Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

“Làng phòng thủ, nhà pháo đài” nơi biên cương xứ Lạng

Tuấn Trình - 07:49, 08/02/2022

Nằm ẩn mình giữa núi rừng xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) làng đá Thạch Khuyên hiện lên với những nếp nhà trình tường bằng đất, lợp ngói âm dương cũ kỹ, lối kiến trúc tiêu biểu cho nhà ở truyền thống của dân tộc Tày, Nùng Lạng Sơn. Có lẽ hiếm thấy nơi nào lại có một ngôi làng có vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc yên bình đến thế.

Nét độc đáo ở làng đá Thạch Khuyên. Ảnh: Duy Chiến
Nét độc đáo ở làng đá Thạch Khuyên. Ảnh: Duy Chiến

Chúng tôi đến làng đá Thạch Khuyên, những tia nắng đã kịp xuyên qua màn sương sớm soi rọi vào các bức tường được xếp từ những viên đá nhẵn thín đủ kích cỡ, hình thù. Hòn nọ chồng lên hòn kia một cách trật tự, có hàng có lối, bao quanh từng ngôi nhà, mảnh vườn, ô ruộng, lát trên đường đi… Nhiều viên đá cũ mốc thếch, rêu phủ xếp cao như thành, trên đó là những bụi xương rồng càng làm cho làng đá bí ẩn, nguyên sơ…thu hút chúng tôi ngay từ cái nhìn đầu tiên khi đến ngôi làng này.

Tôi cùng anh bạn đồng nghiệp rảo bộ men theo lũy đá bao quanh làng. Tường đá có móng rộng khoảng 3m, chiều cao 5m. Bên trên mặt tường, người dân có thể đi bộ được. Cái độc đáo ở đây là đá mồ côi nằm chồng lên nhau thành hàng thành lối quây lấy từng ngôi nhà, mảnh vườn, ô ruộng. Đá lát rải làm đường, đá làm tường rào, đá kè bờ ao, đá chèn bờ ruộng. Đá ôm nhà, ôm người, ôm cây, ôm cỏ ở nơi đây... Xung quanh nhà và cạnh các lối đi đều được kê tường rào đá chắc chắn tạo cảnh quan đẹp, độc đáo.

Theo quan sát của chúng tôi, kết cấu của những bức tường đá ở Thạch Khuyên cũng rất độc đáo. Những người xây dựng, chỉ dùng những viên đá mồ côi xếp chồng lên nhau, không sử dụng bất cứ vật liệu kết dính nào. Có những viên đá lớn, to như cái thúng, như con bò, cũng có những viên đá nhỏ chỉ bằng cái mũ trẻ con. Tổng thể chiều dài của vòng tròn tường đá khoảng hơn 1km. Hiện nay không ít bờ đá không còn nguyên vẹn. Thế nhưng, những hàng rào đá, bờ kè đá còn sót lại ở Thạch Khuyên vẫn đủ để người ta ngỡ ngàng.

Đang mải ngắm những viên đá cuội được xếp khéo léo trên bức tường, chúng tôi gặp ông Tàng Văn Hảo, Trưởng thôn Thạch Khuyên. Ông Tàng Văn Hảo vui vẻ nói, nghe có khách đến thăm làng nên ra đây đón khách. Cùng bắt nhịp với sự thích thú, tò mò của khách về những bức tường đá, ông Hảo nói, nhiều thập kỷ qua, làng đá Thạch Khuyên được biết đến như là “pháo đài vùng biên ải”.

Ông được nghe ba mình kể lại, từ xưa người dân trong làng này rất đoàn kết, chịu khó làm ăn nên làng có rất nhiều đồng ruộng tốt, nhà nào thóc, ngô, trâu, bò, lợn gà… cũng nhiều; xóm làng rất bình yên, no ấm.

Nhưng cũng vì có của ăn, của để nên nhiều nhóm phỉ ở bên kia biên giới thường xuyên tập kích vào làng để cướp bóc. Năm 1850, một người cai quản làng tên là Vi Linh Xương đã quyết định xây một lũy đá bao quanh làng, nhằm bảo vệ dân làng trước sự tấn công của bọn phỉ và chống chọi lốc xoáy. Sau 4 năm thi công ròng rã, với sự tham gia của hàng trăm lượt dân công, đến năm 1854, công trình lũy đá bảo vệ làng Thạch Khuyên đã hoàn thành.

Những cụ cao niên ở làng đá Thạch Khuyên nói rằng, trải qua thời gian và chiến tranh tàn phá, những ngôi nhà trình tường và các công trình bằng đá đã tồn tại, chở che các thế hệ người dân Thạch Khuyên.

Một góc “lũy đá” mốc thếch, rêu phủ... ở Thạch Khuyên
Một góc “lũy đá” mốc thếch, rêu phủ... ở Thạch Khuyên

“Làng của chúng tôi có tên là Thạch Khuyên từ đó. Thạch có nghĩa là đá, khuyên có nghĩa là vòng tròn, bức tường đá vòng tròn quanh làng, bảo vệ tính mạng và tài sản của dân làng”, ông Tàng Văn Hảo cho biết.

Thôn Thạch Khuyên hiện nay có 115 hộ dân với 532 nhân khẩu, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc Nùng, chiếm 60% số dân của cả thôn. Toàn thôn hiện còn 18 ngôi nhà trình tường bằng đất, lối kiến trúc tiêu biểu cho nhà ở truyền thống của dân tộc Tày, Nùng Lạng Sơn cùng nét văn hóa dân gian độc đáo.

Ông Lương Văn Bạc, công chức văn hóa xã Xuất Lễ cho biết: Để góp phần gìn giữ lâu dài vẻ đẹp của làng đá, hằng năm, chính quyền xã cũng đã tuyên truyền đến người dân về việc gìn giữ vệ sinh môi trường, vận động các gia đình xếp những viên đá mới thay thế viên cũ hỏng. Bên cạnh đó, các ngôi nhà trình tường cổ cùng các công trình bằng đá là sở hữu của các gia đình. Để đảm bảo điều kiện cư trú, các gia đình cũng đã sửa chữa, cải tạo nhiều, do đó, công tác vận động giữ nguyên gốc những nếp nhà, con ngõ cũng hết sức khó khăn”.

Được biết, thời gian qua UBND huyện Cao Lộc đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát để xem xét, nghiên cứu xây dựng kế hoạch khai thác nguồn tài nguyên văn hóa quý giá tại làng đá Thạch Khuyên để phát triển du lịch. Bên cạnh đó, huyện cũng đã giới thiệu kết nối làng đá Thạch Khuyên với các điểm du lịch khác trong huyện, giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, kế hoạch đã hình thành ý tưởng về bảo tồn và phát huy “Làng phòng thủ, nhà pháo đài – Làng đá Thạch Khuyên”.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.