Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Trên tuyến lửa Quảng Bình: Có một con đường tuổi 20 (Bài 2)

Thanh Nguyễn - 09:18, 14/06/2022

Tôi chợt nhớ đến cuốn nhật ký của Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm mà mình đã đọc khá lâu: “Mãi mãi tuổi 20”. Cuốn Nhật kí ấy, là lát cắt về một khoảng thời gian tuổi trẻ đẹp đẽ nhất của đời người, có nước mắt, hi sinh, khổ đau và hạnh phúc. Ở “tuyến lửa” Quảng Bình cũng có một con đường mang tên “Đường 20”, được dựng xây trong mưa bom, bão đạn, trong phơi phới xuân thì, trong sục sôi ý chí đánh Mỹ của những chàng trai, cô gái đôi mươi.

Di tích hang tám cô
Di tích hang tám cô

Con đường nào cũng tuổi 20!

Trong rất nhiều con đường trên “tuyến lửa” Quảng Bình, thì “Đường 20” đã trở thành biểu tượng cao đẹp về ý chí, niềm tin của cả một thế hệ anh hùng. Ngày 20/12/1965, được đánh dấu, là ngày bổ nhát cuốc đầu tiên cho việc hình thành con “Đường 20”. Sau 127 ngày đêm thi công, “Đường 20” đã được hoàn thành với chiều dài 123km, xuyên dãy Trường Sơn nối liền Phong Nha (Quảng Bình) với Lùm Phùm, thuộc huyện Bu-La-Pha, tỉnh Khăm Muộn (Lào).

Đây là con đường giao thông huyết mạch, là tuyến vận tải chiến lược, một đầu mối quan trọng trên đường Hồ Chí Minh, được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Bộ Tư lệnh Đoàn 559 đặt tên là “Con đường tuổi hai mươi” bởi lẽ, lực lượng tham gia làm con đường này gồm bộ đội, thanh niên xung phong (TNXP), anh em công nhân... hầu hết đều ở lứa tuổi 20.

Ông Cao Ngọc Tành (sinh năm 1941) ở xã Lộc Ninh, TP. Đồng Hới (Quảng Bình) nhớ lại: Thời điểm mở đường 20, ông là thường vụ đoàn thanh niên của Ban xây dựng 67 do Bộ GTVT thành lập. Do phụ trách toàn tuyến nên ông thường xuyên đôn đốc, động viên anh em bám trận địa, vượt khó khăn, nguy hiểm để mở đường trong thời gian nhanh nhất.

Sau này, “Đường 20” được gắn thêm hai chữ “Quyết Thắng” thành “Đường 20 Quyết Thắng”, với ý chí thể hiện quyết tâm chiến thắng giặc Mỹ xâm lược, quyết tâm phá thế độc tuyến và giành thắng lợi trên mặt trận GTVT.

Trong những năm tháng chiến đấu bảo vệ tuyến đường và vận chuyển chi viện cho chiến trường, con đường của lứa tuổi hai mươi mang tên Quyết Thắng, đã làm nên những chiến công như là huyền thoại của một thời “xẻ dọc trường sơn đi cứu nước”.

Trên con đường huyền thoại này, đế quốc Mỹ đánh phá điên cuồng. Những cứ điểm, địa danh, tọa độ trên cung đường 20, đã gợi nhắc một thời bi tráng, hào hùng của dân tộc. Đấy là hang tám cô – chứng tích ghi dấu sự kiện hi sinh của tiểu đội TNXP gồm 4 chàng trai và 4 cô gái. 

Là hang y tá, gắn với câu chuyện về sự hy sinh cao đẹp của nữ y tá Nguyễn Thị Sặng. Là trọng điểm Trạ Ang đã bao lần thấm đẫm máu và mồ hôi của chiến sĩ lao động dũng cảm, chiến đấu oanh liệt hy sinh vì nhiệm vụ. Rồi trọng điểm liên hoàn cua Chữ A, ngầm Ta Lê và đèo Phu La Nhích, dốc Ba Thang, ngầm Cà Roòng…

Xe vượt Trường Sơn chi viện cho tiền tuyến miền Nam qua đường 20
Xe vượt Trường Sơn chi viện cho tiền tuyến miền Nam qua đường 20

Mỗi địa danh, mỗi tên gọi trên “Đường 20 Quyết Thắng” là một câu chuyện thấm đẫm nước mắt và tự hào, là khúc tráng ca tô thắm thêm chủ nghĩa anh hùng cách mạng của những người vệ quốc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng khẳng định: Đường 20 Quyết Thắng là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan, do ý chí vì độc lập tự do của chiến sĩ và TNXP làm nên.

Viết đến đây, tôi chợt nhận ra rằng, không chỉ “Đường 20 Quyết Thắng” mà các cung đường khác trên vùng “tuyến lửa” Quảng Bình, sẽ vẫn là con đường của tuổi 20.

