Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

TP. Hồ Chí Minh: Không để học sinh mất cơ hội học tập do Covid-19

Lê Vũ - 17:54, 19/09/2021

Tuy đã có những bước đầu khả quan về việc kiểm soát dịch bệnh, nhưng trên thực tế, TP. Hồ Chí Minh hiện nay vẫn là tâm dịch lớn nhất cả nước. Điều này đồng nghĩa với việc khi năm học mới 2021 - 2022 đang bắt đầu, chính quyền, ngành Giáo dục, cả thầy và trò lẫn phụ huynh đều đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức cần phải vượt qua.

Đại diện Quận đoàn quận 10, TP. Hồ Chí Minh tặng máy tính bảng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn để học trực tuyến. (Ảnh Quận đoàn quận 10 cung cấp)
Đại diện Quận đoàn quận 10, TP. Hồ Chí Minh tặng máy tính bảng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn để học trực tuyến. (Ảnh Quận đoàn quận 10 cung cấp)

Những khó khăn chưa từng có tiền lệ

Đây có lẽ là năm học đầu tiên, mà ngành Giáo dục phải dự phòng phương án sẽ dạy và học từ xa (online) trong 75% thời gian của năm học, do tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, làm thế nào để bảo đảm tính khả thi và cơ hội học tập công bằng cho tất cả các đối tượng học sinh, sinh viên thì hẳn là một câu chuyện không đơn giản.

Khó khăn nhất, có lẽ chính là trang thiết bị và điều kiện của từng gia đình. Để có thể học online , ít nhất học sinh phải được trang bị máy vi tính có kết nối internet hoặc laptop, hay đơn giản nhất là điện thoại thông minh (smartphone). Tuy nhiên, hiện không phải gia đình nào cũng có thể trang bị cho các em để có thể hỗ trợ cho việc học.

Chị Nguyễn Thị Ánh Trúc (quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Gia đình tôi có 3 đứa con đang học ở 3 cấp học khác nhau, nhưng nhà chỉ có 1 cái máy tính, khi trùng thời khóa biểu là phải ưu tiên cho đứa học cấp 3, còn điện thoại thì ưu tiên cho đứa cấp 2. Cũng phải chật vật để sắp xếp”.

Còn anh Tiếu Hoài Phương (TP.Thủ Đức) thì cho biết, anh rất ủng hộ việc cho trẻ học online như hiện nay, vì tình hình dịch bệnh vẫn đang quá phức tạp. Nếu có tổ chức giảng dạy tập trung anh cũng không dám cho con tới trường. Tuy nhiên, theo anh việc dạy và học online cho lứa tuổi tiểu học hiện đang gặp nhiều bất cập.

“Gia đình cũng không khó khăn, nên hết sức cố gắng trang bị mọi điều kiện tốt nhất cho con để học online. Nhưng tôi thấy kết quả rất hạn chế đối với cấp Tiểu học. Trẻ còn nhỏ, hiếu động, khi học trước màn hình, ít được tương tác với giáo viên, bạn bè, nên thường không tập trung. Kiến thức tiếp thu được rất ít, nếu phụ huynh không hết sức theo sát để kèm cặp và hướng dẫn”, anh Phương chia sẻ.

Giáo trình, phương thức học và hạ tầng mạng cũng là điều mà nhiều bậc phụ huynh đang hết sức lo lắng cho việc học trực tuyến của các con. Anh Trần Văn Thông (quận Tân Bình) chia sẻ: “Một số ứng dụng của Bộ hiện tại chưa được cập nhật, hoặc quá tải, nên rớt mạng thường xuyên, tiết học 45 phút mà rớt mạng phân nửa thời gian. Nhà trường cho sử dụng một số ứng dụng khá thì khá hơn một chút, nhưng cũng tùy thuộc vào đường truyền rất lớn, giờ cao điểm thì cũng bị tiếng một nơi, hình một nẻo là thường”.

Em Tiếu Thiên Phúc (con anh Tiếu Hoài Phương) học sinh lớp 2 trường Tiểu học Linh Chiểu, TP. Thủ Đức đang tham gia tiết học online. (Ảnh phụ huynh cung cấp)
Em Tiếu Thiên Phúc (con anh Tiếu Hoài Phương) học sinh lớp 2 trường Tiểu học Linh Chiểu, TP. Thủ Đức đang tham gia tiết học online. (Ảnh phụ huynh cung cấp)

Triển khai nhiều giải pháp

Tại TP. Hồ Chí Minh, năm học 2021 - 2022 có hơn 1,7 triệu học sinh từ bậc Mầm non đến THPT. Trước diễn biến còn phức tạp của đại dịch Covid-19, trước mắt trong học kỳ 1 của năm học, Thành phố sẽ tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến cho học sinh từ cấp Tiểu học đến THPT. Từ ngày 6/9, học sinh THCS, THPT tại Thành phố bắt đầu học trực tuyến, còn học sinh Tiểu học bắt đầu chương trình học từ ngày 20/9.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn Thành phố có khoảng 77.000 học sinh không có điều kiện học tập trên internet. Đây là số liệu gồm cả những khó khăn về đi lại, thiếu thiết bị, đường truyền, không có phụ huynh kèm cặp… Thực tế, còn khoảng 51.000 học sinh tiểu học gặp khó khăn khi học trực tuyến, trong đó có khó khăn về đường truyền internet khi học.

Thành phố hiện đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, cụ thể như vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trao tặng máy tính bảng, máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến... cho học sinh không có điều kiện. Đối với trường hợp các em không thể học trên internet, ngành Giáo dục Thành phố đang hướng tới xây dựng các phiếu học tập. Thầy cô sẽ giao bài, sau đó đội ngũ tình nguyện viên sẽ thu các phiếu đó đưa lại giáo viên để thầy cô biết được các em đang học ở mức độ nào. Được biết, hiện các trường cũng đã xây dựng kế hoạch cho những đối tượng học sinh này, làm sao để các em vẫn có thể tiếp cận được việc học một cách thuận lợi nhất.

Một vấn đề cũng khiến nhiều phụ huynh trăn trở, đó là: Đối với học sinh lớp 1 thì việc học trực tuyến sẽ như thế nào, khi mà các em vẫn chưa có bất cứ khái niệm gì về các môn học? 

Điều này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh cũng thẳng thắng chia sẻ: Ngay từ đầu Sở xác định rằng, cần sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, giáo viên là rất quan trọng để tạo nên một không gian học tập và đồng hành cùng con. Trong 2 tuần đầu, giáo viên sẽ chiếu các clip hướng dẫn phụ huynh cách dạy con đọc, cách viết trên giấy ô ly. "Chúng tôi chủ trương tinh gọn kiến thức, tập trung vào hai môn Toán, Tiếng Việt. Mục tiêu đánh giá ở lớp 1 theo từng chặng, đặt ra những mục tiêu cơ bản đề không gây áp lực cho học sinh”.

Cùng với các vấn đề về y tế, an sinh xã hội, giáo dục cũng là một lĩnh vực rất quan trọng và cũng bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, không vì thế mà cơ hội học tập của của các em nhỏ phải bị gián đoạn hoặc thiếu cân bằng. Làm được điều này không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của chính quyền, ngành Giáo dục, mà rất cần sự chung tay của cả cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.