Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Tìm đường đi bền vững để nông sản miền núi “xuất ngoại”

Thi Thi - 08:25, 24/11/2022

Mật ong Việt Nam xuất khẩu liên tục sang EU, Mỹ; trái xoài Sơn La xuất khẩu thành công sang các thị trường khó tính như Anh, Australia; trái vải Lục Ngạn được đánh giá rất cao ở Nhật Bản, Pháp… Điều này cho thấy, những chính sách xây dựng, phát triển thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ, nhất là việc cung cấp thông tin thị trường cho bà con ở khu vực miền núi đã và đang phát huy hiệu quả.

Chuyển xe chở những lô hàng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch đầu tiên sang thị trường Trung Quốc lăn bánh từ huyện Krông Păk
Chuyến xe chở những lô hàng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch đầu tiên sang thị trường Trung Quốc lăn bánh từ huyện Krông Păk

Cơ hội lớn từ con đường chính ngạch

Nếu như Đăk Lăk là tỉnh có diện tích sầu riêng đứng thứ hai của cả nước (sau tỉnh Tiền Giang) thì huyện Krông Păk là địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất của tỉnh này. Niên vụ 2022 toàn tỉnh Đăk Lăk có 15.000ha trồng sầu riêng thì huyện Krông Păk đã có gần 3.800ha, trong đó có 2.600 ha cho thu hoạch, sản lượng bình quân hằng năm đạt từ 40 – 50 nghìn tấn.

Ông Phạm Hồng Thái, Trưởng phòng Dân tộc huyện Krông Păk, cho biết, Krông Păk là địa phương có 35 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm 32% dân số toàn huyện. Krông Păk là vùng đất có nguồn thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp với các loại trái cây nhiệt đới.

Giá sầu riêng tăng vọt sau khi các mã vùng trồng được phê duyệt đã giúp thu nhập của bà con tốt hơn và dự báo sầu riêng sẽ trở thành nguồn thu lớn của người dân trong tương lai.
Ông Phạm Hồng Thái
Trưởng phòng Dân tộc huyện Krông Păk, tỉnh Đăk Lăk.

Những năm qua, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo định hướng của tỉnh, Krông Păk đã chuyển đổi thành công hơn 5.800ha đất cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng và thị trường chấp nhận.

“Đặc biệt, với hơn 3.800ha sầu riêng, sản lượng ước tính hơn 50.000 tấn/năm đã mang lại giá trị kinh tế cao, đời sống người nông dân ngày càng khá giả. Sầu riêng Krông Păk cho quả to, vỏ mỏng, thơm ngon, cơm vàng, hạt lép, được Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Sầu riêng Krông Păk” tháng 3/2022, được người tiêu dùng trong và ngoài nước tin tưởng chọn lựa”, ông Thái phấn khởi nói.

Một tin vui đến với người trồng sầu riêng ở Krông Păk nói riêng và của cả nước nói chung là trong tháng 9/2022, chuyến hàng sẩu riêng đầu tiên theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã được xuất khẩu chính ngạch sang nước bạn. Sau một thời gian dài đàm phán, Trung Quốc đã cấp phế duyệt danh sách 51 mã số vùng trồng và 25 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam; trong đó, tỉnh Đăk Lăk có 23 mã vùng trồng và 4 mã cơ sở đóng gói.

Nông dân huyện Krông Păk tự điều chế thuốc bằng các loại thực vật để phun trừ sâu bệnh cho cây sầu riêng trong vườn
Nông dân huyện Krông Păk tự điều chế thuốc bằng các loại thực vật để phun trừ sâu bệnh cho cây sầu riêng trong vườn

Việc huyện Krông Păk chính thức xuất khẩu bằng chính ngạch những trái sầu riêng ngon lành của Việt Nam là niềm vui, niềm tự hào chung của người nông dân, doanh nghiệp ngành hàng sầu riêng của vùng Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Nhưng đúng như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã khẳng định tại Lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sẩu riêng đầu tiên, diễn ra ở huyện Krông Păk ngày 17/9 vừa qua, lô hàng đầu tiên không phải đích đến cuối cùng, mà chỉ là những bước bắt đầu cho hành trình phát triển ngành hàng sầu riêng chuyên nghiệp, minh bạch, trách nhiệm, với tất cả các khâu, các quy trình đều được chuẩn hoá.

“Cơ hội chỉ thật sự mở ra, khi và chỉ khi chúng ta tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực từ thị trường đối tác. Phải làm thật tốt việc tổ chức lại sản xuất, gắn với chuẩn hoá quy trình sản xuất. Phải xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc, để đảm bảo quản lý chất lượng sản phẩm từ gốc. Phải có ý thức tạo dựng và giữ gìn hình ảnh một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm đối với người tiêu dùng”, Bộ trưởng Hoan lưu ý.

