Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

TP. Lạng Sơn: Vì sao người dân chưa đồng thuận với cách áp giá đền bù đất tại Dự án Khu đô thị mới Mai Pha?

Tuấn Thiên An - 15:13, 13/02/2022

603 hộ gia đình và 3 tổ chức bị ảnh hưởng khi UBND TP. Lạng Sơn ban hành Kế hoạch về việc thu hồi đất để thực hiện dự án Khu đô thị mới (ĐTM) Mai Pha. Theo các hộ dân xã Mai Pha phản ánh, điều khiến họ bất bình bởi “cùng là dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội và cùng nằm trên địa bàn thành phố, trong khi các dự án khác đang được đền bù với giá 674.000 đồng đến 1.334.000 đồng/m2, thì tại dự án KĐT mới Mai Pha, giá đền bù chỉ có 70.000 đồng/ m2”.

Dự án Khu ĐTM Mai Pha, TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn
Dự án Khu ĐTM Mai Pha, TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn

Đã gần 2 năm nay, nhiều hộ dân xã Mai Pha, TP. Lạng Sơn vẫn chưa đồng thuận với cách áp giá đền bù về giá đất để thực hiện dự án Khu đô thị mới (ĐTM) Mai Pha. Tổng diện tích đất bị thu hồi để thực hiện dự án này là 91,73 ha. Đây là dự án được thực hiện theo Hợp đồng số 18/2020/HĐ-NĐT/UBND- HP&HS ngày 09/3/2020 giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn và Liên danh Công ty CP đầu tư Hải Phát và Công ty TNHH Hà Sơn.

Được biết, ngày 30/12/2019 UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Quyết định số 2735/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của TP. Lạng Sơn; Trên cơ sở đó, UBND TP. Lạng Sơn đã ban hành các kế hoạch về việc thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc kiểm đếm để thực hiện dự án Khu ĐTM Mai Pha. Tuy nhiên, quá trình đo đạc, kiểm đếm gặp phải phản ứng gay gắt từ phía nhiều người dân.

Phản ánh với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển rất nhiều hộ dân xã Mai Pha vẫn bức xúc, họ cho rằng, hiện nay việc áp giá đền bù 70.000 đồng/m2 đất là quá thấp.

Theo thông tin, tài liệu mà UBND xã Mai Pha cung cấp cho phóng viên, có thể thấy, thời gian qua UBND xã Mai Pha đã nhiều lần tổ chức các buổi tuyên truyền, vận động, thuyết phục các hộ dân chấp hành công tác đo đạc, kiểm đếm phục vụ công tác bồi thường tái định cư dự án Khu ĐTM Mai Pha. Tại các buổi tuyên truyền này, đa số các hộ dân đều có chung ý kiến rằng giá đền bù quá thấp, chưa thoả đáng.

Ngày 13/10/2021, UBND xã Mai Pha đã có Báo cáo số: 293/BC-UBND, UBND xã Mai Pha cho rằng, việc thay đổi cơ chế chính sách trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các hộ gia đình bị thu hồi đất theo hướng cơ chế chính sách sau không có lợi bằng cơ chế chính sách trước, đặc biệt là cơ chế hỗ trợ giao đất tại khu tái định cư và cơ chế hỗ trợ 50% giá đất ở liền kề đối với các trường hợp bị thu hồi đất nông nghiệp, dẫn tới việc người dân có sự so sánh giữa các dự án liền kề, đang triển khai thực hiện cùng thời điểm.

UBND xã Mai Pha dẫn chứng, hiện nay dự án Khu ĐTM Bến Bắc (cùng nằm trên địa bàn TP. Lạng Sơn) được chủ đầu tư hỗ trợ tốt hơn Khu ĐTM Mai Pha, trong khi đó, nếu xét về vị trí, giá trị đất thì dự án này không thể bằng dự án KĐT mới Mai Pha.

Trên cơ sở đó, UBND xã Mai Pha đã đề xuất, kiến nghị UBND TP. Lạng Sơn theo hướng đề nghị chủ đầu tư dự án có phương án hỗ trợ thêm cho người dân ngoài phương án bồi thường, hỗ trợ theo quy định nhằm đảm bảo tính công bằng giữa những dự án đã thực hiện và đang thực hiện trên địa bàn xã. Đề xuất UBND tỉnh xem xét ban hành cơ chế chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư riêng cho địa bàn thành phố, do sự khác biệt về giá trị giữa đất thành phố và các huyện trong tỉnh.

Đơn vị thi công đang san lấp mặt bằng tại Dự án Khu ĐTM Mai Pha
Đơn vị thi công đang san lấp mặt bằng tại Dự án Khu ĐTM Mai Pha

Theo thông tin từ Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Lạng Sơn cung cấp cho phóng viên, hiện nay mới chỉ có 47 hộ dân đồng ý nhận tiền và bàn giao mặt bằng thực hiện dự án; 167 hộ gia đình và 03 tổ chức đã đo đạc, kiểm đếm. Đây là con số khá khiêm tốn so với tổng số 603 hộ và 03 tổ chức bị ảnh hưởng, nằm trong danh sách thu hồi đất, đền bù.

Trong quá trình tìm hiểu nội dung này, phóng viên được biết, hiện tại, trên địa bàn xã Mai Pha, TP. Lạng Sơn đang triển khai thực hiện dự án xây dựng trụ sở một đơn vị hành chính khác. Các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp, ngoài chính sách bồi thường theo giá đất cụ thể, thì họ còn được hỗ trợ chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm để ổn định đời sống và sản xuất... Tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ đối với đất nông nghiệp tối đa là 674.000 đồng/m2.

Còn trên địa bàn phường Đông Kinh, giáp ranh với xã Mai Pha, hiện đang thực hiện dự án Khu tái định cư và dân cư Nam Nguyễn Đình Chiểu, các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp, ngoài chính sách bồi thường theo giá đất cụ thể và hỗ trợ chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm (bằng 03 lần giá đất nông nghiệp); hỗ trợ khác để ổn định đời sống và sản xuất (bằng 02 lần giá đất nông nghiệp) thì người dân bị thu hồi đất để thực hiện dự án được hỗ trợ giá trị chênh lệch giữa 02 phương án bồi thường, hỗ trợ tính theo Quyết định số 12/2015/QD-UBND và Quyết định số 10/2019/QĐ-UBND theo Thông báo số 502/TB-UBND ngày 30/8/2019 của UBND tỉnh. Tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ đối với 01m2 đất nông nghiệp tối đa khi đáp ứng đủ các điều kiện là 1.334.000 đồng/m2.

Nếu so sánh giá 674.000 đồng/m2 và 1.334.000 đồng/m2 tại dự án Khu tái định cư và dân cư Nam Nguyễn Đình Chiểu với 70.000 đồng/m2 tại dự án Khu ĐTM Mai Pha thì rõ ràng nhận thấy các hộ gia đình và tổ chức bị thu hồi đất tại KĐT mới Mai Pha có thể đang chịu thiệt thòi rất nhiều (!?)

Như vậy, nếu các cơ quan chức năng của TP. Lạng Sơn không tuyên truyền và giải thích rõ ràng, thuyết phục về sự minh bạch, công tâm trong việc thực hiện các chính sách về đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án cho người dân bị thu hồi đất tại Khu ĐTM Mai Pha hiểu, thì họ khó lòng đồng thuận với cách áp giá đền bù đất tại Dự án Khu ĐTM Mai Pha!

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.