Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Trên con đường đồng hành cùng đồng bào các dân tộc Việt Nam

Lê Công Bình, Tổng Biên tập Báo Dân tộc và Phát triển - 12:51, 25/10/2022

Báo Dân tộc và Phát triển đã chọn cho mình một con đường riêng để đồng hành cùng với đồng bào các dân tộc. Một cuộc đồng hành lắm chông gai nhưng cũng không ít niềm vui và hạnh phúc. Một cuộc đồng hành của tinh thần trách nhiệm, tôn trọng và sẻ chia. Một cuộc đồng hành với hành trang thật khiêm nhường nhưng lại rất giàu có về tính nhân văn. Và cuộc đồng hành ấy sẽ không bao giờ dừng lại…

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh thăm trụ sở làm việc mới của Báo Dân tộc và Phát triển.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh thăm trụ sở làm việc mới của Báo Dân tộc và Phát triển.

1. Trong mỗi giai đoạn lịch sử và trong từng thời điểm cụ thể, xuất phát từ đòi hỏi thực tế, hệ thống chính sách dân tộc luôn có sự điều chỉnh, hoàn thiện để thực hiện mục tiêu phát triển vùng DTTS và miền núi.

Nằm trong hệ thống chính sách dành cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, có chính sách về thông tin, tuyên truyền. Và tất nhiên, chính sách, phương pháp, phương tiện để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động cũng cần phải có sự điều chỉnh, thay đổi để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Điều này cắt nghĩa vì sao, lĩnh vực công tác dân tộc - một lĩnh vực mà Đảng, Nhà nước ta dành sự quan tâm đặc biệt, mãi đến năm 2002 mới có một tờ báo riêng.

Chúng ta biết rằng, vào tháng 5/1997, mạng Internet chính thức vào Việt Nam, mở đầu cho một thời kỳ bùng nổ thông tin trên không gian mạng sau đó. Cũng trong giai đoạn này, nguyên tắc chọn lọc thông tin, sự khu biệt đối tượng phục vụ của hệ thống báo chí đang bị tác động bởi mặt trái của cơ chế thị trường. Thực trạng đó đòi hỏi, lĩnh vực công tác dân tộc cần có một cơ quan ngôn luận để nói lên tiếng nói của mình, để định hướng về mặt thông tin. Hơn 10 triệu đồng bào DTTS cần có một phương tiện để tiếp cận và truyền tải thông tin mang tính đặc thù. Trong bối cảnh đó, Báo Dân tộc và Phát triển đã ra đời để đáp ứng yêu cầu thực tiễn này. Đây chính là thời điểm “chín mùi” chứ không phải là sự muộn màng như chúng ra thường nghĩ.

Kể từ đây, Báo Dân tộc và Phát triển đã chọn cho mình một con đường riêng để đồng hành cùng với đồng bào các dân tộc. Một cuộc đồng hành lắm chông gai nhưng cũng không ít niềm vui và hạnh phúc. Một cuộc đồng hành của tinh thần trách nhiệm, tôn trọng và sẻ chia. Một cuộc đồng hành với hành trang thật khiêm nhường nhưng lại rất giàu có về tính nhân văn. Và cuộc đồng hành ấy sẽ không bao giờ dừng lại…

Tổng Biên tập Báo Dân tộc và Phát triển Lê Công Bình trao phần thưởng cho các em học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS tiêu biểu, xuất sắc năm 2018.
Tổng Biên tập Báo Dân tộc và Phát triển Lê Công Bình trao phần thưởng cho các em học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS tiêu biểu, xuất sắc năm 2018.

2. Trong những ngày tháng 10 này chính là khoảng thời gian lắng đọng để những người làm Báo Dân tộc và Phát triển nhìn lại chặng đường mình đã đi qua.

Trên hành trình 20 năm đồng hành cùng đồng bào các dân tộc, tuy chưa phải là dài nhưng cũng đủ để những người làm Báo Dân tộc và Phát triển đúc kết được một số kinh nghiệm để bổ sung vào gói hành trang cho cuộc hành trình còn ở phía trước.

Trước hết, muốn làm báo cho đồng bào, yếu tố đầu tiên cần có đó là sự dấn thân. Dấn thân để đến được với đồng bào; Dấn thân để được hòa nhập, cảm nhận và sẻ chia; Dấn thân để vượt qua những rào cản của “cơm áo gạo tiền”, để làm việc bằng niềm đam mê và trách nhiệm… Nếu không có sự dấn thân thì khó có thể gắn bó với Báo Dân tộc và Phát triển.

