Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Triển khai Dự án 8 Chương trình MTQG 1719 ở Nghệ An: Nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn đã được tổ chức

An Yên - 06:16, 22/11/2023

Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền và tập huấn là những phần việc, nội dung đã và đang được Hội LHPN tỉnh Nghệ An tập trung triển khai trong thời gian qua, kể từ khi thực hiện Dự án 8, Chương trình MTQG 1719 về thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.

Tiểu phẩm tuyên truyền xóa bỏ định kiến khuôn mẫu giới, xây dựng gia đình hạnh phúc ở huyện Con Cuông
Tiểu phẩm tuyên truyền xóa bỏ định kiến khuôn mẫu giới, xây dựng gia đình hạnh phúc được triển khai thực hiện ở huyện Con Cuông

Nhiều nội dung thuộc Dự án 8 đã được triển khai

Ngay từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam và của HĐND, UBND tỉnh Nghệ An, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng và ban hành 12 kế hoạch, 1 hướng dẫn, 4 công văn về triển khai chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động Dự án 8 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

 Để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án, từ đầu năm 2023, Hội LHPN tỉnh đã ban hành thêm 7 kế hoạch, 1 công văn triển khai chỉ đạo hoạt động.Theo đó, có 11 địa bàn được thụ hưởng dự án đã tham mưu cho UBND cấp huyện về Kế hoạch tổ chức Dự án 8 giai đoạn I của chương trình MTQG 1719. Đồng thời, Hội LHPN tỉnh cũng đã ký kết công tác phối hợp hoạt động với các sở, ngành, địa phương liên quan triển khai Dự án.

Từ những kế hoạch được ban hành, xác định rõ nội dung Dự án 8, công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức các hoạt động đã được thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ. Cụ thể, ở cấp tỉnh, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 7 lớp tập huấn Chương trình 2 về phát triển năng lực lồng ghép giới cho cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã; Tổ chức 4 lớp tập huấn Chương trình 3 về phát triển năng lực lồng ghép giới trong cộng đồng là cán bộ thôn bản, Người có uy tín trong thôn/bản.

Một buổi tập huấn do Hội LHPN Nghệ An tổ chức về Dự án 8, Chương trình MTQG 1719
Một buổi tập huấn do Hội LHPN Nghệ An tổ chức về Dự án 8, Chương trình MTQG 1719

Hội cũng đã triển khai 2 lớp tập huấn nâng cao năng lực và ra mắt 2 Tổ truyền thông tại 2 xã điểm chỉ đạo của tỉnh (Yên Na, huyện Tương Dương và xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn). Đồng thời, hỗ trợ trang thiết bị phục vụ truyền thông tại 2 tổ truyền thông. Tổ chức 3 lớp tập huấn cho các thành viên tổ truyền thông cộng đồng tại huyện Anh Sơn, Nghĩa Đàn và Quỳ Châu. 

Tổ chức 2 Hội nghị tập huấn triển khai sổ tay đối thoại chính sách cấp cơ cở theo sổ tay hướng dẫn của Trung ương Hội tại huyện Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp. Đáng chú ý, đã có 9 cuộc truyền thông về giáo dục nâng cao nhận thức làm mẹ an toàn, chăm sóc sức khỏe trẻ em và vận động phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế được tổ chức tại 3 huyện và 6 xã.

Hoạt động hỗ trợ ứng dụng công nghệ để nâng cao quyền năng kinh tế cho đồng bào DTTS cũng được triển khai ứng dụng với các mô hình “Tổ nhóm sinh kế chăn nuôi lợn ở xã Châu Thái, huyện Quỳ Hợp” và mô hình “HTX Thủ công mỹ nghề và Dịch vụ tổng hợp xã Môn Sơn, huyện Con Cuông”, thu hút 84 người dân tham gia.

Những chia sẻ, gợi mở về bình đẳng giới tại các lớp tập huấn
Những chia sẻ, gợi mở về bình đẳng giới tại các lớp tập huấn

Trong các hoạt động hỗ trợ phụ nữ, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng phiếu khảo sát và tiến hành phỏng vấn 100 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, để từ đó nắm bắt tình hình phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sinh con tại nhà; kết hợp triển khai hỗ trợ gói chi phí cho bà mẹ sinh đẻ an toàn. 

Cùng với đó, các hoạt động liên quan đến mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng cũng đã được thành lập tại xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu và xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Tại mỗi địa chỉ tin cậy, người dân đã được tập huấn kỹ năng phát hiện, lên tiếng hỗ trợ người bị bạo lực, hỗ trợ mua sắm một số vật dụng cần thiết để phục vụ cho hoạt động…

Để tăng hiệu quả tuyên truyền, Hội cũng đã dây dựng 1 phóng sự bằng tiếng dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Kinh để tuyên truyền rộng rãi đến cán bộ, hội viên, phụ nữ các dân tộc tại các cuộc truyền thông và nhiều bài viết tuyên truyền trên loa phóng thanh của xã phát 5 ngày/tuần về nội dung tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết; phòng chống mua bán người.

