Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Triển khai Dự án 3 Chương trình MTQG 1719 ở Nghệ An - Hiện thực hóa giấc mơ sinh kế bền vững nơi vùng khó: Nhận diện vướng mắc và những giải pháp tháo gỡ cấp bách (Bài 2)

Thanh Hải - 00:05, 27/10/2023

Để hiện thực hóa giấc mơ sinh kế bền vững cho đồng bào ở vùng khó, giải quyết nhu cầu người dân cần được giao đất, giao rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSD) ở huyện Kỳ Sơn, đang được tỉnh Nghệ An xác định là nhiệm vụ cấp bách. Đây còn là điều kiện để địa phương có thể thực hiện các nội dung tiểu dự án 1, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I từ 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719).

Ông Moong Văn Chun, dân tộc Khơ Mú ở xã Nậm Cắn với mô hình kinh tế tổng hợp từ trồng rừng, nuôi trâu và dê
Ông Moong Văn Chun, dân tộc Khơ Mú ở xã Nậm Cắn với mô hình kinh tế tổng hợp từ trồng rừng, nuôi trâu và dê

Khó thực hiện dự án vì… thiếu đất, thiếu rừng

Hiện nay, nhu cầu phát triển kinh tế từ sản xuất lâm nghiệp của người dân trên địa bàn các huyện miền núi, vùng cao ở Nghệ An là rất lớn. Song do người dân chưa được giao đất, cấp GCNQSD đất, nên mục tiêu phát triển kinh tế từ lâm nghiệp rất khó thực hiện. Bên cạnh đó, một vướng mắc khác đối với việc hiện thực hóa sinh kế bền vững là, để thụ hưởng chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển sinh kế, xóa đói giảm nghèo cho người dân từ các Chương trình MTQG, người dân phải có GCNQSD đất thì mới đủ điều kiện hỗ trợ. 

Minh chứng như, thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 3 của Chương trình MTQG 1719, có 6 hoạt động được hỗ trợ; bao gồm: khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng, hỗ trợ khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung, hỗ trợ trồng rửng sản xuất, hỗ trợ trồng rừng phòng hộ, hỗ trợ gạo bảo vệ rừng.

Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn kiểm tra mô hình trồng cây dưới tán rừng ở xã Tây Sơn
Lãnh đạo huyện Kỳ Sơn kiểm tra mô hình trồng cây dưới tán rừng ở xã Tây Sơn

Do chưa được giao đất, giao rừng gắn với cấp GCNQSD đất, nên có 3 nội dung chưa thể thực hiện; đó là: hỗ trợ khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung; hỗ trợ trồng rừng sản xuất; hỗ trợ trồng rừng phòng hộ. Bởi, để thực hiện được, thì người dân cần được cấp GCNQSD đất và thời gian cấp GCNQSD đất tối thiểu là 3 năm. Ngay cả đối với 2 nội dung hỗ trợ bảo vệ rừng và hỗ trợ gạo bảo vệ rừng, địa phương cũng mới chỉ thực hiện được đối với hơn 204 hộ, do các hộ này đã được cấp GCNQSD đất vào năm 2020. 

Vì vậy, để phát triển kinh tế từ lâm nghiệp, việc cấp GCNQSD đất cho người dân là rất cần thiết. Muốn thực hiện được điều này thì trước hết phải giao đất, giao rừng.

Theo ông Phạm Văn Hòa, Phó phòng Dân tộc huyện Kỳ Sơn, năm 2022 huyện được bố trí hơn 51 tỷ đồng; đã chi khoảng 20 tỷ đồng cho khoán bản vệ rừng đối với diện tích rừng đã giao cho dân quản lý. Năm 2023, theo kế hoạch, huyện được bố trí hơn 44 tỷ đồng để thực hiện, nhưng vì người dân chưa được giao đất, giao rừng gắn với cấp GCNQSD đất đã dẫn đến tình trạng không thể chi hết kinh phí đã được phân bổ.

Lão nông người Mông Vừ Vả Chống ở xã Huồi Tụ huyện Kỳ Sơn kể về hành trình trồng cây gây rừng
Ông Vừ A Chống ở xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn chia sẻ về hiệu quả kinh tế từ trồng cây gây rừng

Huyện thiết tha… lại thiếu kinh phí

Câu chuyện có đất, có rừng gắn với cấp GCNQSD đất để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống đang là vấn đề cấp thiết ở huyện nghèo Kỳ Sơn.

