Thích ứng từ “rốn lũ”
Con đường bê tông men theo dãy đá vôi dựng đứng đưa tôi trở lại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình). Đầu tháng 11, tiết trời se se lạnh càng làm cho Tân Hóa trở nên cuốn hút hơn. Những ngôi nhà nổi đã được trang hoàng đẹp mắt để trở thành Homestay đón khách. Nụ cười luôn thường trực trên môi những người nông dân thân thiện chỉ đường làm tôi ấm lòng. Cái khung cảnh và cảm giác đó khiến tôi quên mất Tân Hóa là vùng đất được ví như “túi đựng nước”, là “rốn lũ” của huyện vùng cao Minh Hóa.
Qua hàng triệu năm thiên tạo, Tân Hóa đã có một địa hình riêng không nơi nào có. Được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi dựng đứng, xuyên qua Tân Hóa là dòng Rào Nan; dòng Rục Là Ken, dòng Rục Hung Tơn hiền hòa chảy trong mùa khô. Mùa mưa, nước từ thượng nguồn cũng theo các dòng Rục cuồn cuộn đổ về Tân Hóa. Những dãy núi đã vôi sừng sừng trở thành lũy đê vây nước, để rồi ngập lụt trở thành “đặc sản” của vùng đất Tân Hóa. Cùng với sự hình thành của tạo hóa, không biết từ bao giờ mà con người cũng đã có mặt và thích ứng với vùng đất được ví là “túi đựng nước” này. Những nương ngô, bãi lúa xanh mướt chạy theo dòng Rào Nan như vô tận. Thích ứng xuất sắc với thiên nhiên, cuộc sống của cư dân địa phương trở nên trù phú.
“Nhà nổi” là từ cụm phổ biến cũng là biểu hiện rõ nhất cho sự thích ứng của cư dân địa phương ở vùng quê chưa mưa đã ngập Tân Hóa. Nó phổ biến đến nỗi ở Tân Hóa có 600 hộ dân thì có đến 500 hộ có nhà nổi.
Chân thành mời khách ngồi ăn bữa cơm trưa cùng gia đình, ông Cao Xuân Diệu ở xóm Bãi Lội, thôn Cố Liên, xã Tân Hóa chia sẻ: "Ở đây chỉ cần mưa nhỏ vài ngày, mưa lớn thì chỉ cần 1 ngày là đã ngập. Nhà ông mệ (ông bà- pv) mới được tặng nhà nổi, có mái che, tôn vách chắc chắn lắm. Mùa lũ năm nay đỡ lo, khỏi phải lênh đênh bè chuối…."
Khó khăn là vậy nhưng đối với người dân ở Tân Hóa, sau mỗi lần ngập lụt là phù sa, là sạch sâu bệnh chuột bọ... để mùa màng thêm bội thu. Cùng với đó, trên những dãy núi đã vôi có hang động Tú Làn, rừng lim, là bãi bồi bên dòng Rào Nan đẹp say đắm lòng người. Trong xu thế hội nhập toàn cầu, ngành du lịch, nhất là du lịch trải nghiệm thu hút được sự quan tâm của du khách. Tân Hóa hội tụ đầy đủ các thế mạnh, tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp không khói tầm cỡ quốc tế.
Đưa “rốn lũ” Tân Hóa lên bản đồ du lịch thế giới
Ngoài "đặc sản" ngập lụt, xã Tân Hóa còn có những địa danh như hang động Tú Làn, rừng lim, bãi bồi bên dòng Rào Nan làm mê hoặc lòng người. Lợi thế từ cảnh quan đến cái “bắt tay” giữa doanh nghiệp và cư dân địa phương đã đưa địa danh Tân Hóa lên bản đồ du lịch thế giới.
Trước năm 2011, hệ thống hang động Tú Làn là một nơi chưa nhiều người biết đến. Ở Tân Hóa cũng chưa có hoạt động du lịch, người dân gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Thực hiện quyết định 1388/QĐ-UBND ngày 02/06/2014 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc phê duyệt Đề án và công nhận tuyến du lịch khám phá hệ thống hang động Tú Làn. Hệ thống hang động Tú Làn được Công ty Oxalis đưa vào khai thác du lịch đã tạo ra hơn 100 việc làm thường xuyên cho người dân địa phương với thu nhập trên 6 triệu đồng/người/tháng.