Đẩy mạnh hoạt động ở cơ sở

Tại 11/11 đơn vị cấp huyện có đối tượng được thụ hưởng chính sách từ Dự án 8, đã tổ chức hội nghị triển khai Dự án 8 trên địa bàn và tổ chức được 25 lớp tập huấn lồng ghép giới cho cán bộ thôn, bản tại huyện Kỳ Sơn, Quỳ Hợp, Thanh Chương, Quế Phong, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu; 8 lớp tập huấn đánh giá và giám sát bình đẳng giới cho cán bộ thôn, bản tại huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp và Quế Phong.

Ra mắt địa chỉ tin cậy cộng đồng và tập huấn phòng chống báo lực gia đình ở huyện Anh Sơn
Ra mắt địa chỉ tin cậy cộng đồng và tập huấn phòng chống bạo lực gia đình ở huyện Anh Sơn

Hội LHPN các huyện cũng tiến hành khảo sát, làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương và thành lập tổ truyền thông tại cộng đồng với sự tham gia của các thành viên là những Người có uy tín, có năng lực truyền thông trên địa bàn thôn/bản, mỗi tổ đều có sự tham gia của cả nam và nữ.

 Đến nay. đã thành lập được 84 tổ truyền thông cộng đồng tại Quỳ Hợp, Quế Phong, Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Quỳ Châu, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Anh Sơn, Con Cuông và Tương Dương.

Đặc biệt, triển khai Dự án 8, các huyện đã tổ chức 81 cuộc truyền thông về hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em tại huyện Quỳ Hợp, Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông, Thanh hương, Tương Dương và 55 cuộc truyền thông về thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới tại huyện Kỳ Sơn, Quỳ Hợp, Quế Phong, Nghĩa Đàn, Thanh Chương, Con Cuông và Quỳ Châu.

Tổng hợp từ 11 huyện, thị cũng cho thấy, thời gian qua, đã xây dựng được 2 mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người tại huyện Nghĩa Đàn; thành lập 10 địa chỉ tin cậy cộng đồng tại huyện Quỳ Châu, Anh Sơn, Quỳ Hợp và Quế Phong; tổ chức được 9 cuộc đối thoại chính sách về giảm nghèo, bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS tại huyện Quỳ Châu, Kỳ Sơn và Quỳ Hợp.

Ra mắt tổ truyền thông cộng đồng xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn
Ra mắt tổ truyền thông cộng đồng xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn

Phụ nữ, trẻ em sẽ được tiếp cận đầy đủ nội dung dự án

Dẫu đã triển khai được nhiều phần việc đảm bảo tiến độ, và  đạt được nhiều kết quả ban đầu, tuy nhiên việc triển khai Dự án 8 trên địa bàn Nghệ An cũng đang gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định.

Theo ý kiến của một số đại diện các cấp Hội LHPN ở Nghệ An thì, hiện nay, nội dung chi hỗ trợ khoa học công nghệ để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS (theo khoản 1, Điều 37, thông tư 55/BTC) chưa có hướng dẫn cụ thể, chi tiết các mục chi nên khó xây dựng dự toán để triển khai thực hiện cho phù hợp.

 Mặt khác, việc thành lập các địa chỉ tin cậy, tổ truyền thông cộng đồng và câu lạc bộ thủ lĩnh, có sự thay đổi so với mức hỗ trợ trọn gói theo quy định trong Thông tư 55/BTC. Trên thực tế các mô hình này, cần có kinh phí để duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả thì lại chưa được quy định. Riêng nguồn kinh phí để duy trì hoạt động của tổ truyền thông cộng đồng và câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi, là từ nguồn đối ứng địa phương, song đối với một số huyện nghèo thì, việc bố trí nguồn đối ứng là không đơn giản.

Định hướng hoạt động trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp hội, phối hợp các đơn vị liên quan để triển khai các nội dung của Dự án 8 theo hướng dẫn cũng như theo tình hình thực tế địa phương. “Quan trọng nhất là phụ nữ, trẻ em, các đối tượng thụ hưởng của Dự án 8 được tiếp cận đầy đủ, đúng các nội dung của dự án này. Đó là mục tiêu cao nhất để phụ nữ, trẻ em vùng DTTS được phát triển đầy đủ, toàn diện, được quan tâm, chăm sóc… nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu trong cuộc sống hiện nay, góp phần kéo gần khoảng cách vùng miền, nâng cao vị thế người phụ nữ”, đại diện Hội LHPN tỉnh Nghệ An nhấn mạnh./.