Khẩn cấp rà soátChỉ còn vài ngày nữa, năm 2018 sẽ khép lại; các địa phương đang rốt ráo rà soát, tổng hợp danh sách hộ thiếu đói Tết Kỷ Hợi và mùa giáp hạt năm 2019. Theo Công văn số 5067/LĐTBXH-BTXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), các địa phương phải có văn bản gửi liên Bộ LĐTB&XH-Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ gạo trước ngày 20/01/2019.
Đây là thời hạn quá sát, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ cấp gạo cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán. Bởi, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi bắt đầu từ ngày 05/2/2019 dương lịch-tức ngày mùng 1 Tết âm lịch. Nếu lấy thời điểm ngày 20/1 làm mốc, khi các địa phương đã rà soát được danh sách gửi Bộ LĐTB&XH, Bộ Tài chính; hai Bộ tổng hợp trình Thủ tướng phê duyệt; sau đó Tổng cục Dự trữ Nhà nước mới xuất cấp cho các tỉnh, thành phố để phân bổ về các địa phương.
Trong thời gian 15 ngày (20/1-05/2) ngắn ngủi này, liệu gạo có kịp về với các hộ thiếu đói, nhất là hộ thiếu đói ở vùng sâu, vùng xa? Đó là chưa kể, lâu nay chưa có địa phương nào triển khai cấp gạo cứu đói vào đúng những ngày Tết (từ 30 đến mùng 2 Tết âm lịch).
Còn nhớ, Tết Nguyên đán Mậu Tuất, ngày 24/1/2018 (tức ngày mùng 8 tháng 12 năm Đinh Dậu 2017), các tỉnh: Nghệ An, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang là những địa phương đầu tiên đã được cấp gạo để hỗ trợ người dân thiếu đói. Trước đó, Tết Đinh Dậu 2017, đến ngày 03/1/2017 (tức ngày mùng 6 tháng 12 năm Bính Thân 2016) đã có 19 tỉnh, thành gửi văn bản đề xuất cấp gạo cứu đói hỗ trợ nhân dân dịp Tết.
Ngoài ra, theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tình trạng thiếu đói thường xảy ra ở khu vực miền núi, có đông đồng bào DTTS sinh sống; và thường xảy ra vào những tháng đầu năm. Cụ thể, trong tháng 1/2018 (tính đến ngày 18/1), cả nước có 5,7 nghìn hộ thiếu đói, tương ứng với 19,7 nghìn nhân khẩu thiếu đói. Trong đó, Đăk Lăk có 2,1 nghìn hộ, tương ứng với 5,3 nghìn nhân khẩu thiếu đói; Lạng Sơn 1,4 nghìn hộ, tương ứng với 5 nghìn nhân khẩu; Gia Lai 966 hộ, tương ứng với 4,3 nghìn nhân khẩu… Tính chung 2 tháng đầu năm 2018 (trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất), cả nước có 40,1 nghìn lượt hộ thiếu đói, tương ứng với 149 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói.
Nêu lên như vậy để thấy, lúc này các địa phương cần khẩn cấp tiến hành rà soát, tổng hợp danh sách hộ thiếu đói để làm cơ sở Trung ương xuất cấp gạo. Cuối năm công việc bộn bề, tuy nhiên, bảo đảm an sinh xã hội, để ai cũng có Tết là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Khẩn trương nhưng phải cẩn trọng
Năm 2018, với điều hành tích cực của Chính phủ và sự cố gắng của người dân trong sản xuất như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển làng nghề để tạo thêm công ăn việc làm... số hộ thiếu đói giảm so với năm 2017. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 11 tháng đầu năm 2018, cả nước có 104,1 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 40,7% so với cùng kỳ năm 2017, tương ứng với 415,9 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 42,3%.
Nhưng trước mắt vẫn còn số liệu hộ thiếu đói của tháng 12/2018 và hai tháng đầu năm 2019 chưa được thống kê. Dự kiến số lượng hộ thiếu đói trong 3 tháng này là không ít. Bởi như hai tháng đầu năm 2018, cả nước đã có 40,1 nghìn lượt hộ thiếu đói, tương ứng với 149 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói.
Không thể không dự trù số hộ thiếu đói trong tháng 12/2018 và hai tháng đầu năm 2019 bởi trong năm qua, cùng với dịch bệnh, thiên tai thì tình trạng thiếu việc làm cũng tác động đến đời sống của người dân, nhất là đồng bào các DTTS ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Trong 11 tháng năm 2018, thiên tai đã làm hơn 1,9 nghìn ngôi nhà bị sập đổ và cuốn trôi; 61,8 nghìn ngôi nhà bị hư hỏng; hơn 175 nghìn ha lúa, hoa màu bị hư hỏng; tổng giá trị thiệt hại do thiên tai trong 11 tháng ước tính khoảng 9 nghìn tỷ đồng.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, trong mùa Đông Xuân 2018-2019 sẽ xuất hiện rét đậm, rét hại; tập trung trong tháng 1/2019 và nửa đầu tháng 2/2019. Vài năm gần đây, những đợt rét đậm rét hại đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế. Như cuối tháng 1/2016, chỉ trong một tuần rét đậm, rét hại, khu vực miền núi phía Bắc đã có đến 12.300 gia súc chết, thiệt hại hơn 200 tỷ đồng. Với những hình thái biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp thì tác động của thiên tai đến đời sống dân sinh ngày càng khó lường.
Phải khẳng định, năm 2018, tình hình kinh tế-xã hội nước ta đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn, ước tính hoàn thành 12/12 chỉ tiêu được Quốc hội giao. Công tác giảm nghèo cũng đạt được những kết quả ấn tượng; dự kiến tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước cuối năm 2018 giảm xuống dưới 6%; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện giảm bình quân 4%/năm.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu đói trước, trong và sau Tết vẫn “đến hẹn lại lên” bởi nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Cũng vì vậy mà hằng năm, Chính phủ đều đã sẵn sàng xuất gạo dự trữ cùng với những phần quà Tết để hỗ trợ kịp thời. Điều cần nhất lúc này là các địa phương cần sớm rà soát kỹ lưỡng, không bỏ sót hộ thiếu đói, đề xuất, lên phương án tiếp nhận quà Tết kịp thời trao đến tận tay người dân, bảo đảm ai cũng có Tết.
SỸ HÀO