Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Trường học hạnh phúc của những đứa trẻ mồ côi ở Cốc Mỳ

Trọng Bảo - 11:26, 29/12/2021

Năm học 2021 - 2022, ngành Giáo dục và Đào tạo chọn thực hiện chủ đề xây dựng “Trường học Hạnh phúc”. Câu chuyện về những học sinh mồ côi ở xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát (Lào Cai) đã và đang hiện thực hóa cho chủ đề này.

Cậu trò nhỏ Lý A Ly được các anh chị học sinh lớp lớn hướng dẫn ôn bài vở
Cậu trò nhỏ Lý A Ly được các anh chị học sinh lớp lớn hướng dẫn ôn bài

Ở Trường Tiểu học và THCS xã Cốc Mỳ, cậu học trò Lý A Ly, dân tộc Mông, là một trong những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Lúc còn nhỏ bố mẹ em chia tay, bỏ mặc em ở với ông bà ngoại. Năm lên 6 tuổi, Ly về sống với ông bà nội ở thôn Tân Giang, xã Cốc Mỳ và học lớp 1 ở Trường Tiểu học số 2 xã Cốc Mỳ. 

Đầu năm học 2021 - 2022 này, Ly được ông bà xin cho chuyển về học tại Trường Tiểu học và THCS xã Cốc Mỳ, nhưng em phải học lại lớp 1 vì khả năng đọc, viết còn rất chậm. Do quãng đường từ nhà ông bà tới trường khá xa (hơn 5km), để tạo điều kiện cho em được học tập, các thầy cô giáo đón em vào ở bán trú cùng các anh, chị lớp lớn hơn.

“Ở phòng bán trú, em là nhỏ tuổi nhất, còn các anh chị đều học từ lớp 6 đến lớp 9 nên em được các anh chị, thầy cô yêu thương,  em không thấy buồn nữa”, Ly kể.

Cô giáo Đào Thị Dịu, giáo viên Chủ nhiệm lớp 1A cho biết: Gia đình em rất khó khăn, nên ở trường thầy cô coi em như con, quyên góp quần áo, giày dép, sách vở cho em. “Tuy nhiên, điều kiện các thầy cô ở vùng cao cũng còn nhiều khó khăn quá, chỉ mong sớm có cơ quan, tổ chức đỡ đầu em để em yên tâm học tập”, cô Dịu chia sẻ.

Không chỉ với cậu học trò nhỏ Lý A Ly, mà đối với các học sinh mồ côi, hoàn cảnh khó khăn khác của trường cũng nhận được sự quan tâm, chia sẻ của thầy, cô giáo và các bạn học sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Toan, giáo viên Chủ nhiệm lớp 9A cho biết: Lớp 9A có 35 học sinh, trong đó có 5 học sinh hoàn cảnh rất khó khăn do mồ côi cha hoặc mồ côi mẹ và 2 học sinh khuyết tật. Không để các em mặc cảm, tự ti về hoàn cảnh riêng ảnh hưởng tới việc học tập, các thầy cô giáo thường xuyên quan tâm, thăm hỏi gia đình các em, động viên về tinh thần; phân công các học sinh khá giúp đỡ học sinh yếu để các em nhanh tiến bộ…

“Như năm học vừa rồi, có một học sinh có nguy cơ bỏ học do điều kiện gia đình quá khó khăn, các thầy cô đã động viên em đi học tiếp. Đến nay, em đã không còn ý định bỏ học. Theo tôi, điều quan trọng nhất là tình yêu thương đối với học trò. Khi mình thương các em như con, thì các em cũng coi thầy cô như người cha, người mẹ thứ hai”, cô Toan chia sẻ.

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng ngôi trường Tiểu học và THCS Cốc Mỳ đang là nơi chắp cánh cho những ước mơ của các em học sinh vùng cao
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng ngôi trường Tiểu học và THCS Cốc Mỳ đang là nơi chắp cánh cho ước mơ của các em học sinh vùng cao

Trong công tác giáo dục, việc dạy học đối với những học sinh bình thường ở vùng cao đã khó khăn, đối với những học sinh mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt càng khó hơn nhiều lần. Làm thế nào để những học sinh này bớt đi mặc cảm, tự ti để hòa đồng với các bạn cùng trang lứa? Làm thế nào để trường học thực sự là ngôi nhà thứ hai của các em, nơi mang đến hạnh phúc và tương lai tốt đẹp nhất cho học trò? Câu hỏi đó luôn là nỗi trăn trở đối với các thầy, cô giáo Trường Tiểu học và THCS Cốc Mỳ.

Thầy giáo Trần Xuân Thú, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Cốc Mỳ cho biết: Năm học 2021 - 2022, trường có 22 lớp, với 600 học sinh, trong đó có 200 học sinh bán trú. Đặc biệt, trường có 100 học sinh thuộc hộ nghèo, 21 học sinh mồ côi cha, 8 học sinh mồ côi mẹ, 1 học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ, 3 học sinh bố mẹ ly hôn bỏ đi xa phải ở với người thân… Hầu hết các em đều là người dân tộc Mông, nhà ở những thôn đặc biệt khó khăn như Séo Phìn Than, Tả Câu Liềng, Dìn Pèng, Tân Giang…

“Nhà trường đang nỗ lực để xây dựng mô hình “Trường học sinh thái” và “Trường học Hạnh phúc”, nhưng trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn, vì còn nhiều học sinh mồ côi chưa được đỡ đầu (hiện mới có 9 học sinh mồ côi đang được các tổ chức đỡ đầu, giúp đỡ). Cùng với đó, điều kiện học tập như trang, thiết bị dạy học, máy tính, máy chiếu, ti vi ở các phòng học… còn đang rất thiếu thốn. Điều kiện phục vụ ăn ở cho các em ở bán trú cũng còn thiếu và chật chội…”, thầy Hiệu trưởng Trần Xuân Thú chia sẻ thông tin.

Tin cùng chuyên mục
Người chắp cánh ước mơ cho học sinh DTTS

Người chắp cánh ước mơ cho học sinh DTTS

Gần 26 năm gắn bó với học sinh các DTTS ở xứ Nghệ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Kiều Hoa, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An đã dìu dắt biết bao thế hệ học trò miền núi vượt khó vươn lên, chinh phục ước mơ, tự tin bay ra “biển lớn”. Đồng thời, cô đóng góp quan trọng đưa trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An trở thành một địa chỉ giáo dục uy tín, chất lượng, không chỉ của tỉnh Nghệ An mà của cả hệ thống các trường Dân tộc nội trú trong toàn quốc.