Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Tiếp tục phát huy vai trò của đồng bào DTTS trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: Khẳng định vị thế (Bài 1)

Tùng Nguyên - Vĩnh Sơn - 09:04, 14/12/2023

LTS: Trong mỗi giai đoạn phát triển của đất nước, đồng bào các DTTS luôn khẳng định vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng, trên tất cả các lĩnh vực. Để tiếp tục phát huy vai trò của đồng bào các DTTS trong chiến lược phát triển đất nước hiện nay, cần có những cách làm, cơ chế mới hơn, từ đó huy động sự tham gia tích cực của đồng bào trong các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, gìn giữ bản sắc văn hóa, bảo đảm quốc phòng – an ninh ở vùng đồng bào DTTS và miền núi

Những năm qua, đồng bào các DTTS đã đóng góp quan trọng vào những thành quả phát triển to lớn của đất nước. Vị thế của mỗi người dân là đồng bào DTTS cũng như vị thế của mỗi dân tộc, đã được khẳng định trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cùng với lực lượng biên phòng, người dân đã tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. (Trong ảnh: Đồn Biên phòng Mường Pồn (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) phối hợp cùng lực lượng dân quân, người dân trên địa bàn tổ chức tuần tra, kiểm tra đường biên, cột mốc )
Cùng với lực lượng biên phòng, người dân đã tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. (Trong ảnh: Đồn Biên phòng Mường Pồn (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) phối hợp cùng lực lượng dân quân, người dân trên địa bàn tổ chức tuần tra, kiểm tra đường biên, cột mốc )

Đóng góp phát triển kinh tế - xã hội

Vùng đồng bào DTTS và miền núi (chủ yếu các khu vực: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung), là địa bàn có nhiều tài nguyên khoáng sản, có hệ sinh thái động, thực vật đa dạng, là đầu nguồn sinh thủy,… Đây là khu vực có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những năm qua, với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có mức tăng trưởng kinh tế rất ấn tượng, cao hơn mức bình quân chung cả nước. Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 05/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc của Ủy ban Dân tộc, giai đoạn 2011 – 2021, bình quân vùng Tây Bắc tăng 8,4%/năm; các tỉnh vùng Tây Nguyên tăng 8,1%/năm; vùng Tây Nam bộ tăng 7,3%/năm…

Tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm mạnh theo từng năm; trong đó ở các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn giảm 3 - 4%/năm, có nơi giảm trên 5%/năm. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được cải thiện rõ rệt, các bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS từng bước được khôi phục, gìn giữ, phát huy.

Đồng bào các dân tộc phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an tham gia bảo đảm an ninh trật tự. (Trong ảnh: Người có uy tín trong đồng bào DTTS xã Bằng Cả, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh tham gia cùng lực lượng công an xã bảo vệ trật tự, bình yên thôn, bản )
Đồng bào các dân tộc phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an tham gia bảo đảm an ninh trật tự. (Trong ảnh: Người có uy tín trong đồng bào DTTS xã Bằng Cả, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh tham gia cùng lực lượng công an xã bảo vệ trật tự, bình yên thôn, bản )

Những thành tựu đó có đóng góp rất lớn của 3,4 triệu hộ, với 14,3 triệu nhân khẩu thuộc 53 thành phần DTTS sinh sống thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố vùng đồng bào DTTS và miền núi (số liệu tính đến cuối năm 2022). Nhiều nhân tố xuất sắc là người DTTS đã đóng góp quan trọng vào phát triển của vùng đồng bào DTTS và miền núi trên các lĩnh vực.

Đó là ông Nông Văn Nghiêm, xóm Đồng Tiến, xã Đoài Dương (Trùng Khánh, Cao Bằng) - một trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023, với mô hình kinh tế cho thu nhập bình quân gần 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 16 lao động, với mức lương trên 5 triệu đồng/tháng; là ông Triệu Tạ Hin, ở thôn Làng Giang, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì, Hà Giang) - Giám đốc Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ, với 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia (cả nước hiện mới có 42 sản phẩm 5 sao)…

Ầm thầm nhưng cũng đầy tự hào là đội ngũ giáo viên người DTTS đang ngày đêm đem con chữ đến với con em đồng bào DTTS và miền núi. rất nhiều giáo viên đã được Đảng, Nhà nước, các Ban, Bộ, ngành ghi nhận, tôn vinh. Mới đây nhất, 19 giáo viên là người DTTS, thuộc 9 dân tộc đã được tôn vinh trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2023” do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức ngày 17/11.

