Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Tràng Định (Lạng Sơn): Đẩy mạnh chuyển đổi số để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Thanh Phong-Thúy Hồng - 17:01, 11/12/2024

Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, thời gian qua, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều nỗ lực triển khai công tác này. Thông qua việc đẩy mạnh chuyển đổi số, huyện hướng tới mục tiêu phục vụ hiệu quả cao nhất cho người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh và công bằng xã hội.

 Giám đốc HTX sản xuất dịch vụ nông lâm sản Bản Quyền, Trần Thị Thu Lan đang giới thiệu các mặt hàng của HTX được hỗ trợ bán qua sàn thương mại điện tử
Giám đốc HTX sản xuất dịch vụ nông lâm sản Bản Quyền, Trần Thị Thu Lan đang giới thiệu các mặt hàng của HTX được hỗ trợ bán qua sàn thương mại điện tử

Đưa hàng nông - lâm sản vươn xa

Tràng Định có nhiều lợi thế phát triển nông - lâm nghiệp và nông sản đặc sản. Tuy nhiên, việc giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, chủ yếu thông qua hình thức tiêu thụ truyền thống. Đứng trước vấn đề này, cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến xã quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế số, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Thông qua kênh này, nhiều nông dân đã tiêu thụ được sản phẩm, không chỉ góp phần ổn định cuộc sống mà còn thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.

Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, cùng với sự nỗ lực của Ban Giám đốc và các thành viên HTX Sản xuất dịch vụ nông - lâm sản Bản Quyền, xã Đề Thám, đã có bước phát triển nhanh chóng. Bà Trần Thị Thu Lan, Giám đốc HTX cho biết: HTX thành lập từ năm 2021, tuy nhiên đến năm 2023, HTX mới bắt đầu triển khai mô hình sản xuất trà hoa hồi và một số loại trà thảo dược khác. Do đây là sản phẩm mới nên HTX rất quan tâm đến khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Trong quá trình đó HTX đã được các cấp, ngành hỗ trợ tham dự các hội chợ, chương trình, sự kiện xúc tiến thương mại ở cả trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ đưa các sản phẩm của HTX lên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Ngoài ra, HTX cũng tăng cường quảng bá các sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội. Từ đó, sản phẩm của HTX được nhiều người biết đến. Chỉ tỉnh từ tháng 8/2023 đến nay, HTX đã tiêu thụ trên 20.000 hộp trà với doanh thu hơn 1,5 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng cho thành viên và người lao động trong HTX.

Còn đối với chị Đổng Tất Liên, Chủ cơ sở Bánh khảo Tất Liên cho biết: Nhờ được các cơ quan chức năng tập huấn, hỗ trợ đưa sản phẩm bánh khảo lên các sàn thương mại điện tử, mở ra cơ hội tiêu thụ sản phẩm rất dễ dàng và tiện lợi. Thông qua sàn thương mại điện tử, các khách ở nước ngoài như: Mỹ, Canada, Trung Quốc cũng thường xuyên đặt hàng của cơ sở. Trung bình mỗi năm, cơ sở sản xuất từ 150.000 đến 180.000 phong bánh khảo nhân đỗ xanh, doanh thu đem lại trên 1 tỷ đồng.

Nhân viên bưu điện Tràng Định hướng dẫn người dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử
Nhân viên bưu điện Tràng Định hướng dẫn người dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Việc phát triển kinh tế số đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm từ bó hẹp ở địa bàn trong huyện, trong tỉnh ra ngoại tỉnh, toàn quốc, thậm chí cả nước ngoài.

Bên cạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nông dân về chuyển đổi số và khuyến khích hội viên tham gia sàn thương mại điện tử, Hội Nông dân huyện cũng đã phối hợp với Bưu điện huyện hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa và phát động mua bán hàng hóa trên sàn Postmart.

Theo đó, bưu điện các huyện hướng dẫn nông dân viết bài quảng bá về sản phẩm cần bán, đóng gói sản phẩm để giao hàng đi xa, cách rút tiền, nộp tiền vào tài khoản giao dịch tại các điểm bưu điện văn hóa xã, hỗ trợ vận chuyển hàng hóa đến tay khách hàng trong thời gian ngắn nhất… Đến nay, các hợp tác xã trên địa bàn huyện đã xây dựng trang thông tin điện tử, fanpage, facebook… gian hàng để quảng bá sản phẩm.

Đòn bẩy để phát triển kinh tế - xã hội

Nhờ sự quyết tâm, vào cuộc tích cực cả hệ thống chính trị về chuyển đổi số trên các lĩnh vực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của địa phương. Thời gian qua, công tác chuyển đổi số của huyện Tràng Định đã đạt được nhiều kết quả trên nhiều mặt,…

Sản phẩm Thạch đen được hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử
Sản phẩm Thạch đen được hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử

Theo báo cáo số 5285/BC-UBND ngày 25/11/2024 của Ủy ban Nhân dân huyện Tràng Định về nội dung chuyển đổi số cho thấy, năm 2024 huyện tiếp tục duy trì triển khai thực hiện các chỉ tiêu chính quyền số, dịch vụ công trực tuyến. Duy trì và tiếp tục phát triển cửa hàng số và tài khoản thanh toán điện tử với 16.463 tài khoản thanh toán điện tử, 16.832 tài khoản app người mua/bán Voso - Postmart, 15.403 tài khoản Công dân số - xứ Lạng, 30.596 tài khoản VNEID.

100% các trường học trên địa bàn huyện đều có tài khoản sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành VNPT - iOffice để nhận và triển khai các văn bản cấp trên gửi đến. 100% các đơn vị nhà trường đã triển khai và sử dụng phần mềm quản lý nhà trường gồm sổ đăng bộ, sổ điểm điện tử, sổ liên lạc, học bạ trên 02 hệ thống là VnEdu của VNPT, Smas của Viettel; 100% đơn vị nhà trường đã chỉ đạo các giáo viên triển khai thực hiện ký số hồ sơ trên hệ thống phần mềm quản lý nhà trường.

Huyện cũng đã xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên phần mềm iLIS do VNPT cung cấp. Phần mềm đã kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu với Hệ thống thông tin của cơ quan Thuế và Hệ thống dịch vụ công của tỉnh, đang triển khai kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai để chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06.

Thông qua hoạt động tuyên truyền, người dân đã tiếp cận nhanh hơn với công nghệ số. Người dân khu vực nông thôn đều thành thạo thanh toán học phí, phí dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; sử dụng dịch vụ công trực tuyến...

Nhờ đẩy mạnh công tác chuyển đổi số đã tác động tích cực đến việc thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương
Nhờ đẩy mạnh công tác chuyển đổi số đã tác động tích cực đến việc thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương

Ông Hoàng Văn Soan, xã Đại Đồng cho biết: Trước đây, mỗi lần đi bệnh viện khám tôi phải mang theo tiền mặt và các giấy tờ. Gần đây, các bệnh viện, trung tâm y tế triển khai chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt, khám chữa bệnh bằng căn cước, bản thân tôi được hướng dẫn cài đặt và sử dụng các ứng dụng số nên việc làm thủ tục, thanh toán viện phí rất dễ dàng, thuận lợi.

Theo ông Lèo Văn Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Tràng Định, thời gian qua huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức về vai trò và lợi ích của công tác chuyển đổi số. Thông qua các chương trình tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về công tác chuyển đổi số đã hỗ trợ đã giúp người dân ứng dụng vào đời sống hiệu quả, qua đó góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đọc nhiều