhỏ, được đắm mình trong thanh âm tự nhiên của núi rừng đã nuôi dưỡng trong tâm hồn Y Thư một tình yêu âm nhạc sâu sắc. Để rồi khi trưởng thành, anh đã góp phần bảo tồn và khơi dậy niềm say mê âm nhạc dân tộc trong cộng đồng qua những nhạc phẩm do chính anh sáng tác.

Ksor Y Thư (người thứ 4, từ trái sang) trao đổi công việc với thành viên CLB Âm nhạc buôn Ly- Ảnh: Hoàng Hà Thế
Ksor Y Thư (người thứ 4, từ trái sang) trao đổi công việc với thành viên CLB Âm nhạc buôn Ly- Ảnh: Hoàng Hà Thế

Người con của đại ngàn

Tôi biết Y Thư từ khi anh còn theo học Trường Phổ thông dân tộc Nội trú tỉnh Phú Yên (1995-1998) và những lần tham gia Hội diễn văn nghệ do Tỉnh Đoàn Phú Yên tổ chức. Ấn tượng nhất là lần gặp lại mới đây ở Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Phú Yên, vẫn là chàng trai có làn da rám nắng với đôi mắt biết cười. Trong đêm biểu diễn của Đoàn văn hóa nghệ thuật quần chúng huyện Sông Hinh, Ksor Y Thư thể hiện chất giọng khỏe, đầy nội lực đặc trưng của người Ê Đê. Tiết mục biểu diễn của Ksor Y Thư là lời truyền tải văn hóa của dân tộc mình đến với đông đảo khán giả qua những tác phẩm do chính anh sáng tác.

Y Thư kể cho tôi nghe chuyện gia đình, chuyện anh từng theo học ngành Thanh nhạc ở Trường Văn hóa Nghệ thuật quân đội và những thành tích của cá nhân, tập thể mỗi lần tham gia các hội thi, hội diễn. “Từ nhỏ, tôi được nghe những âm thanh cồng chiêng, thấy những điệu múa xoang (còn gọi là nhảy a ráp) uyển chuyển, nhịp nhàng trong những ngày buôn làng mừng thu hoạch mùa, lễ về nhà mới hay lễ cưới… Những sinh hoạt văn hóa đó đã nuôi dưỡng tâm hồn đam mê âm nhạc trong tôi. Vì vậy, dù đi đâu, tôi vẫn chọn quê hương là nơi trở về để thực hiện đam mê âm nhạc truyền thống của dân tộc mình”, Y Thư bộc bạch.

Y Thư tham gia trình diễn những ca khúc do chính anh sáng tác với mong muốn truyền tải văn hóa nghệ thuật của dân tộc Ê Đê đến với đông đảo khán giả. Những ca khúc do anh sáng tác đều có chung một thông điệp là tình yêu quê hương Sông Hinh, tình yêu buôn Ly, nơi anh đã sinh ra và lớn lên.

Tại Liên hoan Tiếng hát truyền hình - Giải Sao Mai do Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên tổ chức năm 2009, Ksor Y Thư tham gia và đạt giải Khuyến khích với ca khúc “Đến với cao nguyên” do chính anh sáng tác và trình bày. Trước đó, cũng tại sân chơi này, Ksor Y Thư đã ghi danh vào vòng chung kết tại Hà Nội.

Một tiết mục biểu diễn của Đoàn nghệ thuật quần chúng huyện Sông Hinh tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Phú Yên
Một tiết mục biểu diễn của Đoàn nghệ thuật quần chúng huyện Sông Hinh tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Phú Yên

Giữ gìn giữ văn hóa buôn làng

Qua câu chuyện với Ksor Y Thư được biết, năm 2007, chàng trai người Ê Đê bắt đầu trải lòng mình vào nốt nhạc. Y Thư bộc bạch: “Cuộc sống hiện đại đã ảnh hưởng đến văn hóa dân tộc bản địa, trong đó có âm nhạc. Lớp trẻ của buôn Ly nói riêng và các buôn làng dân tộc ở huyện Sông Hinh nói chung chỉ ưa chuộng dòng nhạc “Híp hóp”, hầu như ít người còn yêu âm nhạc truyền thống của dân tộc mình. Bản thân mình được đào tạo chuyên môn thanh nhạc mà sao không sáng tác những bài hát ca ngợi nét đẹp quê hương, bản làng, dân tộc mình để thế hệ trẻ cảm thụ. Suy nghĩ đó đã thôi thúc tôi sáng tác âm nhạc dân tộc!”

