Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc- Tôn giáo

Tín ngưỡng thờ Neak Tà của đồng bào Khmer

Phương Nghi - Ngân Nhi - 17:25, 09/08/2021

Trên đường vào các phum sóc của đồng bào Khmer, dễ dàng thấy nhiều miếu thờ Neak Tà (còn gọi là ông Tà), là vị thần bảo hộ phum sóc. Trong tín ngưỡng tâm linh của người Khmer, các hiện tượng tự nhiên liên quan đến đời sống con người đều được trời đất cắt đặt một vị Neak Tà bảo hộ, có nhiệm vụ trừ khử mọi tai ương, trấn áp mọi tà ma quỷ dữ, bảo vệ cuộc sống bình yên, no đủ cho người dân trong phum sóc.

Miếu thờ Neak Tà phum sóc (Neakta Machas Srok) ở ấp Cầu Tre, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Miếu thờ Neak Tà ở ấp Cầu Tre, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Hòa thượng Thạch Sach - Trụ trì chùa Prasathkong ở ấp Tắc Giồng, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), cho biết: Văn hóa dân gian của người Khmer mang nhiều nét độc đáo, trong đó có tín ngưỡng thờ Neak Tà. Tín ngưỡng này được xem là một giá trị văn hóa tinh thần của cộng đồng người Khmer Nam Bộ. Neak Tà là những hòn đá cuội bóng láng, người ta tin rằng đó là hóa thân của Neak Tà, loại to gọi là Thmâr thom, loại nhỏ gọi là Thmâr tâch, thể hiện cho sự thanh khiết, giản dị tự nhiên, trong sạch, cứng rắn và khỏe mạnh để che chở, bảo vệ bà con trong phum sóc.

“Như vậy, tại ngôi chùa có Neak Tà Chùa (Neakta Wạtt). Tại phum sóc có Neak Tà phum sóc (Neakta Machas Srok). Tại bến sông có Neak Tà bến (Neakta Kompong). Trong các dãy núi có Neak Tà Núi (Neakta Phnôm). Tại các đất giồng có Neak Tà Giồng (Neakta Phnô). Tại các cánh đồng có Neak Tà ruộng rẫy (Neakta Sre)…”, Hòa thượng Thạch Sach nói.

Hằng năm, đồng bào Khmer trong phum sóc mang lễ vật tổ chức cúng tế Neak Tà tại Thala của phum sóc. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Hằng năm, đồng bào Khmer trong phum sóc mang lễ vật tổ chức cúng tế Neak Tà tại Thala của phum sóc. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Còn ông Lâm Liếp ở ấp Phước Quới, xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) kể: Ngày xưa, bọn trẻ chăn trâu suốt ngày dầm mưa dãi nắng ngoài đồng đều xem miếu Neak Tà là nơi trú nắng che mưa, nơi ngủ trưa lý tưởng. Có thể nói, bọn trẻ chăn trâu mới là chủ nhân thực sự của miếu Neak Tà giữa đồng, bởi sự có mặt thường xuyên và việc chơi đùa tự nhiên của chúng.

Có rất nhiều giai thoại thật huyền bí và hấp dẫn về lai lịch và thành tích của ông Tà. Người ta đồn rằng ông Tà được thờ trên bọng cây, nếu đứa trẻ nào đó bướng bỉnh, cắc cớ ném ông xuống ruộng, nhất định vài hôm sau ông sẽ trở về chỗ cũ. Ông Tà rất thương trẻ con nên không bao giờ quở phạt trẻ dù chúng nghịch ngợm. Tại gần một khu du lịch, nhiều người qua đường cứ xả rác rất mất vệ sinh, nhưng từ khi chủ đất thỉnh ông Tà về thờ cúng, tuyệt nhiên không ai dám đến làm chuyện đó nữa.

Chính sự thân thích với Neak Tà mà đôi khi những lời nói hồn nhiên của bọn trẻ chăn trâu trong phum sóc liên quan đến những chuyện hệ trọng làm người lớn phải e dè, tin theo. Vì họ vẫn nghĩ rằng biết đâu đằng sau sự thơ ngây của bọn trẻ còn có sự hiện diện của Neak Tà.

“Neak Tà đối với người Khmer ở Sóc Trăng không chỉ là thần bảo hộ, mà còn là vị thần chữa bệnh, xét xử, giải quyết tranh chấp… Trước kia, khi có mâu thuẫn xảy ra, người dân thường đến miếu Neak Tà để giải quyết bằng cách thề thốt trước sự chứng giám của ông Tà. Mỗi phum sóc có thể có nhiều miếu Neak Tà, trong đó Neak Tà Méchas Srok (ông Tà chủ xóm) là thần bảo hộ có địa vị cao nhất”, ông Lâm Liếp cho biết.

Hằng ngày tại miếu thờ Neak Tà có người Khmer đến khấn vái, cầu xin ông tiếp tục che chở, phù hộ cho mọi người khỏe mạnh. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Hằng ngày tại miếu thờ Neak Tà một số đồng bào Khmer đến khấn vái, cầu xin ông tiếp tục che chở, phù hộ cho mọi người khỏe mạnh. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Hằng năm, cộng đồng người Khmer ở phum sóc tổ chức cúng Neak Tà một lần vào đầu mùa mưa tại Thala của phum sóc, sau tết Chôl Chnăm Thmây khoảng 1 tháng. Trước khi tổ chức lễ cúng khoảng 10 ngày, có người trong phum sóc đại diện đến từng nhà thông báo ngày giờ tổ chức cúng Neak Tà và vận động vật chất, gạo, muối, tiền để tổ chức lễ cúng. Bên cạnh đó, còn có những vật phẩm do người dân mang đến cúng trả lễ ông Tà.

Trong nghi thức cúng ông Tà, thường thỉnh các vị sư đến tụng kinh cầu nguyện, kế đến là người đại diện con dân trong phum sóc báo cáo với ông Tà tình hình sản xuất vụ mùa của dân làng trong năm vừa qua, dâng vật phẩm cúng trả lễ ông Tà và cầu xin ông tiếp tục che chở, bảo vệ dân làng khỏe mạnh, phù hộ cho họ sản xuất vụ mùa sau đạt hiệu quả cao. Đây là dịp để người dân trong phum sóc gặp gỡ, thăm hỏi sức khỏe, trao đổi kinh nghiệm sản xuất cũng như cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng xanh tốt, vạn vật sinh sôi nẩy nở, phum sóc ngày càng phát triển./.

Tin cùng chuyên mục
Gia Lai: Phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho cán bộ, công chức cấp huyện, xã

Gia Lai: Phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho cán bộ, công chức cấp huyện, xã

Ngày 14/5, tại Tp. Pleiku (Gia Lai), Ban Tôn giáo tỉnh Gia Lai đã tổ chức hội nghị tập huấn phổ biến Nghị định số 95/2023/NĐ-CP ngày 29/12/2023 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cho cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo cấp huyện và cấp xã năm 2024.