Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tiếp cận tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong công tác dân tộc: Phát huy nguồn lực các tôn giáo (Bài 3)

Khánh Thư - 07:16, 07/12/2023

Những chủ trương, chính sách phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc những năm qua đã được đông đảo chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo đồng tình ủng hộ. Từ đó đã khích lệ các tôn giáo đồng hành cùng cả nước trong quá trình phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Các chức sắc và tu sĩ Phật giáo Gia Lai tổ chức tặng quà từ thiện cho đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Ia Grai.
Các chức sắc và tu sĩ Phật giáo Gia Lai tổ chức tặng quà từ thiện cho đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Ia Grai.

Phát huy tinh thần sống “Tốt đời - đẹp đạo”

Các tổ chức tôn giáo ngày càng làm tốt công tác vận động chức sắc, chức việc, tín đồ chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, các tổ chức tôn giáo là một kênh truyền thông quan trọng, góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống và đến với đồng bào có đạo nhanh và hiệu quả.

Đơn cử, tại vùng đồng bào theo đạo Công giáo thuộc Giáo xứ Phú Yên (xã Hà Ra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai), ngoài cộng đồng giáo dân là người Kinh, còn có hơn 2.000 giáo dân người dân tộc Ba Na sinh sống tại xã Hà Ra và xã Đak Ta Ley. Hàng tuần, Ban chức việc của Giáo xứ luôn nhắc nhở bà con giáo dân nghiêm túc chấp hành các quy định của Nhà nước trong đời sống và sinh hoạt tôn giáo, thực hiện sống “Tốt đời-đẹp đạo”, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh ở địa phương.

Theo ông Y Thành (làng Kdung, xã Hà Ra) - chức sắc Giáo xứ Phú Yên, hằng tuần, ông đều cùng Ban chức việc của Giáo xứ giải thích cho bà con hiểu và nâng cao nhận thức, chấp hành tốt quy định pháp luật của Nhà nước về tôn giáo; sống “tốt đời - đẹp đạo”, thực hiện tinh thần kính Chúa - yêu nước và “sống phúc âm trong lòng dân tộc”, xây dựng khối đoàn kết giữa bà con giáo dân người Kinh và dân tộc Bahnar cũng như đoàn kết trong cộng đồng dân cư địa phương.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 7 (Quân đoàn 3) làm đường giao thông xóa thế “ốc đảo” của làng Ðê Kôn, xã Hà Ra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai – nơi sinh sống của hơn 54 hộ với 257 nhân khẩu, trong đó chiếm 80% là đồng bào Ba Na
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 7 (Quân đoàn 3) làm đường giao thông xóa thế “ốc đảo” của làng Ðê Kôn, xã Hà Ra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai – nơi sinh sống của hơn 54 hộ với 257 nhân khẩu, trong đó chiếm 80% là đồng bào Ba Na

Cùng với chủ động tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng bào theo đạo các các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi đã tích cực tham gia, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Các tín đồ các tôn giáo đã tích cực đóng góp tiền, ngày công lao động, tự nguyện hiến đất, nguyên vật liệu, bàn giao mặt bằng làm đường giao thông nông thôn, các công trình hạ tầng phục vụ dân sinh.

Đơn cử tại Giáo họ Công giáo Phúc Xuân (TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), theo ông Lê Văn Chinh - Phó Ban Hành giáo Giáo họ, Ban Hành giáo đã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ gia đình trong Giáo họ hiến gần 5.000m2 đất để làm 3km đường giao thông liên xóm theo tiêu chí nông thôn mới. Các mặt công tác khác cũng được Giáo họ triển khai đồng bộ, hiệu quả nên đến nay có trên 95% hộ giáo dân đạt Gia đình văn hóa.

Thực tế cho thấy, với số lượng tín đồ chiếm số lượng khá lớn trên quy mô dân số (hơn 26,5 triệu người, chiếm khoảng 27% dân số cả nước), đồng bào các tôn giáo là lực lượng sản xuất đông đảo, tham gia vào tất cả các thành phần kinh tế, đã và đang trực tiếp tạo ra của cải vật chất phục vụ đời sống gia đình và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 Thông qua, các sinh hoạt tôn giáo, chức sắc, chức việc đã góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào có đạo biết cách làm giàu, vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Kinh tế phát triển, đồng bào có đạo có điều kiện đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và nhiều công trình công cộng khác.

