Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

TP. Lạng Sơn: “Bật đèn xanh” cho sai phạm của doanh nghiệp?

Thúy Hồng - 20:54, 28/08/2020

Chưa hoàn thiện thủ tục về sử dụng đất, chưa có Báo cáo đánh giá tác động môi trường và chưa được cấp phép xây dựng… nhưng chủ đầu tư vẫn ngang nhiên thi công và đưa vào hoạt động một nhà máy có vốn đầu tư hơn 4 triệu USD ở TP. Lạng Sơn (Lạng Sơn). Đằng sau vi phạm của dự án “triệu đô” này liệu có sự bao che của chính quyền sở tại?

Trụ sở Nhà máy lắp ráp xe điện DK bike đi vào hoạt động suốt hơn 2 năm qua, khi chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý
Trụ sở Nhà máy lắp ráp xe điện DK bike đi vào hoạt động suốt hơn 2 năm qua, khi chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý

Sai phạm kéo dài

Công ty TNHH MTV Xe điện DK Việt Nhật (Công ty DK Việt Nhật), có địa chỉ tại thôn Hoàng Trung, xã Hoàng Đồng, TP. Lạng Sơn, đại diện theo pháp luật là bà Bùi Thị Bích Đào. Theo giấy phép kinh doanh, một trong những ngành nghề chính của doanh nghiệp này là sản xuất mô tô, xe máy.

Tháng 3/2018, Công ty DK Việt Nhật khánh thành Nhà máy lắp ráp xe điện DKBike trên diện tích hơn 40.000m2 tại thôn Hoàng Trung, xã Hoàng Đồng. Nhà máy được trang bị dây chuyền lắp ráp tự động, có tổng vốn đầu tư hơn 4 triệu USD (gần 93 tỷ đồng). Tuy nhiên, Công ty DK Việt Nhật xây dựng và đưa vào hoạt động Nhà máy này khi chưa được cấp có thẩm quyền của tỉnh Lạng Sơn cấp phép.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Nhà máy được xây dựng trên 8 thửa đất đã được cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho bà Bùi Thị Bích Đào và các ông: Hoàng Văn Khôi, Bùi Quang Đạo, nhưng sổ đỏ được cấp cho 8 thửa riêng lẻ.

Theo quy định, muốn xây dựng nhà máy, bà Đào, ông Khôi, ông Đạo phải được cấp có thẩm quyền thực hiện hợp thửa 8 thửa đất này thành 1. Nhưng theo Báo cáo số 498/BC-UBND ngày 19/6/2020 gửi UBND tỉnh Lạng Sơn về việc sử dụng đất của Công ty DK Việt Nhật, UBND TP. Lạng Sơn khẳng định, việc hợp thửa chưa được thực hiện. 

Đáng chú ý, đây là những diện tích đất sản xuất nông nghiệp (trồng lúa), chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất (sang đất phi nông nghiệp để phục vụ xây dựng nhà xưởng - Pv). UBND TP. Lạng Sơn đã nhiều lần xử phạt hành chính đối với ông Bùi Quang Đạo trong quá trình sử dụng đất. 

Cụ thể, tại Quyết định 119/QĐ-XPVPHC ngày 5/6/2018, UBND TP. Lạng Sơn xử phạt ông Đạo 15 triệu đồng vì hành vi tự ý chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại các thửa đất nêu trên. Tiếp đó, ngày 20/11/2018, UBND TP. Lạng Sơn ban hành Quyết định 229/QĐ-XPVPHC xử phạt ông Đạo 20 triệu đồng vì hành vi xây dựng công trình trên đất chuyển đổi mục đích sử dụng trái phép. Đến ngày 2/1/2019, UBND Thành phố tiếp tục ban hành Quyết định số 01/QĐ-XPVPHC xử phạt đối với ông Đạo do vẫn cố tình xây dựng công trình trên khu đất…

Cố tình hợp thức hóa sai phạm?

Điều đáng nói là, mặc dù ông Đạo vi phạm nghiêm trọng, nhưng đến ngày 26/2/2019, UBND TP. Lạng Sơn đã ra quyết định cho phép ông Đạo chuyển mục đích sử dụng diện tích 2.328m2 đất từ đất trồng lúa sang đất ở nông thôn. Sau đó, khu đất đã được san lấp mặt bằng, xây dựng các công trình trụ sở, nhà xưởng của Công ty DK Việt Nhật như hiện nay.

Theo Báo cáo số 498/BC-UBND ngày 19/6/2020 gửi UBND tỉnh Lạng Sơn, UBND TP. Lạng Sơn cho rằng, Nhà máy lắp ráp xe điện DKBike của Công ty DK Việt Nhật là công trình được miễn giấy phép xây dựng. 

Tuy nhiên, theo văn bản trả lời báo chí của Sở Xây dựng Lạng Sơn, Nhà máy xe điện DKBike không thuộc diện được miễn giấy phép xây dựng. Do đây là công trình xây dựng ở tại nông thôn, thuộc khu vực đã có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt (Quy hoạch chi tiết xây dựng Khu trung tâm xã Hoàng Đồng, TP. Lạng Sơn, tỷ lệ 1/1.000 được phê duyệt tại Quyết định số 1515/QĐ-UBND ngày 24/8/2007 của UBND tỉnh Lạng Sơn; Quy hoạch Phân khu Trục trung tâm Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, tỷ lệ 1/2.000 được phê duyệt tại Quyết định số 1578/QĐ-UBND ngày 1/9/2015 của UBND tỉnh Lạng Sơn).

Trao đổi vấn đề này, ông Phạm Hùng Trường, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết: UBND tỉnh đang yêu cầu các sở, ngành liên quan kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định, sai phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục theo dõi để thông tin đến bạn đọc.

Tin cùng chuyên mục
Nhận diện nguyên nhân tai biến thiên nhiên trên sông Kôn và sông Hà Thanh

Nhận diện nguyên nhân tai biến thiên nhiên trên sông Kôn và sông Hà Thanh

Sông Kôn và sông Hà Thanh là 02 con sông lớn của tỉnh Bình Định; lưu vực của 02 con sông là vùng tập trung các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội và chính trị của tỉnh. Ngoài các yếu tố tự nhiên, khách quan (địa hình, thảm phủ, mưa lũ lớn, diện tích rừng phòng hộ bị suy giảm...), thì các hoạt động trên lưu vực với mục đích phát triển kinh tế cũng đã tạo ra sức cản lớn cho việc thoát lũ. Vì thế, tình trạng sạt lở, lũ ở vùng núi, ngập lụt ở đồng bằng, ven biển thường xuyên xảy ra, đe dọa cuộc sống của người dân, trong đó có người dân vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.