Một góc huyện Trà Bồng nhìn từ trên caoDiện mạo mới trên quê hương khởi nghĩa
Với tinh thần chủ động, sáng tạo, Đảng bộ và Nhân dân Trà Bồng đã nỗ lực giành nhiều thành tựu đáng kể, nhất là trong nhiệm kỳ gần đây. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Dũng cho biết, sự đổi mới trong phương thức lãnh đạo, xác định hướng đi phù hợp đã tạo chuyển biến toàn diện cho địa phương.
Năm 2024, tổng giá trị sản xuất toàn huyện đạt hơn 2.686 tỷ đồng (tăng 10,3% so với năm trước), tổng thu ngân sách nhà nước đạt 1.452 tỷ đồng, vượt xa dự toán. Toàn huyện có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới; điện lưới quốc gia đã đến 100% xã, hơn 99% hộ dân được sử dụng điện; 92,4% tuyến đường từ xã về các nóc được cứng hóa.
Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn khoảng 20% (theo chuẩn nghèo mới), mỗi năm giảm trung bình 4- 5%. Những con số này là kết quả từ quyết tâm đồng lòng, sự chỉ đạo linh hoạt của Đảng bộ huyện và tinh thần vượt khó bền bỉ của người dân.
Trà Bồng từ lâu đã được biết đến là “xứ sở của cây quế”. Với hơn 5.200ha, quế trở thành cây trồng chủ lực và là nguồn thu nhập chính của người Co. Mỗi mùa thu hoạch, hương quế nồng nàn quyện theo gió, như một dấu ấn văn hóa riêng biệt của vùng đất này. Quế không chỉ là sản phẩm nông nghiệp, mà còn là tiêu chuẩn để đánh giá sự sung túc của mỗi gia đình người Co, bên cạnh ché rượu, chiêng đồng, nồi gang…
Trên địa bàn huyện Trà Bồng ngày càng nhiều công trình nước sạch phục vụ người dânDù giá cả có lúc bấp bênh, người dân vẫn giữ vững niềm tin với cây quế, từng bước áp dụng thâm canh để nâng cao hiệu quả. “Nhờ đầu tư bài bản hơn, nhiều gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu”, ông Hồ Văn Sinh (xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng) chia sẻ.
Bên cạnh đó, các loại cây trồng khác như gừng, chè, sâm cau, đẳng sâm... cũng được chú trọng phát triển. Sản phẩm “Gừng sẻ Trà Bồng” đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu chứng nhận, trong khi “Quế Trà Bồng” được công nhận chỉ dẫn địa lý - tạo đà phát triển sản phẩm địa phương theo hướng chuyên nghiệp và bền vững.
Vững vàng khơi thông tiềm lực
Trà Bồng không chỉ chú trọng phát triển kinh tế mà còn đặt trọng tâm xây dựng xã hội nhân văn, nghĩa tình. Công tác an sinh xã hội được đẩy mạnh, các phong trào tương thân, tương ái lan tỏa rộng rãi. Từ bài học thực tiễn, Đảng bộ huyện xác định rõ khâu đột phá là đổi mới cách làm, phân quyền hiệu quả, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu.
Lãnh đạo huyện Trà Bồng tặng quà Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số huyện Trà BồngTheo Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Dũng, huyện sẽ tập trung lãnh đạo triển khai ba nghị quyết chuyên đề: phát triển các sản phẩm dược liệu, bảo tồn văn hóa và xây dựng đô thị. Huyện đang hướng đến xây dựng thị trấn Trà Xuân trở thành đô thị loại IV, từng bước khơi thông nguồn lực vùng cao.
Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cũng là dịp nhìn lại chặng đường phát triển của Trà Bồng - mảnh đất Anh hùng từng bừng nở ngọn lửa khởi nghĩa năm xưa. Về Trà Lãnh, nơi gắn liền với núi Eo Chim – địa danh lịch sử – già làng Hồ Văn Bốn xúc động: “Người Co mình giờ khác lắm rồi. Cán bộ sát dân, lo việc cho dân, mừng lắm…”.
Trong ngôi nhà nhỏ vừa xây, ông đặt ảnh Bác Hồ trang trọng trên bàn thờ. Từ sâu thẳm trái tim, người Co luôn tự hào mang họ của Bác - người mà họ vừa kính yêu, vừa biết ơn.
Lãnh đạo huyện Trà Bồng thăm, tặng quà gia đình có công cách mạng nhân dịp Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nướcTinh thần Trà Bồng khởi nghĩa, kết tinh trong truyền thống quật cường và niềm tin sắt son với Đảng, đang viết tiếp trang sử mới qua từng bước đi vững chắc. Dọc theo núi rừng miền Tây Quảng Ngãi, những mầm xanh của quế, keo, chè... mơn mởn như báo hiệu một tương lai khởi sắc.
Trong cuộc trò chuyện cuối chiều, Bí thư Nguyễn Văn Dũng siết tay chúng tôi như một lời cam kết - về một Trà Bồng ngày càng phát triển, thịnh vượng, xứng đáng với quê hương cách mạng Anh hùng và niềm tin trọn vẹn của đồng bào Co.