Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu để phát triển bền vững cà phê Tây Nguyên

Thuỳ Dung - 16:58, 19/12/2021

Sáng 19/12, tại Gia Lai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức hội thảoThúc đẩy tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu để nâng cao và phát triển bền vững ngành hàng cà phê Tây Nguyên.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham gia của đại diện 5 tỉnh Tây Nguyên gồm: Gia Lai, Đăk Lăk, Kon Tum, Đăk Nông, Lâm Đồng và các tỉnh Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay, Bộ đang xây dựng và triển khai "Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2025".

Tại hội thảo, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cũng đã đưa ra báo cáo thực tổng quan chung về tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê của Việt Nam; Thực trạng tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ cà phê tại Tây Nguyên; Các giải pháp tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết trong sản xuất cà phê tại vùng Tây Nguyên. Đại diễn sở NN &PTNT 2 tỉnh Gia Lai và Đăk Lăk, các Doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ cà phê cũng đưa ra tham luận về tình hình sản xuất, tiêu thụ cà phê tại địa phương; các giải pháp tổ chức sản xuất gắn với phát triển liên kết chuỗi giá trị cà phê, các định hướng phát triển ngành hàng cà phê và các đề xuất kiến nghị trong thời gian tới, giai đoạn 2021-2025.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát biểu tại hội thảo
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng cần xác định rõ ý nghĩa và vai trò các tổ chức của nông dân (hợp tác xã, tổ hợp tác) trong xây dựng vùng nguyên liệu cà phê Tây Nguyên, những vấn đề cần tư duy lại để phù hợp tình hình hiện nay và sắp tới. Với cách nhìn kinh tế nông nghiệp, hình thành chuỗi liên kết ngành hàng, tiếp cận các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, tích hợp đa giá trị (nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, nông nghiệp gắn với dịch vụ, chuyển đổi số); các mô hình phát triển theo chuỗi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp nào phù hợp đối với cà phê Tây Nguyên; các giải pháp, hành động cần ưu tiên thực hiện để giúp phát triển tổ chức sản xuất ngành hàng cà phê được bền vững và hiệu quả.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng mong muốn tỉnh Gia Lai nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên khai thác được các giá trị khác của cà phê. Thời gian tới các tỉnh Tây Nguyên phải có cách tiếp cận, đổi mới sáng tạo như gắn du lịch cộng đồng với các giá trị của cà phê nói riêng và nông sản Tây Nguyên nói chung. Thông qua hội thảo, Bộ trưởng cũng hi vọng các hiệp hội, đơn vị, hợp tác xã, doanh nghiệp rút kinh nghiệm, đồng thời áp dụng được những kiến thức đã tiếp thu được để về vận dụng vào thực tế, tạo ra các giá trị riêng cho cà phê.

Thống kê của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, cà phê Việt Nam chủ yếu là dòng cà phê Robusta đại trà, chất lượng trung bình nên hàng năm các doanh nghiệp chế biến vẫn nhập khẩu một lượng cà phê Arabica để phối trộn trong sản xuất cà phê rang xay. Diện tích cây cà phê trong cả nước hiện đạt khoảng 696.000 ha, năng suất đạt 27,7 tấn/ha, sản lượng đạt 1.764.000 tấn. Trong đó, tập trung chủ yếu tại vùng Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng) với diện tích khoảng 639.000 ha (chiếm tỷ lệ 92% so với cả nước), năng suất 28,5 tấn/ha (cao gấp 1,1 lần so với cả nước), sản lượng đạt khoảng 1.669.000 tấn (chiếm tỷ lệ 95% so với cả nước). Trong giai đoạn 2014 - 2020, Tây Nguyên thực hiện tái canh 120.000 ha; trong đó, trồng tái canh 90.000 ha và ghép cải tạo 30.000 ha.