Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Triệu phú người Mông ở bản Đề Sủa

Văn Phong - 06:18, 24/11/2023

Từ một gia đình làm nông nghèo khó quanh năm, nhờ vào ý chí, nghị lực, quyết tâm vươn lên của mình, ông Sùng A Khua đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi, mở rộng sản xuất. Nhờ đó mà đến nay gia đình ông đã trở thành “triệu phú” tại bản Đề Sủa.

Ông Khua chăm sóc đàn gà của gia đình
Ông Khua chăm sóc đàn gà của gia đình

Đến bản Đề Sủa, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, không ai không biết đến ông Sùng A Khua. Bởi ông là một điển hình tiêu biểu người dân tộc Mông làm kinh tế giỏi, “triệu phú” chăn nuôi tại xã Lao Chải.

Ông Sùng A Khua (sinh năm 1965), là con cả trong một gia đình làm nông nghiệp, đông anh em nên cuộc sống thiếu đói triền miên. Quay quắt trong cái đói, cái nghèo nên ông luôn suy nghĩ làm sao để thay đổi cuộc sống.

Năm 1997, ông Khua cùng gia đình và một số hộ người Mông quyết định xuống núi dựng bản Đề Sủa, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.

Ông kể lại, khi ấy Đề Sủa chỉ là vùng rừng núi hoang vu, chẳng có gì ngoài cây cỏ lau lách. Trong hoàn cảnh không điện, không nước, ăn uống khổ cực nhưng ông và mọi người vẫn đồng lòng, quyết tâm vỡ đất san gạt làm ruộng cấy lúa nước.

Để thay đổi mô hình sản xuất, ông Khua lựa chọn bắt đầu từ chăn nuôi. Thế rồi ông chọn nuôi dê. Việc chăn nuôi khá thuận lợi, đàn dê của gia đình ông có khi lên tới 40 con, nhưng do đất chăn thả không có, phải thuê đồng cỏ tận Lai Châu nên ông không thể tiếp tục duy trì.

Năm 2007, từ số vốn dành dụm được, ông Khua mạnh dạn vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mù Cang Chải để xây chuồng nuôi trâu, lợn. Với sự chăm chỉ, chịu thương chịu khó nên chỉ khoảng 3 năm sau gia đình ông đã trả xong nợ và dành dụm được chút tài sản.

Năm 2014, từ số vốn dành dụm được cùng với Hội Nông dân huyện hỗ trợ thêm 5 triệu đồng, ông Khua tiếp tục vay thêm 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mù Cang Chải để mua thêm trâu, bò, gà, lợn và kiên cố lại chuồng trại để chăn nuôi.

Trứng gà, vịt đem lại nguồn thu lớn, ổn định cho gia đình ông Sùng A Khua
Trứng gà, vịt đem lại nguồn thu lớn, ổn định cho gia đình ông Sùng A Khua

Thời điểm đó, nhận thấy cả huyện Mù Cang Chải chưa có ai nuôi vịt siêu trứng, ông Khua đã nghiên cứu, tìm hiểu thị trường và quyết định mua 200 con vịt giống về nuôi.

Không có kiến thức về chăn nuôi, ông Khua tự tìm tòi học hỏi kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh cho đàn vịt. Để đổi mới chăn nuôi, ông lặn lội xuống tận Hà Nội để mua máy nghiền, ép viên cám cho vịt và tìm hiểu kỹ cách pha trộn thức ăn. Chưa từng học qua trường lớp nào về kỹ thuật nhưng ông Khua đã tận dụng máy xát cũ và tự sáng chế thành công máy sản xuất thức ăn cho gia cầm, tiết kiệm đáng kể thời gian cũng như công sức lao động.

Nhờ tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời, đưa các loại con giống mới vào chăn nuôi đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đàn gia súc, gia cầm của gia đình ông Khua luôn khỏe mạnh, phát triển tốt.

Sau khi thử nghiệm, thấy đàn vịt nuôi có hiệu quả và phù hợp với khí hậu, thời tiết của địa phương, ông Khua tiếp tục đầu tư mở rộng trang trại và mua thêm 500 con vịt và 150 con gà siêu đẻ trứng về nuôi. Để đàn gia cầm phát triển và không mắc các dịch bệnh, ông Khua đã học và nghiên cứu về cách chăn nuôi trên sách, báo, các phương tiện thông tin đại chúng. Hiện nay, gia đình ông đã có trên 800 con gà, vịt các loại, mỗi buổi sáng thu được trên 300 quả trứng và bán ra thị trường với giá 3.000 đồng/quả trứng vịt và 4.000 đồng/quả trứng gà, cho thu nhập trung bình gần một triệu đồng/ngày.

Năm 2017, ông được Hội Nông dân huyện Mù Cang Chải tạo điều kiện cho vay 200 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh. Từ nguồn vốn này, ông Khua đã đầu tư nuôi 500 con gà đẻ siêu trứng, kết hợp nuôi 30 lợn thịt/lứa theo hình thức bán công nghiệp. Trung bình mỗi ngày, gia đình ông Khua xuất ra thị trường hơn 300 quả trứng với giá bán 4.000 đồng/quả, thu về hơn 1 triệu đồng/ngày. Trừ các khoản chi phí, mỗi tháng, gia đình ông thu về trên 20 triệu đồng tiền lãi từ bán trứng. Ngoài ra, gia đình ông Khua còn tận dụng đất đồi để trồng thêm các loại cây ăn trái như chuối, mận, sơn tra...

Ông Sùng A Khua lặn lội về tận Hà Nội để mua máy nghiền, ép cám viên làm thức ăn tổng hợp cho đàn gà, vịt.
Ông Sùng A Khua lặn lội về tận Hà Nội để mua máy nghiền, ép cám viên làm thức ăn tổng hợp cho đàn gà, vịt.

Từ mô hình chăn nuôi, trồng cấy, mỗi năm trừ các khoản chi phí, gia đình ông đã có thu nhập khoảng 200-300 triệu đồng/năm. Đối với người dân vùng cao như huyện Mù Cang Chải thì đây là một khoản thu nhập không hề nhỏ. Nhờ có nguồn thu nhập ổn định này, đã giúp gia đình ông Khua xây dựng được nhà cửa khang trang với đầy đủ tiện nghi, thậm chí mua sắm được ô tô, xe máy, máy xát gạo..

Ông Khua chia sẻ: "Nếu không được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp cho vay vốn thì gia đình tôi sẽ không có được cuộc sống ấm no như hôm nay”.

Chính vì vậy, ông Sùng A Khua luôn tích cực giúp đỡ, truyền đạt kinh nghiệm, hướng dẫn bà con trong bản phát triển chăn nuôi, từ đó giúp được rất nhiều hộ trong xã vươn lên thoát nghèo.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.