Báo Dân tộc và Phát triển là một tờ báo đặc thù, những người làm Báo Dân tộc và Phát triển cũng phải có kiến thức và phương pháp tác nghiệp mang tính đặc thù. Bên cạnh những yếu tố của một người làm báo như bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp thì người làm Báo Dân tộc và Phát triển cần phải trang bị cho mình những kiến thức mang tính khác biệt. Đó chính là sự am hiểu về hệ thống chính sách dân tộc; về phong tục, tập quán, nếp nghĩ, cách làm của đồng bào; đặc biệt là văn hóa truyền thống các dân tộc-một lĩnh vực không hề dễ dàng để cảm nhận và nắm bắt báo thông thường.

Nếu không có những yếu tố khác biệt này thì chắc chắn sẽ không có được những bài báo hay, bổ ích, không thể tạo lập được niềm tin với đồng bào. Vì thế, mục tiêu đồng hành cùng đồng bào các dân tộc cũng chỉ là một khẩu hiệu suông.

Một tờ báo đặc thù, phục vụ đối tượng bạn đọc đặc thù với một phương pháp làm báo mang tính khác biệt đã làm nên sự khác biệt của Báo Dân tộc và Phát triển. Sự khác biệt ấy được hình thành, kiến tạo âm thầm qua từng bài báo, từng trang báo, từng số báo. Để rồi hôm nay, sau 20 năm chúng ta nhìn lại, niềm tự hào có được đó chính là Báo Dân tộc và Phát triển đã có được một diện mạo, một vị thế rất riêng.

Một trong những giải pháp tuyên truyền hiệu quả nhất, đặc biệt là đối với vùng DTTS và miền núi đó là “Mưa dầm thấm lâu”. Và Báo Dân tộc và Phát triển đã kiên trì, thầm lặng làm “những hạt mưa” trong những cơn mưa để tưới tắm cho vùng đất khô khát, góp phần làm cho cây cối đâm chồi nảy lộc.

Với phương pháp cơ cấu nội dung hợp lý, sát với nhu cầu tiếp cận thông tin của bạn đọc, trên từng số Báo Dân tộc và Phát triển, bạn đọc đều có thể tìm kiếm được những thông tin bổ ích để ứng dụng vào cuộc sống thực tế của bản thân, gia đình, bản làng, phum sóc của mình. Trong những lần đi về cơ sở, tiếp xúc với đồng bào, với những già làng, trưởng bản, Người có uy tín, chúng tôi thật sự xúc động khi biết rằng, có rất nhiều việc làm hiệu quả nhờ bà con biết ứng dụng thông tin từ các báo, đài, trong đó có Báo Dân tộc và Phát triển…

Thực tế này cho phép chúng ta khẳng định, Báo Dân tộc và Phát triển là một tờ báo bổ ích, một tờ báo mang lại hiệu quả. Đây cũng chính là mục tiêu quan trọng mà những người làm Báo Dân tộc và Phát triển đã, đang và sẽ hướng đến. Tính hiệu quả thông tin - đó chính là yếu tố cốt lõi, yếu tố sống còn của một tờ báo.

Từ sự dấn thân, những người làm Báo Dân tộc và Phát triển đã tạo ra sự khác biệt cho tờ báo và không ngừng nâng cao hiệu quả về mặt thông tin. Do vậy, Báo Dân tộc và Phát triển đã xác lập được niềm tin yêu của bạn đọc. Có thể nói, đây là một tài sản vô giá, rất đỗi tự hào của các thế hệ những người làm Báo Dân tộc và Phát triển. Cho đến thời điểm này, chúng ta có thể tự tin nói rằng, chúng ta đã chọn đúng đường, đi đúng hướng theo tôn chỉ, mục đích của tờ báo. Trước rất nhiều biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức của người làm báo nhưng những người làm Báo Dân tộc và Phát triển chưa có ai bị sa vào cạm bẫy của lợi danh. Điều này đã tạo lập được niềm tin của Cơ quan chủ quản, cũng như các cơ quan quản lý báo chí và bạn bè đồng nghiệp. Hơn thế nữa, với mục tiêu phụng sự bạn đọc bằng tất cả những gì có thể, Báo Dân tộc và Phát triển đã tạo lập được niềm tin đối với đồng bào các dân tộc trên mọi miền đất nước.

Từ miền đất mũi Cà Mau đến vùng cực Bắc của Tổ quốc, nơi nào xa xôi nhất, cách trở nhất là nơi đó có dấu chân của những người làm Báo Dân tộc và Phát triển, có tờ Báo Dân tộc và Phát triển. Khi đến với đồng bào, những người làm Báo Dân tộc và Phát triển luôn được đón nhận bằng một thứ tình cảm mộc mạc, chân thành, được bà con gửi gắm những điều gan ruột. Và cũng ở những nơi đó, chúng ta không khó để bắt gặp hình ảnh những vị già làng, Người có uy tín cẩn thận xếp từng tờ Báo Dân tộc và Phát triển sau khi đọc xong để lưu giữ cho người khác cùng đọc và đọc lại khi cần thiết.