Đến nay, Y Thư đã có hơn 30 nhạc phẩm do anh sáng tác. Các tác phẩm Y Thư sáng tác đều sử dụng chất liệu từ cuộc sống sinh hoạt của người Ê Đê nên được các nhà chuyên môn âm nhạc đánh giá cao và trở thành tiếng lòng của người Ê Đê. Tiêu biểu như: “Mùa xuân lời ru”, “Thương lắm nhớ nhiều”, “Sông Hinh xuân về”, “Cô gái sông Ba”, “Đừng khóc con ơi”, “Nhịp chiêng”; “Ơi Krông Hinh”; “Nông dân được mùa”; “Chim Tơ Rơ Túc về”. Trong đó “Mùa xuân lời ru” là ca khúc đầu tay được Ksor Y Thư viết khi tham gia Trại sáng tác do Hội Văn học - Nghệ thuật các DTTS Việt Nam tổ chức vào năm 2009. Ca khúc đạt giải B trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ III năm 2018 và giải A tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Phú Yên lần thứ VIII năm 2018.

Quang cảnh Lễ ra mắt CLB âm nhạc buôn Ly- Ảnh: Hoàng Hà Thế
Quang cảnh Lễ ra mắt CLB âm nhạc buôn Ly- Ảnh: Hoàng Hà Thế

Với mong muốn góp phần lan tỏa vẻ đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Ê Đê, năm 2018, Ksor Y Thư đã đứng ra thành lập Câu lạc bộ Âm nhạc buôn Ly, do chính anh làm Chủ nhiệm. Ngoài mục đích lan tỏa trong cộng đồng tình yêu âm nhạc, gìn giữ văn hóa truyền thống, các thành viên trong CLB không ngừng quảng bá đến bạn bè gần xa về bản sắc văn hóa của người Ê Đê.

Kso Y Thư trải lòng: "Câu lạc bộ Âm nhạc là một sân chơi để thanh niên của buôn đến sinh hoạt. Những kiến thức âm nhạc tôi học được ở Trường Văn hóa-Nghệ thuật Quân đội, tôi sẽ truyền tải, hướng dẫn cho anh em để cùng nhau phát triển, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình".

Oi Thúc (75 tuổi), già làng buôn Ly nhận xét: “Ksor Y Thư mồ côi mẹ từ bé nhưng đã vượt lên hoàn cảnh để học tập, đặc biệt là đam mê về âm nhạc. Y Thư là tấm gương điển hình cho thế hệ trẻ ở buôn Ly. Dân làng buôn Ly luôn tự hào về Y Thư!”

Còn ông Phan Thanh Quyền, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Sông Hinh, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật huyện Sông Hinh nhận xét: “Ksor Y Thư hiện đang đảm trách Đội trưởng Đội Thông tin cổ động, thuộc Phòng Văn hóa Thông tin huyện Sông Hinh. Trực tiếp phụ trách mảng văn nghệ dân tộc thiểu số, Ksor Y Thư đã phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, nhất là trong việc bảo tồn, gìn giữ những nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Ê Đê ở huyện Sông Hinh".
Tin cùng chuyên mục
Bắc Hà (Lào Cai): Chuẩn hóa du lịch cộng đồng từ thành quả xây dựng nông thôn mới

Bắc Hà (Lào Cai): Chuẩn hóa du lịch cộng đồng từ thành quả xây dựng nông thôn mới

Nếu như Lào Cai là địa phương đứng đầu cả nước về phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) thì huyện Bắc Hà là điểm sáng của tỉnh trong khai thác giá trị loại hình này để bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Bắc Hà đang phát huy thành quả xây dựng nông thôn mới, từng bước chuẩn hóa các điểm DLCĐ trên địa bàn, theo định hướng của UBND tỉnh Lào Cai tại Quyết định số 2247/QĐ-UBND ngày 05/9/2024.