Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Từ 29/11, nhiều địa phương cho học sinh trở lại trường học trực tiếp

P. Ngọc - 11:03, 29/11/2021

Căn cứ theo diễn biến, cấp độ dịch Covid-19, từ hôm nay (29/11), nhiều địa phương đã quyết định cho học sinh trở lại trường học trực tiếp.

Nhiều địa phương cho học sinh trở lại trường học trực tiếp sau thời gian tạm dừng dạy học trực tiếp để phòng chống dịch Covid-19 . Ảnh minh họa
Nhiều địa phương cho học sinh trở lại trường học trực tiếp sau thời gian tạm dừng dạy học trực tiếp để phòng chống dịch Covid-19 . Ảnh minh họa

Tại Điện Biên, từ ngày 29/11, nhiều trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện Điện Biên bắt đầu đón học sinh trở lại trường học trực tiếp. Theo đó, trên địa bàn huyện có 16/22 trường tiểu học, 14/17 trường THCS cho học sinh trở lại trường học trực tiếp.

Để đảm bảo an toàn cho học sinh khi trở lại trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chỉ đạo các trường chuẩn bị tốt các điều kiện, đặc biệt là cơ sở vật chất, vệ sinh, phun khử khuẩn toàn bộ các vị trí trong trường; tạm thời chưa tổ chức ăn bán trú đối với học sinh bậc tiểu học. 

Đồng thời yêu cầu các trường tiếp tục duy trì các biện pháp phòng, chống dịch Covid - 19, không được chủ quan, luôn đặt công tác phòng, chống dịch lên hàng đầu, cương quyết không để dịch bệnh lây lan trong các nhà trường; Quan tâm theo dõi tình hình sức khỏe của học sinh trong quá trình học tập, thường xuyên nhắc nhở học sinh thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế. 

Tại Đà Nẵng, từ hôm nay, học sinh khối lớp 10 và lớp 11 đến trường học trực tiếp sau thời gian các trường tạm dừng dạy học trực tiếp để phòng chống dịch Covid-19.

Theo ghi nhận, công tác phòng, chống Covid-19 tại các trường THPT trên địa bàn thành phố được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các bước theo hướng dẫn của GD&ĐT, Sở GD&ĐT và Sở Y tế. Các trường trang bị đầy đủ thiết bị đo thân nhiệt, khẩu trang, nước sát khuẩn, nơi rửa tay; nhiều trường thực hiện phân luồng lối đi cho học sinh để hạn chế tiếp xúc; cử cán bộ, giáo viên hướng dẫn học sinh khai báo y tế...

Trong tuần đầu tiên, các trường THPT tổ chức củng cố kiến thức, ôn tập, kiểm tra định kỳ một số môn học; sau đó tiến hành dạy kiến thức mới.

Tại Đắk Lắk, từ hôm nay (29/11), các trường ở những địa phương có dịch cấp độ 1, 2 trên địa bàn cho học sinh đến trường học trực tiếp.

Cụ thể, địa phương được xác định dịch ở cấp độ 1, nhà trường tổ chức dạy học trực tiếp ở các cấp học; dịch ở cấp độ 2, nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp trước cho học sinh các khối lớp 1, 2, 5, 6, 9, 12 và trẻ mầm non 5 tuổi. 

Trước khi tổ chức dạy học trực tiếp, các nhà trường thực hiện nghiêm túc,đầy đủ yêu cầu về phòng, chống dịch theo quy định của Bộ Y tế. Tiến hành vệ sinh, phun thuốc khử khuẩn trường, lớp học; bố trí nơi rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; bố trí phòng cách ly riêng theo quy định; rà soát và kiện toàn Tổ an toàn Covid-19 của nhà trường phù hợp với thời điểm hiện tại; nắm đầy đủ thông tin về tình hình sức khoẻ học sinh… 

Khi tổ chức dạy học trực tiếp, đề nghị thực hiện đầy đủ việc đo thân nhiệt cho cán bộ, giáo viên và học sinh trước lúc vào trường, mở cửa phòng học thông thoáng, thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K. Khi học sinh có dấu hiệu ho, sốt, khó thở... hướng dẫn học sinh đến cơ sở y tế để khám, chữa bệnh; đồng thời cho học sinh đó chuyển sang học trực tuyến. 

Tại Quảng Nam, chiều ngày 28/11, UBND TP.Tam Kỳ có Công văn 2985/UBND-VP về việc cho phép học sinh trên địa bàn thành phố đi học trở lại từ ngày 29/11.

Theo đó, đối với cấp tiểu học, các trường học tổ chức dạy học trực tiếp 01 buổi/ngày kể từ ngày 29/11, không tổ chức bán trú. Đối với cấp THCS thực hiện dạy học trực tiếp, không tổ chức các hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp. Riêng đối với trường THCS Lý Thường Kiệt triển khai dạy học trực tuyến 01 tuần, kể từ ngày 29/11/2021 đến hết ngày 04/12/2021. 

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.