Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục dân tộc

Trường Phổ thông DTNT cấp 2, 3 tỉnh Vĩnh Phúc: Bước đột phá tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021

PV - 17:08, 17/08/2021

Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, khóa học sinh khối 12 nội trú cuối cùng của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (DTNT) cấp 2, 3 tỉnh Vĩnh Phúc đã có bước đột phá ấn tượng khi vươn lên đứng thứ 8 trong bảng xếp hạng điểm thi tốt nghiệp các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Với việc tăng 18 bậc trong bảng xếp hạng so với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Trường đã có bước đột phá ấn tượng, khẳng định chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao.

Giáo viên và học sinh Trường Phổ thông DTNT cấp 2, 3 tỉnh nỗ lực ôn tập trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. (Ảnh chụp tháng 6/2021)
Giáo viên và học sinh Trường Phổ thông DTNT cấp 2, 3 tỉnh nỗ lực ôn tập trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. (Ảnh chụp tháng 6/2021)

Đa dạng các hình thức dạy và học

Năm học 2020 - 2021, Trường Phổ thông DTNT cấp 2, 3 tỉnh Vĩnh Phúc có gần 200 học sinh khối lớp 12. Đây là khóa học sinh cuối cùng được tuyển thẳng từ các trường THCS DTNT trên địa bàn tỉnh, thuộc đối tượng học sinh dân tộc thiểu số vùng khó khăn, nên ngay khi các em bước vào lớp 10, nhà trường đã tiến hành khảo sát năng lực đầu vào, kết quả, nhiều học sinh có lực học yếu.

Trước tình hình đó, nhà trường đặc biệt chú trọng công tác giảng dạy ngay từ đầu khóa, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục qua từng năm học. Vì tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trong năm học, học sinh phải nghỉ học nhiều đợt để phòng, chống dịch, do đó, nhà trường linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện chỉ đạo của các cấp, ngành chức năng, vừa chống dịch, vừa dạy học. Thời gian học sinh phải tạm thời nghỉ học phòng, chống dịch, nhà trường tăng cường dạy học trực tuyến, hướng dẫn học sinh học trên truyền hình, sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin để học bài và ôn luyện.

Từ tháng 6/2021, khi Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) có văn bản quyết định cho học sinh lớp 12 trở lại trường ôn tập, Nhà trường đã chú trọng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên và nhân viên; đồng thời, tổ chức dạy học, ôn tập “nước rút” cho học sinh. Thông qua 4 bài khảo sát, các bài kiểm tra hằng ngày, bài kiểm tra kiến thức trong thời gian nghỉ học phòng, chống dịch của học sinh, cán bộ, giáo viên phân tích kết quả, đánh giá mức độ tiến bộ của từng em, từ đó, chủ động các phương pháp ôn tập và phụ đạo cho học sinh yếu, kém.

Đặc biệt, với học sinh nội trú, ngoài các buổi ôn tập trên lớp, giáo viên phối hợp với quản sinh, Đoàn Thanh niên đôn đốc các em tự học tại ký túc xá. Nhà trường chú trọng chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi để bảo đảm sức khỏe cho học sinh.

Bên cạnh đó, các thầy, cô giáo luôn tận tình giảng dạy, hướng dẫn học sinh ôn tập. Cô giáo Lê Thị Hồng Ánh, giáo viên môn Hóa học của trường cho biết: “Căn cứ vào mức độ nhận thức và mục tiêu tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT của từng học sinh, tôi chủ động xây dựng nội dung, lựa chọn phương pháp ôn tập phù hợp với các em.

Thời gian các em phải nghỉ học phòng, chống dịch, tôi triển khai dạy online và ứng dụng các tính năng của mạng xã hội để giao thêm bài tập và trao đổi với học sinh phương pháp ôn tập hiệu quả. Khi học sinh trở lại trường, tôi vừa ôn tập kiến thức cũ, vừa tăng cường cho các em làm các dạng đề thi; bổ sung kiến thức nâng cao để học sinh top trên giành điểm tốt; tiếp tục phụ đạo cá biệt học sinh yếu giúp các em cải thiện lực học. Tôi còn luôn động viên, chia sẻ giúp các em ổn định tâm lý, tự tin bước vào kỳ thi”.

Được sự hướng dẫn của các thầy, cô giáo, các em học sinh đều tích cực học tập, ôn luyện để đạt kết quả cao. Em Trịnh Thị Thanh Thư chia sẻ: “Xác định Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi quan trọng, do đó, em nỗ lực học tập và ôn luyện. Trên lớp, em tập trung lắng nghe thầy, cô giáo giảng bài để nắm vững kiến thức, kỹ năng cơ bản, hoàn thành các bài tập. Ở nhà, em ôn tập theo hướng dẫn của thầy, cô giáo; chủ động làm thêm các đề thi do thầy, cô giáo giao và sưu tầm trên internet để củng cố kiến thức, rèn kỹ năng… Nhờ đó, em đạt kết quả rất tốt tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, là thủ khoa khối D07 của trường với 26,55 điểm”.

Những kết quả ấn tượng

Với những nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh, tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, 100% học sinh Trường Phổ thông DTNT cấp 2, 3 tỉnh đỗ tốt nghiệp với điểm trung bình chung đạt 7,24 điểm, cao hơn 0,38 điểm so với điểm trung bình chung của toàn tỉnh và đứng thứ 8 trong bảng xếp thứ bậc điểm thi tốt nghiệp của các trường THPT trên địa bàn tỉnh, tăng 18 bậc so với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Điểm trung bình các bộ môn thi tốt nghiệp THPT của học sinh Nhà trường đều có sự tăng trưởng, trong đó, tăng cao nhất là môn Tiếng Anh đạt 6,21 điểm, tăng 2,3 điểm so với năm học 2020. 2 môn đứng số 1 toàn tỉnh là môn Sinh học đạt trung bình 7,28 điểm và môn Hóa học đạt 7,93 điểm.

Toàn trường có 182/1.212 bài thi đạt điểm 9, 10. Đặc biệt, khi đối chiếu với điểm trung bình năm học lớp 12 của học sinh thì điểm trung bình bài thi tốt nghiệp THPT có độ lệch là âm 0,03 điểm, là trường duy nhất có độ lệch âm, đứng số 1 trong bảng phân tích độ lệch điểm của Sở GD&ĐT…

Cô giáo Phan Thị Hằng Hải, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Để có bước đột phá ấn tượng đó là do nhiều yếu tố như sự chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt của các cấp ngành; sự đoàn kết, linh hoạt, sáng tạo trong công tác lãnh đạo của Ban Giám hiệu Nhà trường; sự tâm huyết của đội ngũ giáo viên và sự nỗ lực của học sinh.

Kết quả này đã minh chứng cho quan điểm của tập thể Nhà trường “Thành công là điều không đơn giản, nhưng nếu thầy và trò cùng quyết tâm, nỗ lực và luôn khao khát thành công thì mong muốn đó hoàn toàn có thể thực hiện được”./.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.