Người dân địa phương tham gia du lịch cùng Công ty Oxalis thông qua hoạt động ăn uống tại nhà dân và các dịch vụ khác. Sau hơn 10 năm “bắt tay” với người dân địa phương làm du lịch, Công ty Oxalis cùng bà con đã đưa Tân Hóa nổi danh trên bản đồ du lịch thế giới. Hiện, mỗi năm ở Tân Hóa đã thu hút hơn 10 ngàn khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan trải nghiệm.
Để cái bắt tay ấy thêm chặt, du lịch ở Tân Hóa phát triển bền vững, Công ty triển khai thêm dịch vụ ăn tối tại nhà dân. Mục tiêu biến Tân Hoá thành điểm đến hạt nhân vệ tinh bên cạnh Phong Nha - Kẻ Bàng để làm đòn bẩy cho phát triển các sản phẩm du lịch trong khu vực Minh Hoá và Tuyên Hóa nói riêng, toàn tỉnh Quảng Bình nói chung.
Năm 2023, Công ty Oxalis tiến hành hợp tác với người dân xã Tân Hoá, đồng thời tài trợ 100% chi phí đầu tư xây dựng thêm 10 Homestay “thích ứng thời tiết”. Đây là loại phòng nghỉ tiêu chuẩn dành cho khách du lịch được làm trên mô hình nhà nổi chống lũ của người dân địa phương. Với tổng giá trị đầu tư trên 1,5 tỷ đồng, các Homestay này đáp ứng đầy đủ tiện nghi cho khách lưu trú . Du khách sẽ có cơ hội trải nghiệm lưu trú tại Homestay và cùng sinh hoạt với người dân địa phương nhưng vẫn đảm bảo tính riêng tư và đáp ứng đúng tiêu chuẩn lưu trú du lịch.
Đại diện Công ty Oxalis chia sẻ: "Chúng tôi đầu tư vào cho người dân làm Homestay với tổng mức đầu tư 150 triệu đồng/căn. Sau khi đầu tư, chúng tôi không bỏ mặc người dân tự bơi mà quảng bá thương hiệu cùng họ. Tìm kiếm và chăm sóc khách hàng cùng họ..... Mỗi hộ dân được hưởng 60% nguồn thu. Trừ chi phí điện nước, người dân có Hometay có thu nhập từ 7-10 triệu đồng/tháng. Nhưng đích đến cuối cùng của du lịch cộng đồng là người dân làm chủ hoàn toàn, dưới mô hình Hợp tác xã. Để đạt được điều đó, họ phải là người có nghề thật sự".
Hiện, ở Tân Hóa có 3 gia đình cho con theo học cao đẳng du lịch ở Nha Trang, 3 người khác đang là hướng dẫn viên, nhân viên an toàn của các tour du lịch hang động đang theo học Cao đẳng Du lịch Sài Gòn. Hằng năm, cứ hết mùa đi hang động, vào tháng 10 các thầy cô từ trường về tận nơi để dạy. Lực lượng này trong tương lai sẽ là hạt nhân để xây dựng HTX Làng du lịch cộng đồng Tân Hóa ngày càng chuyên nghiệp.
Khi ánh mặt trời vàng nhạt đầu Đông đã khuất, bóng của dãy núi đá vôi đã đổ xuống, ôm trọn lấy Tân Hóa. Trên con đường bê tông dẫn ra đường lộ, ngoái đầu nhìn lại tôi bất giác tự hỏi, sao tạo hóa lại khéo sắp đặt để Tân Hóa có một địa thế kỳ vĩ không nơi nào có được. Càng khen cho những con người giám nghĩ, giám làm để rồi có cái “bắt tay” ghi danh vùng “rốn lũ” Tân Hóa trên bản đồ du lịch thế giới.