Triển lãm "Chế độ y quan triều Nguyễn" do Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, trưng bày 120 phiên bản tài liệu, tư liệu, hình ảnh và hiện vật về phục trang triều nhà Nguyễn. Chủ sở hữu là nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Hữu Hoàng ở Huế. Nội dung triển lãm được bố cục theo 3 chủ đề gồm: Trang phục hoàng gia, trang phục quan lại, binh lính và trang phục tân khoa.
Trang phục là một yếu tố quan trọng trong việc tạo nên tính quy củ về hình thức của mỗi triều đại quân chủ. Đối với các nước phương Đông, trình độ văn minh của các triều đại còn được đánh giá qua chế độ Y quan (áo mũ, nghĩa rộng là trang phục) và Lễ nhạc. Dưới triều Nguyễn, chế độ Y quan càng được xem trọng; ngôn ngữ trang phục thể hiện quyền lực và đường lối chính trị và là niềm tự hào của triều đại.
Dưới triều Nguyễn, áo dài phổ biến là loại ngũ thân. Kiểu áo này ra đời dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát năm 1744, khi chúa quy định lại trang phục ở Đàng trong.
Trang phục cung đình triều Nguyễn không chỉ là trang phục mà còn là văn hóa, bao hàm những giá trị về thẩm mỹ mang bản sắc dân tộc. Trên phương diện mỹ thuật, mỗi bộ trang phục của vua, hoàng hậu, thái tử, công chúa, hoàng thân quốc thích, quan viên dưới triều Nguyễn đều là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, một minh chứng sinh động, giúp chúng ta có thể hiểu hơn về trình độ tay nghề, khiếu thẩm mỹ của các bậc nghệ nhân xưa.
Chế độ Y quan triều Nguyễn mang đậm những dấu ấn lịch sử, có ý nghĩa về văn hóa và là di sản độc đáo của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy những tư liệu, hình ảnh, hiện vật của trang phục cung đình triều Nguyễn vô cùng quan trọng. Đây cũng là vấn đề được các nhà nghiên cứu và công chúng quan tâm.