Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Tiếng tù và của người Dao

Giang Lam - 21:14, 09/04/2020

Người Dao ở Tuyên Quang có nhiều nhạc cụ được sử dụng trong các nghi lễ thờ cúng như kèn pí lè, trống, thanh la, chũm chọe, chuông nhạc..., trong đó tù và là nhạc cụ độc đáo. Theo quan niệm người Dao, tiếng tù và chính là thanh âm thiêng liêng có ý nghĩa kết giao giữa đời thực và thế giới tâm linh.

Thầy cúng thổi tù và để mời gọi Ngọc Hoàng xuống chứng giám nghi lễ cấp sắc.
Thầy cúng thổi tù và để mời gọi Ngọc Hoàng xuống chứng giám nghi lễ cấp sắc.

Nói về nguồn gốc thổi tù và, ông Bàn Kim Sơn, thôn Nà Cọn, xã Sơn Phú, huyện Na Hang cho biết, theo truyền thuyết thì từ thời xa xưa, các dân tộc đều đi lấy kinh. Tuy người Dao là tộc người yếu thế nhưng đã đến trước và được Ngọc Hoàng khen ngợi ban phép. Ngọc Hoàng còn trọng thưởng chiếc tù và để mỗi khi cần thì được phép gọi bậc bề trên. Do đó người Dao mới có tục thổi tù và (theo tiếng Dao là “piếm coong hịu lùng”).

Người Dao dùng sừng trâu để chế tác tù và. Theo ông Bàn Xuân Triều, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa Dao Tuyên Quang thì ban đầu người ta chọn chiếc sừng trâu đẹp rồi đem về sấy trên gác bếp. Sau đó khi đạt được độ khô theo ý muốn thì người làm sẽ chọn ngày lành tháng tốt tiến hành chế tác.

Trước khi chế tác, người thợ phải làm thủ tục khấn vua bếp để vua bếp phù hộ. Đầu tiên, người thợ cắt sừng trâu khoảng 35 - 40cm, gọt, bào nhẵn rồi dùng dùi sắt nung đỏ khoan lỗ bên đầu nhọn của sừng. Đường kính lỗ thoát âm tùy theo độ to nhỏ của sừng trâu. Quá trình chế tác, người ta phải thổi thử, điều chỉnh sao cho thanh âm trầm hùng, cộng hưởng vang vọng trên không gian cao xa.

Ông Phùng Chương Chí, một thầy cúng cao tay tại xã Thổ Bình (Lâm Bình) cho biết, trong đại lễ cúng Bàn Vương, tổ tiên, cấp sắc, tiếng tù và có quyền năng đặc biệt mà chỉ có thầy cúng đã được cấp sắc từ 7 đèn trở lên mới được phép thổi.

Trong nghi lễ này, thầy cúng với bộ trang phục chỉnh tề sẽ thực hiện theo trình tự thổi 4 hồi tù và. Hồi thứ nhất thông báo tới thiên đàng mở cửa trời để Ngọc Hoàng xuống trần gian. Hồi thứ hai thông báo đến trần gian mở cửa trần gian để Ngọc Hoàng vào. Hồi thứ ba chính thức cung thỉnh Ngọc Hoàng xuống trần gian, nói rõ lý do mời Ngọc Hoàng xuống, tiếp đón Ngọc Hoàng ngồi vào vị trí để chứng giám sự việc của gia đình. Hồi thứ tư thông báo với cung đình của Ngọc Hoàng và các thánh thần Ngọc Hoàng đã xuống đến hạ giới ngồi vào vị trí được tiếp đón một cách long trọng và chứng giám, phù hộ sự việc của hạ giới. Kết thúc công việc, thầy cúng phải làm thủ tục tạ ơn và thổi 4 hồi tù và tiễn Ngọc Hoàng lên cung điện trên thiên đàng.

Nghi lễ thổi tù và gọi Ngọc Hoàng xuống chứng giám là tín ngưỡng, nét đẹp văn hóa của dân tộc Dao. Đây là một nghi lễ được người Dao coi trọng và giữ gìn để thể hiện sự kết giao đặc biệt giữa thế giới tâm linh và thế giới thực, hướng con người về với tổ tiên nguồn cội.

Tin cùng chuyên mục
Tự hào nguồn cội

Tự hào nguồn cội

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là loại hình Di sản tập quán xã hội, tín ngưỡng và lễ hội được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã lắng đọng trong tâm thức mỗi người dân niềm tự hào về nguồn cội con rồng cháu tiên, xuyên suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, lan tỏa mạnh mẽ đến mọi miền Tổ quốc, trở thành bản sắc văn hóa độc đáo của người Việt Nam.