“Kích cầu” từ chính sách

Không chỉ sầu riêng, hiện nhiều nông sản miền núi đã có mặt ở nhiều thị trường khó tính ngoài nước. Thông tin được đưa ra tại Diễn đàn kinh tế “Kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo năm 2022” được tổ chức ngày 5/10 cho thấy, nhiều sản phẩm đặc sản vùng, miền như xoài Sơn La, sâm Ngọc Linh, bơ sáp Đắk Lắk, cá hồi Sapa, rượu sim Phú Quốc… đã mở được đường vào hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Tại Diễn đàn này, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tổ chức nhiều các hội nghị, hội thảo quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm, hàng hóa là lợi thế phát triển của các địa phương tại các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Quảng Ninh… Kết quả, đã kết nối được hơn 60 doanh nghiệp với trên 80 hợp đồng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Đây là những kết quả bước đầu trong việc thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 - 2020 theo Quyết định số 964/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo báo cáo của Bộ Công thương, qua 5 năm triển khai, Chương trình đã đem lại những kết quả tích cực về sản xuất, phân phối và tiêu dùng trên các địa bàn còn nhiều khó khăn. Không chỉ kết nối và thu hút được các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông, lâm, thủy sản của khu vực miền núi, hải đảo thông qua tổ chức các hội nghị, hội thảo, Chương trình còn hình thành được những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Nhiều nông sản miền núi đã tìm đường "xuất ngoại" thành công
Nhiều nông sản miền núi đã tìm đường "xuất ngoại" thành công

Trên thực tế, sản phẩm đặc trưng vùng miền của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, đại diện nhiều doanh nghiệp phân phối lớn cho rằng, vẫn còn một số vướng mắc trong quá trình đưa hàng hóa đặc sản thành hàng hóa thế mạnh và tham gia xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử toàn cầu.

Trong đó, đáng chú ý nhất là tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật. Để đạt các tiêu chuẩn này thì việc cấp mã vùng trồng và cơ sở đóng gói được các thị trường ngoài nước kiểm soát rất chặt chẽ.

Việc thiết lập vùng trồng để cấp mã số sẽ bao gồm xác định diện tích, sử dụng thống nhất một quy trình sản xuất trong vùng trồng, kiểm soát các sinh vật gây hại thuộc danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật của các nước, có nhật ký canh tác, thực hành nông nghiệp tốt, tối thiểu là theo quy trình VietGAP.
Phan Thị Thu Hiền
Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT).

Tại Diễn đàn ổn định chất lượng và đảm bảo tiêu chuẩn nông sản của các hợp tác xã nông nghiệp được tổ chức ngày 22/11/2022, chia sẻ về yêu cầu mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được nhiều quốc gia áp dụng trong nhập khẩu nông sản thời gian gần đây, bà Phan Thị Thu Hiền - Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2, Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nhiều thị trường đã yêu cầu các vùng trồng và cơ sở đóng gói của nước xuất khẩu phải được giám sát chặt chẽ và cấp mã số định kỳ.

Đặc biệt, theo bà Hiền, để nông sản “xuất ngoại” bền vững thì phải tránh trạng mạo danh mã số vùng trồng, sử dụng không đúng mã số để xuất ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam. Thực trạng mà bà Hiền nêu đang là vấn đề rất cần quan tâm. Bởi ngay tại huyện Krông Păk, trong tháng 10 vừa qua, nhiều hộ trồng sầu riêng ở thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh đứng ngồi không yên vì vườn sầu riêng của gia đình bất ngờ được một doanh nghiệp làm hồ sơ cấp mã vùng trồng, nhưng không bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Rõ ràng, doanh nghiệp lập hồ sơ mã vùng trồng sầu riêng ở thôn Tây Bắc, nhưng lại thu mua nơi khác thì trong quá trình kiểm tra của đối tác sẽ bị phát hiện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành hàng sầu riêng Việt Nam, tương lai cánh cửa “xuất ngoại” bằng đường chính ngạch của sầu riêng sẽ khép lại. Những hiện tượng này cần được xử lý nghiêm minh, nhằm bảo đảm con đường vươn ra thị trường thế giới của nông sản Việt Nam, nhất là ở khu vựcmiền núi không gặp trở ngại.

Tiếp nối cho giai đoạn 2015 - 2020, Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 1162/QĐ-TTg, ngày 13/7/2021 là chương trình đặc thù, hết sức cần thiết nhằm xây dựng và phát triển hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thu hẹp khoảng cách về phát triển thương mại của khu vực này với các vùng miền khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng tại khu vực này.

Tin cùng chuyên mục
Thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon rừng ở Việt Nam

Thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon rừng ở Việt Nam

Phát triển thị trường carbon rừng góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đồng thời giúp người dân dần từ bỏ thói quen xâm hại rừng, ngày càng tham gia tích cực hơn vào công tác giữ gìn, bảo vệ hệ sinh thái rừng, đảm bảo sự phát triển kinh tế bền vững.