Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Truyền dạy kiến thức qua ống nhựa

Hoài Dươg - 21:52, 22/04/2020

Để học trò của mình không bị thiệt thòi khi không thể tiếp cận kiến thức bằng các hình thức học online, truyền hình trực tuyến giống như những vùng có điều kiện thuận lợi, các thầy cô giáo ở xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đã có ý tưởng dùng ống nhựa đựng bài tập cho học sinh làm bài ở nhà. Cách làm này vừa giúp thầy và trò tránh tiếp xúc trực tiếp với nhau, vừa đảm bảo phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”. Sáng kiến này đã được nhiều người ủng hộ.

Giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở số 2 Hồng Ca, Trấn Yên (Yên Bái) giao bài tập cho học sinh tại nhà bằng ống nhựa.
Giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở số 2 Hồng Ca, Trấn Yên (Yên Bái) giao bài tập cho học sinh tại nhà bằng ống nhựa.


Mang theo 30 – 40 tệp bài tập, đi bộ vượt đường núi, đường rừng, lần qua từng con suối nhỏ xuống tận thôn bản, đến từng nhà học sinh để đưa “con chữ” đến với học trò của mình. Đó là hình ảnh quen thuộc của các thầy, cô giáo Trường Tiểu học và Trung học cơ sở số 2 Hồng Ca, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên (Yên Bái) trong suốt thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Cô giáo Hà Thị Khuyến, Trường Tiểu học cơ sở số 2 Hồng Ca cho biết, cứ 7 giờ sáng đến 17 giờ chiều thứ 2 hằng tuần tất cả thầy, cô giáo trong trường lại phân công nhau đến từng nhà học sinh để treo ngoài cửa những bài tập mới và thu những bài tập cũ để trong ống nhựa. 

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở số 2 Hồng Ca có 418 học sinh với 287 học sinh thuộc khối tiểu học và 131 học sinh thuộc khối Trung học cơ sở. Tất cả các em đều là con em đồng bào dân tộc Mông, tập trung sinh sống chủ yếu ở 4 thôn: Hồng Lâu, Khuôn Bổ, Khe Ron, Khe Tiến. Đây là những địa bàn còn nhiều khó khăn, không có mạng Internet, không có sóng truyền hình, giao thông đi lại khó khăn.

Kể về hành trình đưa “con chữ” đến với trò nghèo, cô giáo Hà Thị Khuyến chia sẻ: Các thôn bản cách trường chỉ khoảng 3 – 4km, nhưng không thể đi bằng xe máy vì chủ yếu là đường núi và nhiều khe suối, vì thế chúng tôi phải đi bộ. Thời gian đến được các thôn, bản từ 1 đến 2 giờ đồng hồ. Khi đi, cùng với các tệp bài tập của trò thì mỗi chúng tôi cũng không quên mang theo chai nước, ổ bánh mỳ hoặc cơm nắm để tiện ăn trưa trên dọc đường.

“Mỗi khi thu bài cũ về kiểm tra, chấm bài, thấy được sự cố gắng và nghiêm túc trong việc học của các con, chúng tôi phấn khởi vô cùng…”, cô Khuyên vui vẻ tâm sự.

Những chiếc ống nhựa đựng bài tập của học sinh được các thầy cô giáo sáng tạo trong mùa Covid-19
Những chiếc ống nhựa đựng bài tập của học sinh được các thầy cô giáo sáng tạo trong mùa Covid-19

Em Vừ A Lềnh, học sinh lớp 8, ở thôn Khuôn Bổ phấn khởi nói: “Dù mỗi tuần chỉ có một buổi được nhận bài tập, nhưng em rất hào hứng và đều cố gắng làm bài tập đầy đủ, chỗ nào không hiểu thì đánh dấu lại để tối bố đi nương về mượn điện thoại gọi cho thầy cô, nhờ thầy cô giải thích thêm”.

Hoạt động giao bài tập bằng ống nhựa treo trước cửa nhà, ban đầu được triển khai thí điểm tại các tuyến đường thuận lợi từ ngày 10/03/2020. Tuy nhiên, chỉ sau một tuần triển khai, nhận thấy hiệu quả lớn từ hoạt động, đến nay mô hình đã được nhân rộng ra cả 4 thôn, 100% học sinh đều được tiếp cận.

Thầy giáo Nguyễn Minh Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở số 2 Hồng Ca đánh giá, với đặc thù là xã đặc biệt khó khăn, sóng điện thoại yếu, nhiều gia đình không có mạng viễn thông, nên đây là giải pháp tốt nhất để thầy và trò cùng nhau dạy và học trong mùa dịch. Cách làm này vừa thực hiện đúng việc giãn cách xã hội của Thủ tướng Chính phủ lại vừa giúp các học trò tiếp nhận, củng cố được kiến thức, không bị gián đoạn việc học tập.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.