Buổi Tọa đàm có sự tham gia của: Nhà văn, Nhà báo Hoàng Dự - Tổng Biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật; Nhà văn Khuất Quang Thụy - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Văn nghệ; Nhà báo Nguyễn Anh Vũ - Tổng Biên tập Báo Văn hóa, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; ông Trần Viết Điệp - Chánh văn phòng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Cùng đông đảo các văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà văn, nhà lý luận phê bình, dịch giả trong nước và các phóng viên báo, đài tham gia.
Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, Nhà văn, Nhà báo Hoàng Dự - Tổng Biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật cho biết, đây là lần đầu tiên Thời báo Văn học nghệ thuật tổ chức tọa đàm giới thiệu tác phẩm văn học. Thời báo Văn học nghệ thuật hy vọng buổi tọa đàm giới thiệu tiểu thuyết “Tình yêu vĩnh cửu” của tác giả Trần Thiên Hương sẽ là cánh cửa mở ra một cơ hội để những người viết văn, giới nghiên cứu phê bình lý luận, báo chí và độc giả cùng gặp gỡ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sáng tác và gắn kết mối quan hệ tốt đẹp giữa tác giả và bạn bè.
Chia sẻ tại buổi Tọa đàm ra mắt tiểu thuyết, tác giả Trần Thiên Hương cho biết, “Tình yêu vĩnh cửu” do NXB Hội Nhà văn ấn hành vào tháng 12/2022, là tác phẩm thứ 3 của nữ tác giả. Với 2 phần: “Khi chim én bay về” và “Tình yêu vĩnh cửu”, tiểu thuyết là câu chuyện về tình yêu và số phận gắn với ba thời kỳ chuyển biến của đất nước: Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và thời kỳ dựng xây. Qua đó, tiểu thuyết truyền đến thông điệp: Trong bất kỳ hoàn cảnh nào vẫn có những mối tình vượt qua rào cản số phận, dành cho nhau tình yêu vĩnh cửu và chính tình yêu đó đã cứu rỗi, gắn kết những nỗi đau trong tâm hồn họ.
Tác giả Trần Thiên Hương hy vọng cuốn tiểu thuyết sẽ đem lại những trải nghiệm mới mẻ cho độc giả, đồng thời mong muốn sẽ được nhận nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ của các nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà lý luận phê bình cùng toàn thể độc giả để tác giả hoàn thiện hơn trong các tác phẩm tiếp theo.
Theo Nhà văn Nguyễn Đắc Như, đây là một cuốn tiểu thuyết khá đặc sắc, lượng thông tin dồi dào, các sự kiện lịch sử điển hình được thể hiện một cách khá nhuần nhuyễn và hài hòa. Sự xuất hiện của các nhân vật lịch sử trong tiểu thuyết dù chỉ thoáng qua nhưng đã điểm xuyết cho những câu chuyện kể thêm phần hấp dẫn. Những câu chuyện được kể ra một cách mộc mạc giản dị nhưng không kém phần hấp dẫn, khiến người đọc có lúc cảm nhận như đây là một bộ sưu tầm về những mối tình cũng như là cách tỏ tình, cách yêu đương của các thế hệ người Việt khác nhau.
Với Nhà văn, Nhà lý luận phê bình Bùi Việt Thắng, “Tình yêu vĩnh cửu” hấp dẫn vì dựa vào quy luật muôn đời của tính người, của tình người không biên giới. Bằng văn phong được kết hợp hài hòa giữa tự sự, tâm lý, trữ tình và những sắc thái thẩm mỹ riêng biệt, tiểu thuyết đã thể hiện nội lực sáng tại, khung văn hóa sâu rộng. Đây cũng chính là một yếu tố quan trọng tạo nên sự hấp dẫn của cuốn tiểu thuyết.
Theo nhà văn Lê Hoài Nam, với ngôn ngữ nghệ thuật phong phú, mạch văn nhanh, cô đọng, đặc biệt là nhãn quan lịch sử tinh tế, “Tình yêu vĩnh cửu” khẳng định chân lý: “Chúng ta sinh ra từ tình yêu, sống trong tình yêu và gắn kết nhau cũng bởi tình yêu”. Thông điệp của tiểu thuyết không chỉ dừng lại ở tình yêu đôi lứa mà hóa thành tình yêu đất nước thiêng liêng, đáng trân trọng. Theo ông, “Tình yêu vĩnh cửu” còn cung cấp một vốn kiến văn khá sâu rộng về lịch sử, văn hóa Việt Nam, lịch sử văn hóa châu Âu bằng nhãn quan và ngôn ngữ nghệ thuật rất phong phú, có sức lay động tâm thức bạn đọc.
Còn đối với Nhà phê bình văn học Bích Thu, tiểu thuyết là sự hòa quyện tình yêu lứa đôi với tình yêu quê hương, đất nước, số phận cá nhân với cộng đồng, tuy nhiên cảm hứng sử thi không lấn át cảm hứng thế sự, với sự đan xen các yếu tố lịch sử, thế sự, đời tư, văn hóa, tâm linh đã tạo nên màu sắc hiện đại trên nền thi pháp tiểu thuyết truyền thống.
Trước những chia sẻ của các nhà văn, nhà lý luận phê bình, tác giả Trần Thiên Hương xúc động cho biết, đây là sự yêu quý và nguồn khích lệ to lớn với tác giả, tạo động lực để nhà văn tiếp tục thực hiện các tác phẩm trong tương lai.