Một tờ báo tạo lập được niềm tin! Đó là nguồn động viên, cổ vũ to lớn và cũng là mục tiêu phấn đấu không ngừng nghỉ của những người làm Báo Dân tộc và Phát triển.

Báo Dân tộc và Phát triển đã xác lập được niềm tin yêu của bạn đọc.
Báo Dân tộc và Phát triển đã xác lập được niềm tin yêu của bạn đọc.

3. Nhìn lại chặng đường 20 năm đồng hành cùng bạn đọc, thành tựu nhiều nhưng tồn tại, hạn chế cũng không phải là ít. Những người làm Báo Dân tộc và Phát triển tự hào về những gì mình đã làm được bao nhiêu thì cũng trăn trở cho chặng đường phía trước bấy nhiêu.

Hai mươi năm qua, các thế hệ làm Báo Dân tộc và Phát triển đã xây dựng được một tờ báo Dấn thân - Khác biệt – Hiệu quả và Tin cậy nhưng yếu tố Bản sắc – Đại chúng – Hiện đại và Hội nhập thì chưa được định hình rõ rệt. Đây là một nhiệm vụ nặng nề, một sứ mệnh vinh quang và cũng là một phép thử của tinh thần dấn thân, tinh thần trách nhiệm, lòng tự trọng nghề nghiệp cho những người làm Báo Dân tộc và Phát triển hôm nay và các thế hệ tiếp nối mai sau.

Để giữ vững, phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời xây dựng Báo Dân tộc và Phát triển trở thành một tờ báo Bản sắc – Đại chúng – Hiện đại và Hội nhập, Báo Dân tộc và Phát triển đã và đang triển khai nhiều giải pháp đột phá, quyết liệt, vừa kế thừa, phát huy truyền thống, vừa đi tắt đón đầu để đẩy nhanh tiến trình phát triển.

Về loại hình báo in, bên cạnh việc tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng với tần suất xuất bản như hiện tại; trong thời gian tới, Báo Dân tộc và Phát triển sẽ cho ra đời các ấn phẩm mang tính đặc thù như Đặc san Dân tộc và Phát triển tiếng phổ thông và tiếng DTTS; Đặc san Chương trình MTQG vùng DTTS, miền núi.

Đối với Báo Điện tử, tiến hành nâng cấp, đầu tư mới, xây dựng Báo Điện tử Dân tộc và Phát triển theo xu hướng hiện đại, đủ khả năng tích hợp, chuyển tải nhiều sản phẩm báo chí như: phiên bản tiếng Việt, phiên bản tiếng DTTS; phiên bản tiếng Anh; bản tin phát thanh; bản tin truyền hình (tiếng Việt và tiếng DTTS); xây dựng diễn đàn mạng xã hội; kho dữ liệu các DTTS Việt Nam… Đồng thời, tiến hành chọn lọc, số hóa các sản phẩm báo viết có giá trị về vùng DTTS, miền núi để phục vụ bạn đọc.

Báo Dân tộc và Phát triển đã và đang triển khai xây dựng Tòa soạn theo mô hình hội tụ với ba trụ cột cơ bản là hội tụ về không gian làm việc, hội tụ về công nghệ và hội tụ trong quy trình sản xuất nội dung. Đi cùng với đó là đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc; tổ chức đào tạo và đào tạo lại đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, đội ngũ cán bộ quản lý để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Khát vọng tuổi 20 của Báo Dân tộc và Phát triển đang có được một sự trợ lực đặc biệt quan trọng để trở thành hiện thực. Đó chính là sự đón nhận của bạn đọc; sự chia sẻ của bạn bè, đồng nghiệp; sự tin tưởng, quan tâm của lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, của các cấp, các ngành; sự đoàn kết, cộng đồng trách nhiệm, cùng chung khát vọng vươn lên của một tập thể đã cùng nhau đi qua nhiều gian khó.

Đặc biệt, Báo Dân tộc và Phát triển là 1 trong 4 cơ quan báo chí nhận được sự đầu tư từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi. Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ năm 2021 - 2025 quy định: “Xây dựng Báo Dân tộc và Phát triển thành cơ quan truyền thông đủ năng lực đáp ứng yêu cầu về công tác dân tộc và thông tin tuyên truyền hiệu quả, kịp thời về Đề án Tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Nghị Quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội”.

Với tất cả những yếu tố mang tính “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” như trên, những người làm Báo Dân tộc và Phát triển có thể tự tin để xây dựng một tờ báo hội đủ các giá trị “Dấn thân – Hiệu quả - Tin cậy – Bản sắc – Hiện đại và Hội nhập”. Đây chính là hành trang không thể thiếu để tiếp tục đồng hành cùng đồng bào các dân tộc Việt Nam trên chặng đường phía trước./.