Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Toàn bộ học sinh bị ngộ độc điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai đã xuất viện

PV - 20:13, 29/03/2023

Toàn bộ học sinh của Trường tiểu học Kim Giang trong vụ nghi ngộ độc thực phẩm điều trị Bệnh viện Bạch Mai đã được xuất viện.

Đến chiều 29/3, tất cả các cháu đã được xuất viện về nhà
Đến chiều 29/3, tất cả các cháu đã được xuất viện về nhà (Ảnh: vtc.vn)

Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, vào khoảng 16 giờ ngày 28/3, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 38 bệnh nhi là học sinh lớp 2 Trường tiểu học Kim Giang. Các học sinh vào viện trong tình trạng: Nôn nhiều, đau bụng, mệt, một số học sinh có ỉa chảy, sốt. Tất cả 38 bệnh nhi đều có tình trạng mất nước, 70% có rối loạn điện giải các mức độ.

Nhận định đây có thể là vụ ngộ độc tập thể, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đã lập tức chỉ đạo toàn viện khởi động hệ thống cấp cứu chống thảm họa. Dù đã cuối giờ, nhưng toàn bộ các lực lượng trực chỉ huy được huy động để chung tay cùng Trung tâm Nhi khoa cấp cứu cho các bệnh nhi. Trung tâm Chống độc, Khoa Dược, Khoa xét nghiệm Vi sinh, Khoa Hóa sinh, Phòng Hành chính quản trị, Phòng Vật tư trang thiết bị y tế, Đội bảo vệ Công lực, Phòng Điều dưỡng trưởng và một số nhân viên tham gia trực ở các vị trí khác trong bệnh viện đều được huy động để tổ chức tiếp nhận cấp cứu. Hệ thống giường bệnh, cọc truyền, dịch truyền, máy truyền dịch... lập tức được chuyển đến Trung tâm Nhi khoa. Khu đón tiếp tại sảnh Trung tâm Nhi khoa được dọn dẹp để sắp xếp thành khu điều trị dã chiến.

Các bác sĩ Trung tâm Nhi khoa và Trung tâm Chống độc đã phối hợp tiến hành cấp cứu nhanh chóng, kịp thời cho toàn bộ số bệnh nhi được chuyển đến. Với chẩn đoán mất nước, một số có rối loạn điện giải... tùy mức độ của từng bệnh nhi, các bác sĩ đã có chỉ định bù dịch kịp thời và theo dõi ngộ độc thực phẩm.

Đến 21 giờ cùng ngày, tất cả các bệnh nhi đã ổn định về mặt huyết động, điện giải, tình trạng nôn giảm. Tuy nhiên, một số bệnh nhi có hiện tượng tiêu chảy nhiều hơn, một số cháu có xuất hiện sốt. Các bác sỹ của Trung tâm đã điều trị, đánh giá lại bệnh nhân và cho về trong đêm cho 10 trường hợp.

Sáng sớm ngày 29/3, thêm 5 trường hợp xuất viện trong tình trạng ổn định. Đến 8 giờ ngày 29/3, Trung tâm còn điều trị 23 trường hợp, tất cả đều hết nôn, không mất nước, ăn uống được và mọi hoạt động của các cháu đã ổn định. Đến 10 giờ sáng ngày 29/3, thêm 18 trường hợp được ra viện, còn 5 trường hợp vẫn theo dõi tại Trung tâm sau khi có kết quả kiểm tra lại xét nghiệm cũng đã được cho ra viện vào cuối giờ chiều ngày 29/3.

Dưới góc độ chuyên môn Nhi khoa, Ts.Bs. Nguyễn Thành Nam khuyến cáo: Các cha mẹ nên nhắc nhở các con thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm như: Ăn chín, uống sôi; rửa tay sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc các bề mặt và trước khi ăn. Trường hợp trẻ có xuất hiện nôn, tiêu chảy kèm sốt không rõ nguyên nhân thì nên đưa các cháu đến viện sớm để được thăm khám và điều trị kịp thời; tránh việc trẻ bị mất nước nhiều, gây rối loạn điện giải, trường hợp mất điện giải nhiều nếu không được sơ cứu kịp thời có thể có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.

Về nguyên nhân dẫn đến việc tiêu chảy và nôn hàng loạt của các cháu đang được bệnh viện chuyển mẫu xác định. Theo chẩn đoán ban đầu, có thể là do ngộ độc thực phẩm.

Tin cùng chuyên mục
Người bị bệnh sán lá gan cần lưu ý những gì?

Người bị bệnh sán lá gan cần lưu ý những gì?

Sán lá gan là loại ký sinh trùng có thể lây nhiễm sang người và gây bệnh gan, ống mật. Bệnh sán lá gan có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Do đó, bạn cần hiểu rõ về nguyên nhân gây bệnh, con đường lây lan của bệnh để có biện pháp phòng tránh kịp thời và bảo vệ lá gan khỏe mạnh.