Bà con giáo dân Giáo họ Hích, xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế.
Bà con giáo dân Giáo họ Hích, xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế.

Khuyến khích tạo an sinh xã hội

Với các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, nhiều vùng giáo dân ở các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi trước đây vốn còn nhiều khó khăn, nay tỷ lệ hộ khá, giàu ngày càng tăng, số hộ nghèo ngày càng giảm. Bên cạnh phát huy vai trò của lực lượng tôn giáo trong các phong trào thi đua yêu nước, thì Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo phát huy nguồn lực tham gia các hoạt động an sinh xã hội.

Những năm qua, nhiều tấm gương tiêu biểu trong các tôn giáo với các hoạt động an sinh đã và đang lan tỏa tinh thần yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của dân tộc Việt Nam. Đại đức Thích Huệ Thuận - Trụ trì chùa Sơn Linh, xã Hồ Đắc Kiện (Châu Thành, Sóc Trăng) là một ví dụ. Thời gian qua, Đại đức Thích Huệ Thuận luôn quan tâm kêu gọi ủng hộ nạn nhân nhiễm chất độc dioxin; tặng sách vở, quần áo cho học sinh nghèo nhân ngày khai giảng năm học mới và phát thưởng cuối năm.

Đại đức còn nhận trợ cấp hàng tháng cho gần 30 học sinh mồ côi cha mẹ, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và tặng quà cho người già, tàn tật, hộ nghèo trong các dịp lễ, Tết. Vì cộng đồng, đại đức còn vận động phật tử đóng góp tiền sửa chữa và xây mới 4 cây cầu; vận động xây dựng 8.000m đường giao thông nông thôn; xây dựng mới 8 căn và sửa chữa 3 căn nhà tình thương cho hộ nghèo với tổng số tiền vận động từ năm 2020 đến nay hơn 2,1 tỷ đồng.

Cùng với các cá nhân tiêu biểu thì các tổ chức tôn giáo đã và đang góp sức cùng chính quyền các cấp làm tốt công tác an sinh xã hội. Theo số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ, hiện cả nước có khoảng 300 trường và 2.000 cơ sở giáo dục mầm non, 12 cơ sở dạy nghề do các tổ chức tôn giáo thực hiện; có trên 500 cơ sở y tế, phòng khám chữa bệnh từ thiện do các tổ chức tôn giáo thành lập dưới nhiều hình thức, với các hoạt động hiệu quả, góp phần cùng chính quyền địa phương chăm lo sức khỏe và lan tỏa tinh thần yêu thương trong cộng đồng; có 113 cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức Phật giáo, Công giáo, Cao Đài được cấp phép hoạt động, đang chăm sóc, nuôi dưỡng 11.800 đối tượng bảo trợ xã hội…

Thực tế trên đã khẳng định sự đồng thuận giữa các tôn giáo và Nhà nước ta. Ở Việt Nam, các tôn giáo chung sống hài hòa, đoàn kết, gắn bó đồng hành với dân tộc; chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia các phong trào xã hội, từ thiện xóa đói giảm nghèo.

 Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của đông đảo quần chúng Nhân dân mà từ đó còn phát huy nguồn lực từ các tôn giáo để đưa tôn giáo ở Việt Nam không chỉ là một thành tố của văn hóa mà còn trở thành một nguồn lực quan trọng góp phần phát triển đất nước.

Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đều xây dựng và duy trì đường hướng hành đạo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Trong đó, Công giáo với đường hướng “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”; Phật giáo với đường hướng “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”; các tổ chức Tin Lành với đường hướng “Sống Phúc âm, Phụng sự Thiên chúa, Phục vụ Tổ quốc và Dân tộc”; các hệ phái Cao Đài với đường hướng “Nước vinh, Đạo sáng”; Phật giáo Hòa Hảo với đường hướng “Vì Đạo pháp, vì Dân tộc”; Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam với đường hướng “Tu học, hành thiện, ích nước, lợi dân”; Hồi giáo với đường hướng “Lẽ sống tốt đạo, đẹp đời”; Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa với đường hướng “Hành Tứ Ân - Sống Hiếu nghĩa - Vì đại đoàn kết dân tộc”…

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Hạn hán, nắng nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn người dân ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Để giúp người dân vùng biên qua cơn khát, các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới đã huy động nguồn lực khoan giếng làm công trình nước sinh hoạt tập trung, chở từng bồn nước khu dân cư hỗ trợ người dân.