Những nhân tố xuất sắc là người DTTS đã đóng góp quan trọng vào phát triển của vùng đồng bào DTTS và miền núi trên các lĩnh vực. (Trong ảnh: HTX chế biến chè Phìn Hồ, với 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia)
Những nhân tố xuất sắc là người DTTS đã đóng góp quan trọng vào phát triển của vùng đồng bào DTTS và miền núi trên các lĩnh vực. (Trong ảnh: HTX chế biến chè Phìn Hồ, với 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia)

Xây đắp “lũy thép”

Ở vùng đồng bào DTTS và miền núi xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương tiêu biểu là người DTTS. Từ sau Lễ Tuyên dương Người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân tiêu biểu DTTS toàn quốc (tháng 12/2017) đã lan tỏa phong trào thi đua sâu rộng, nhất là trong thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg. Trong năm 2023, nhiều Người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân tiêu biểu DTTS cũng đã được các địa phương tôn vinh theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2022/TT-UBDT của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Vai trò, vị trí của đồng bào các DTTS càng được khẳng định trong xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn toàn, thế trận an ninh Nhân dân. Theo Báo cáo số 732/BC-UBDT về tổng kết Chiến lược Công tác dân tộc đến năm 2020, ngày 10/6/2021 của Ủy ban Dân tộc, nhờ phát huy vai trò của người dân, công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, khu vực biên giới không ngừng được củng cố, tăng cường.

Ở địa bàn biên giới, cùng với lực lượng biên phòng, người dân đã tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Tính đến năm 2020, đã có 28.845 tổ tự quản, 793.835 hộ gia đình đăng ký tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự thôn, xóm, bản làng. Đồng bào các dân tộc cũng phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an tham gia phòng chống các loại tội phạm. Riêng với tội phạm ma túy, với hơn 700 mô hình tổ chức quần chúng tham gia phòng chống tội phạm, giai đoạn 2003 – 2018, lực lượng Công an đã phát hiện 257.189 vụ, bắt giữ 393.774 đối tượng…

Đảng, Nhà nước đã có nhiều hình thức vinh danh những tấm gương tiêu biểu trong đồng bào DTTS. (Trong ảnh: 19 giáo viên người DTTS thuộc 9 dân tộc được tôn vinh trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2023” vào tối ngày 17/11)
Đảng, Nhà nước đã có nhiều hình thức vinh danh những tấm gương tiêu biểu trong đồng bào DTTS. (Trong ảnh: 19 giáo viên người DTTS thuộc 9 dân tộc được tôn vinh trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2023” vào tối ngày 17/11)

Theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc tại Báo cáo số 732/BC-UBDT, vùng đồng bào DTTS và miền núi là địa bàn chiến lược có vị trí, vai trò quan trọng cả về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, không chỉ trong chiến tranh giải phóng dân tộc trước đây mà còn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Với niềm tin sắt son đối với Đảng, Nhà nước, đồng bào các dân tộc đã góp phần cũng cố “lũy thép’, cùng với lực lượng chức năng giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp gây mất an ninh, an toàn ở các địa phương cũng như âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều hình thức vinh danh những tấm gương tiêu biểu trong đồng bào DTTS, nhưng vẫn chưa đủ để đánh giá hết những đóng góp xuất sắc của đồng bào các dân tộc cho sự phát triển của bản làng, quê hương, đất nước. Đây không phải là thành quả riêng lẻ của từng dân tộc mà là sự kết tụ và giao hòa, thể hiện tinh thần đoàn kết gắn bó keo sơn máu thịt giữa các dân tộc anh em. Vì vậy, cần tiếp tục phát huy vai trò của đồng bào các DTTS trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, với những hình thức phù hợp.

Theo báo cáo tổng kết Nghị định số 05/NĐ-CP, giai đoạn 2011 - 2021, ngân sách nhà nước đã bố trí gần 247 nghìn tỷ đồng để đầu tư, hỗ trợ phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ngoài nguồn vốn trong kế hoạch hàng năm, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết bố trí thêm 5.399 tỷ đồng từ nguồn tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2014 để thực hiện chính sách an sinh xã hội. Bên cạnh đó là số kinh phí 68.736 tỷ đồng nguồn vốn hỗ trợ của các chương trình mục tiêu; nguồn vốn ODA khoảng 2,6 tỷ USD, nguồn vốn hỗ trợ phi chính phủ khoảng 5,5 triệu USD.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.