Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Trang phục truyền thống của người Chu Ru

Nguyệt Anh (T/h) - 10:42, 13/08/2021

Trang phục truyền thống của người Chu Ru có nhiều nét tương đồng với các dân tộc Chăm, Cơ Ho và Mạ. Từ hàng trăm năm trước, đồng bào sử dụng chất liệu, các loại vải là sản phẩm dệt của người Chăm, của người Cơ Ho, tự biến tấu theo kiểu dáng truyền thống ăn mặc của dân tộc mình.

Nam nữ dân tộc Chu Ru trong trang phục truyền thống múa điệu Tamja
Nam nữ dân tộc Chu Ru trong trang phục truyền thống múa điệu Tamja

Dân tộc Chu-ru ở Việt Nam hiện có khoảng 20.000 người, cư trú tập trung chủ yếu tại các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận. Dân tộc Chu Ru còn có tên gọi là Chu Ru, Chơ Ru, Choru, Kru, Ru, Thượng. Tiếng Chu-ru thuộc hệ ngôn ngữ Mã Lai - Nam Đảo. Người Chu Ru sinh sống theo làng và người đứng đầu là người đàn ông cao tuổi có uy tín do các thành viên trong làng lựa chọn và là người làm chủ các lễ nghi của làng. Người Chu Ru có truyền thống làm nông nghiệp và lúa là cây lương thực chủ yếu.

Ở Lâm Ðồng, có khoảng 17.000 người Chu Ru sinh sống, tập trung ở xã Tu Tra (huyện Ðơn Dương), một số xã thuộc huyện Ðức Trọng và một số ít sống rải rác ở một số xã thuộc huyện Di Linh.

Người Chu Ru là DTTS tại chỗ ít nhiều còn giữ được một số nét bản sắc văn hóa truyền thống. Trong các dân tộc bản địa ở Lâm Đồng, cộng đồng người Chu Ru không có nghề dệt. Nhưng trang phục truyền thống của người Chu Ru rất đặc trưng, vì từ hàng trăm năm trước, đồng bào sử dụng chất liệu, các loại vải là sản phẩm dệt của người Chăm, của người Cơ Ho, tự biến tấu theo kiểu dáng truyền thống ăn mặc của dân tộc mình. Bởi vậy, trang phục truyền thống của người Chu Ru có nhiều nét tương đồng với các dân tộc Mạ, Cơ Ho và Chăm. Điểm dễ nhận ra trong trang phục của đồng bào dân tộc Chu Ru là đàn ông và phụ nữ đều sử dụng khăn đội đầu.

Trang phục của đàn ông Chu Ru rất giống trang phục của người Chăm
Trang phục của đàn ông Chu Ru rất giống trang phục của người Chăm

Bộ trang phục truyền thống của người đàn ông Chu Ru có nền trắng, kể cả tấm choàng buộc chéo từ nách bên này sang nách bên kia, quần dài, tấm khăn quấn trên đầu cũng màu trắng. Trang phục này chỉ mặc vào các dịp cưới xin, lễ hội, hay đi đám ma... Còn ngày thường, người đàn ông Chu Ru mặc đơn giản hơn, quần trắng, áo dài trắng. Đối với người Chăm theo Đạo Bà La Môn có chiếc khăn trắng với 2 dải tua rua rủ xuống hai bên tai thì chiếc khăn của người Chu ru cũng như vậy.

Phụ nữ Chu Ru thường mặc áo sơ mi khoác bên ngoài một tấm choàng. Tấm choàng màu trắng được mặc trong các dịp lễ. Tấm choàng màu đen sử dụng hàng ngày. Váy có màu xanh đen. 

Phụ nữ Chu Ru thường mặc áo sơ mi khoác bên ngoài một tấm choàng hoặc khăn trắng
Phụ nữ Chu Ru thường mặc áo sơ mi khoác bên ngoài một tấm choàng hoặc khăn trắng

Trong những ngày hội, các cô gái Chu Ru nổi bật giữa cao nguyên với chiếc khăn màu trắng quấn từ trước ra sau, rồi vòng qua vai, tạo thành chiếc áo với những đường chỉ thướt tha rủ xuống 2 ống tay. Dải hoa văn dệt bằng chỉ đỏ chạy dọc mép khăn làm cho chiếc áo không một đường may ấy càng nổi bật trên chiếc váy màu đen.

Ông Đặng Huệ Trí, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) cho biết, trang phục của người Chu Ru không chỉ giống người Chăm mà còn giống với người Cơ Ho sống cùng huyện. Trang phục của người Chu ru kết hợp trang phục của người Cơ Ho và người Chăm. Khăn trắng, khăn choằng trắng, mũ trắng - màu trắng là của người Chăm. Còn màu đen và màu nâu là của người Cơ Ho. Hoa văn trên váy là ảnh hưởng của người Cơ Ho.

Trang phục lễ cưới của người Chu Ru
Trang phục lễ cưới của người Chu Ru

Người Chu Ru không dùng nhiều đồ trang sức như các dân tộc khác. Vào ngày cưới, phụ nữ có đeo một chuỗi cườm và đặc biệt là chiếc nhẫn bạc. Với những chàng trai cô gái Chu Ru, nhẫn bạc không chỉ là đồ trang sức truyền thống mà còn là tín vật mang ý nghĩa thiêng liêng trong lễ thành hôn của các cặp vợ chồng. Để làm ra một cặp nhẫn nguyên bản của người Chu Ru, các nghệ nhân phải thực hiện nhiều thao tác, nhiều công đoạn tỉ mỉ để làm ra hai chiếc nhẫn, một chiếc nhẫn mái và một chiếc nhẫn trống.

Với bộ trang phục này, người Chu Ru có nhiều nét tương đồng với người Cơ Ho và người Mạ ở Lâm Đồng
Với bộ trang phục này, người Chu Ru có nhiều nét tương đồng với người Cơ Ho và người Mạ ở Lâm Đồng

Xã hội của người Chu Ru hiện nay đang thay đổi từng ngày, nếu không có biện pháp thích ứng nào để duy trì các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có trang phục thì chắc chắn các giá trị truyền thống sẽ bị mai một và mất đi theo thời gian. 

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.