Hiện nay, kinh phí khoán bảo vệ rừng cho dân đã được thực hiện tại 19/20 xã, hơn 27.193ha, với gần 13 tỷ đồng (bao gồm kinh phí khoán bảo vệ, kinh phí lập hồ sơ, kinh phí quản lý). Huyện đang giao đơn vị phối hợp UBND các xã thực hiện khoán bảo vệ rừng với diện tích rừng chưa giao cho xã quản lý là hơn 2.400ha cho 37 cộng đồng. Chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ. Các năm sau, thì các xã phải thực hiện để biết diện tích mình như thế nào, trách nhiệm cụ thể ra sao…

Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm chia sẻ

Hiện tại, UBND huyện Kỳ Sơn đang đề nghị UBND tỉnh, các Sở ban ngành liên quan sớm thu hồi diện tích đất của Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn chuyển trả (năm 2023 đề xuất trả hơn 40.000 ha) và bàn giao cho huyện để có cơ sở pháp lý cấp GCNQSD đất và tiếp tục giao rừng, giao đất cho người dân trên địa bàn huyện.

Về vấn đề này, ông Ngô Hải Nam, Phó Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn cho hay: Đơn vị đang dự tính trả hơn 100.000ha đất lâm nghiệp cho huyện nhưng Ban quản lý cũng phân vân lo ngại, việc diện tích đất rừng sau khi trả quá lớn nhưng lại không quản lý tốt. Chưa kể, người dân có phát huy được hiệu quả khi nhận đất, nhận rừng hay không.

Cũng theo lời ông Nam, năm 2023, tổng kinh phí giao đất đã được giao tương ứng với 7.000ha. Trong khi, UBND huyện Kỳ Sơn đề nghị giao 40.000ha đất; nên, với diện tích 33.000ha chưa có kinh phí, thì chưa biết lấy ở đâu để thực hiện.

Đối với vấn đề về chủ trương định hướng giao đất, giao rừng gắn với cấp GCNQSD đất cho người dân, lãnh đạo huyện Kỳ Sơn cũng đã thông tin, sẽ có hướng dẫn cụ thể cho Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn bàn giao diện tích đất rừng cho huyện để huyện có cơ sở giao đất, giao rừng và cấp GCNQSD đất cho người dân. Trước mắt cho phép, Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn bàn giao khoảng 40.000ha tại 8 xã Chiêu Lưu, Na Ngoi, Nậm Càn, Hữu Kiệm, Phà Đánh, Mỹ Lý, Hữu Lập, Bắc Lý để cấp GCNQSD đất đối với diện tích đã giao năm 2021-2022. 

Song song quá trình Ban quản lý rừng phòng hộ bàn giao, huyện sẽ tiếp nhận và giao đất giao rừng và cấp giấy cho người dân trong năm 2023. Trong giai đoạn 2024-2025, huyện sẽ tiếp tục thực hiện giao đất, giao rừng gắn với cấp GCNQSD đất cho các xã tiếp theo. Như vậy, đảm bảo rừng luôn có chủ quản lý và không bị xâm hại khi Ban quản lý rừng phòng hộ bàn giao cho chính quyền địa phương.

Trồng dược liệu dưới tán rừng ở Mường Lống
Trồng dược liệu dưới tán rừng đang mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ ở Mường Lống

Ông Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn nhấn mạnh: việc giao đất, giao rừng gắn với cấp GCNQSD đất cho người dân là cực kỳ cần thiết và quan trọng. Khó khăn hiện nay là vấn đề kinh phí để thực hiện vấn đề này, thì huyện chưa biết lấy ở đâu, bởi theo quy định vốn sự nghiệp ngân sách trung ương không chi cho nội dung này. 

Huyện đề nghị Sở NN&PTNT, Ban Dân tộc đề xuất Bộ NN&PTNT sửa đổi bổ sung nội dung: hỗ trợ kinh phí giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp, giao đất lâm nghiệp và cấp GCNQSD đất lâm nghiệp vào các hoạt động lâm nghiệp được sử dụng vốn sự nghiệp cho Tiểu dự án 1, Dự án 3 Chương trình MTQG 1719. 

"Đối với đồng bào vùng biên giới Kỳ Sơn, chỉ khi nào được giao đất, giao rừng thì cuộc sống người dân mới ổn định và phát triên bền vững", Bí thư huyện ủy Vi ông Hòe nhấn mạnh. 

Tin cùng chuyên mục