Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

TP. Hồ Chí Minh dự kiến cho học sinh đi học trở lại vào tháng 1/2022

T.Hợp - 21:20, 07/10/2021

Chiều 7/10, tại cuộc họp báo thông tin về tình hình phòng, chống dịch Covid-19 trên địa TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh cho biết dự kiến đầu tháng 1/2022, vào học kỳ 2 của năm học sẽ cho học sinh trở lại trường học trực tiếp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thời gian qua, hơn 1.500 cơ sở giáo dục ở TP. Hồ Chí Minh được trưng dụng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Dự kiến giữa tháng 11, các bệnh viện dã chiến, khu cách ly trưng dụng từ các trường học sẽ được trả lại. Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ có hơn 1 tháng để sửa chữa cơ sở vật chất, khử khuẩn... Dự kiến đầu tháng 1/2022, vào học kỳ 2 của năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ cho học sinh trở lại trường học trực tiếp.

Tại 2 trường ở xã đảo Thạnh An, UBND huyện Cần Giờ đề xuất cho học trực tiếp trở lại từ ngày 11/10. Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra, xây dựng bộ tiêu chí an toàn và xây dựng đội phòng chống Covid-19 tại chỗ để đảm bảo an toàn khi học sinh đi học trở lại tại đây. Theo kế hoạch của UBND huyện Cần Giờ, chỉ cho 5 khối lớp gồm lớp 1, lớp 2, lớp 6, lớp 9, lớp 12 được đi học trở lại với số lượng là 242 học sinh và 60 giáo viên.

Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua đã chủ động phân luồng để thuận tiện trong việc triển khai dạy và học trực tuyến. Thống kê cho thấy tỉ lệ học trực tuyến với khối tiểu học đạt hơn 97%, THPT trên 99%. TP. Hồ Chí Minh còn hơn 30.000 học sinh chưa về Thành phố,  trong đó 26.000 em kẹt lại ở tỉnh đăng ký học trực tuyến và hơn 5.000 em học tạm tại các trường tiểu học ở các địa phương này.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh cho biết việc dạy và học trực tuyến gặp khó khăn vì số lượng học sinh cùng lúc đăng nhập khiến hệ thống bị tê liệt, đường truyền không đảm bảo. Tuy nhiên, sau 1 tuần, Sở Giáo dục và Đào tạo đã gửi đơn đề nghị Sở Thông tin - Truyền thông, Công viên Phần mềm Quang Trung hỗ trợ dạy và học tạm vì cơ sở vật chất không dễ nâng cấp được.

Ngoài ra, cách dạy và học tại TP. Hồ Chí Minh có khác so với các tỉnh, thành. Việc dạy không chỉ livestream mà phải có quản lý, phân công nhiệm vụ, giao tiếp với thầy cô, học sinh trong giờ học. Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh có 12 hệ thống phần mềm được cung cấp miễn phí cho các trường.

Năm 2021, thành phố có 1,71 triệu học sinh với hơn 2.400 trường học. Theo kế hoạch năm học của TP. Hồ Chí Minh, học kỳ I bậc tiểu học kết thúc từ ngày 22/1; THCS, THPT và Giáo dục thường xuyên kết thúc ngày 15/1.