Những đường 15, đường 12A, 12B…, từng là trọng điểm đánh phá ác liệt của Đế quốc Mỹ. Rồi cảng Gianh cũng là nơi khởi đầu của con đường Hồ Chí Minh trên biển. Từ đơn vị quân sự vận tải đầu tiên “Tập đoàn đánh cá sông Gianh”, các con tàu không số chở quân, chở hàng lần lượt vượt biển khơi đến với miền Nam ruột thịt. Những con đường ấy đã được dựng xây bằng trái tim nhiệt huyết, sục sôi của sức trẻ tuổi 20.

Giữa lòng di sản

Tuyến “Đường 20 Quyết Thắng” bắt đầu từ Km00 của thôn Phong Nha, bên cạnh dòng sông Son thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) kéo dài đến ngã ba Lùm Bùm thuộc huyện Ăng - Khăm, tỉnh Khăm Muộn của nước bạn Lào, có chiều dài 125km.

Chính tại thôn Phong Nha, huyện Bố Trạch, là điểm xuất phát của con đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại trên bộ. Cùng với các chi nhánh quan trọng của nó, như tuyến đường 15 chạy dọc Trường Sơn, đường 12B từ miền Tây Tuyên Hóa qua Sê-Pôn, đường 16 từ làng Ho Lệ Thủy qua bản Đông, đường 20 từ Phong Nha qua tỉnh Khăm Muộn... tạo thành một hệ thống con đường chiến lược vĩ đại, vượt đèo, băng suối và vươn dài gần bằng nửa vòng trái đất.

Con “Đường 20 Quyết Thắng” huyền thoại, xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại, chảy vào tương lai, đã trở thành một minh chứng hào hùng của tuổi trẻ trong những năm tháng kháng chiến cứu nước, được xây đắp và giữ gìn bằng nước mắt và máu xương của lớp lớp người con đang độ tuổi thanh xuân ngày ấy.

Những chứng tích lịch sử trên tuyến “Đường 20 Quyết Thắng” nằm trong lòng Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, đã trở thành những địa danh lịch sử văn hóa đi vào lịch sử dân tộc và mãi mãi là những chiến tích hào hùng về cuộc chiến đấu kiên cường, oanh liệt của quân và dân ta.

Đường 20 Quyết Thắng len lỏi giữa những cánh rừng già Trường Sơn
Đường 20 Quyết Thắng len lỏi giữa những cánh rừng già Trường Sơn

Đến với Phong Nha - Kẻ Bàng ngày hôm nay không chỉ tham quan, thưởng ngoạn trước cảnh đẹp của thiên nhiên hùng vỹ, mà còn là dịp để tưởng nhớ và tri ân sự hi sinh anh dũng của biết bao thế hệ cha anh đã ngã xuống, hy sinh tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Trong bản đồ du lịch Quảng Bình, “Đường 20 Quyết Thắng” là điểm tham quan nổi tiếng thu hút du khách với những địa chỉ, điểm đến hấp dẫn. Nhân dịp kỉ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm “tuyến lửa” Quảng Bình (16/6/1957-16/6/2022), tuyến “Đường 20 Quyết thắng” được ấn nút nâng cấp, tu bổ. Đó chính là sự tri ân với lớp lớp cha anh đi trước, đã không tiếc máu xương vì nền độc lập tự do của dân tộc.

Tin vui ấy cũng đang làm náo nức bà con DTTS ở 2 xã Tân Trạch và Thượng Trạch huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Rồi đây, việc thông thương với nước bạn Lào, sau khi hoàn thành nâng cấp tuyến đường, sẽ tạo điều kiện phát huy tiềm năng, ưu thế của 2 xã biên giới, góp phần mở rộng, giao lưu buôn bán xuất nhập khẩu hàng hóa, cải thiện chất lượng cuộc sống vùng biên giới và khu vực lân cận.

Việc đầu tư nâng cấp “Đường 20 Quyết Thắng”, còn có vai trò quan trọng là cửa ngõ giao thương của Nhân dân 2 xã vùng biên huyện Bố Trạch. Đồng thời, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, phát triển du lịch sinh thái, tham quan di tích lịch sử, phát triển kinh tế, giảm bớt sự chênh lệch giữa khu vực đồng bằng với miền núi; hỗ trợ công tác quản lý và bảo vệ rừng của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Đường 20 mở ra cơ hội phát triển quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh Quảng Bình nói riêng, vùng phía Tây khu vực miền Trung nói chung. Qua đó, tạo thêm luồng vận tải quốc tế quan trọng, đặc biệt là các tỉnh của 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu hàng hóa, du lịch đường bộ./.

Bài cuối: Viết tiếp bản hùng ca

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng Trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.