Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo

Tổ đình Quán Thế Âm từng là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng

Duy Chí - 11 giờ trước

Đại lễ Phật Đản Vesak Liên Hợp Quốc 2025 đang diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, dòng người đến chiêm bái, đảnh lễ Xá lợi Phật Thích Ca Mâu Ni và Xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức ngày một đông. Nhưng ít người biết đến ngôi chùa cuối cùng Hoà thượng Thích Quảng Đức trụ trì- chùa Quán Thế Âm từng là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng.

Hoà thượng Thích Giác Trí (giữa) trụ trì Tổ đình Quán Thế Âm (số 90 đường Thích Quảng Đức, Q. Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh
Hoà thượng Thích Giác Trí (giữa) trụ trì Tổ đình Quán Thế Âm (số 90 đường Thích Quảng Đức, Q. Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh)

Hoà thượng Thích Giác Trí, trụ trì chùa Quán Thế Âm (số 90, đường Thích Quảng Đức, phường 5, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh), cho biết: “Sau khi Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân, thì Hoà thượng Thích Thông Bửu, kế thế trụ trì chùa Quán Thế Âm, đã mở Nhà máy in Phổ Đà Sơn với ấn phẩm tạp chí An Lạc xuất bản từ năm 1966 cho đến năm 1975. Bên cạnh đó, ở đây còn là nơi in ấn tài liệu chống chiến tranh, vận động hòa bình... cho đến ngày đất nước hoàn toàn độc lập; chùa cũng là nơi nuôi dưỡng và che giấu cán bộ cách mạng trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước”.

Sau khi trùng tu nhà chùa đã dành phần lớn diện tích để lưu giữ lại nguyên vẹn không gian lưu niệm Hoà thượng Thích Quảng Đức với những bộ kinh ngài thường trì tụng, cũng như vật dụng thường dùng hằng ngày để các thế hệ học trò, bá tánh đến học tập, chiêm bái, như nhìn thấy sự hiện diện của Bồ tát tại thế.

Không gian lưu niệm Hoà thượng Thích Quảng Đức tại Tổ đình Quán Thế Âm
Không gian lưu niệm Hoà thượng Thích Quảng Đức tại Tổ đình Quán Thế Âm

Ngoài chánh điện, nơi tôn thờ pháp thân Hoà thượng Thích Quảng Đức, hằng ngày có rất đông phật tử, du khách tìm đến Tổ đình Quán Thế Âm tham quan, thắp hương lễ phật. Nơi đây có lối kiến trúc tao nhã với nhiều cảnh trí, thờ tự độc đáo.

Từ ngoài vào bên trái là “núi” Phổ Đà Sơn với Tượng Quán Thế Âm thập nhất diện được tạc bằng đá hoa cương nguyên khối. Dưới chân tượng là hồ nước nhân tạo trong xanh soi bóng những thân bonsai bám mình trên những tảng đá rêu phong, tạo cảm giác nhẹ nhàng, thanh bình.

Để đến được tận nơi thắp hương, chiêm bái thập nhất diện Quán Thế Âm, du khách phải cúi người đi xuyên qua lòng “núi” mới có thể lên được đến tầng 1 nơi có dòng nước mát lạnh lúc nào cũng tuôn chảy, như chính lòng từ bi của Đức Phật dành cho chúng sanh. Tại đây du khách, phật tử vừa có thể đảnh lễ Đức Phật Quán Thế Âm vừa tham quan, chiêm ngưỡng Phòng lưu niệm Bồ tát Thích Quảng Đức.

Bên phải Tổ đình là khu tăng xá dành cho Hoà thượng trụ trì và chư tăng. Dù diện tích nhỏ, nhưng nhà chùa vẫn dành phần nhiều diện tích để xây dựng bảo tháp tôn thờ pháp thân Hoà thượng Thích Quảng Đức.

Hằng ngày các thế hệ môn đồ pháp quyến, hàng hậu học đều đến dâng hương và dành thời gian tĩnh lặng (thiền) theo triết lý “Từ bi – Hoà bình và Phát triển” mà Bồ tát đã để lại.

Với những đóng góp cho đất nước và dân tộc, cũng như những ấn tích một thời lịch sử của ngôi chùa đã được ghi nhận, ngày 25/6/2015, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 3086/QĐ-UBND, công nhận Tổ đình Quán Thế Âm là Di tích lịch sử cấp thành phố.

Tin cùng chuyên mục