Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Từ thiện có trách nhiệm

Hồng Phúc - 10:46, 31/05/2021

Những ồn ào quanh việc nghệ sĩ Hoài Linh giữ hơn 13,7 tỷ đồng từ thiện trong nửa năm mà chưa trao cho người dân bị lũ lụt một lần nữa làm dấy lên những mối quan tâm quanh việc nghệ sĩ làm từ thiện.

Hoạt động quyên góp từ thiện cần được giám sát chặt chẽ. (Hình minh họa)
Hoạt động quyên góp từ thiện cần được giám sát chặt chẽ. (Hình minh họa)

Dư luận đồng loạt lên tiếng yêu cầu nghệ sĩ giải, thích thì mới hay số tiền đó còn chưa được giải ngân. Trong Clip gửi cho truyền thông về việc giải thích số tiền từ thiện này, nghệ sĩ Hoài Linh gửi lời xin lỗi, nhưng vẫn chưa làm thỏa mãn công chúng. Bởi họ chỉ là người mà khán giả gửi gắm tiền để cứu trợ người dân, nên công chúng yêu cầu giải trình về số tiền ấy là hoàn toàn có lý.

Phải khẳng định rằng, lấy danh tiếng của các nghệ sĩ lớn để kêu gọi từ thiện vô cùng hiệu quả. Sức lan tỏa của họ trong cộng đồng người hâm mộ cả nước rất lớn. Người ta không còn xa lạ với hình ảnh những ca sĩ, diễn viên, người mẫu vận động được hàng chục tỷ đồng trong một thời gian rất ngắn với mục đích từ thiện.

Sự việc của nghệ sĩ Hoài Linh một lần nữa cho thấy, trong công tác từ thiện, cứu trợ thời gian qua ở nước ta, việc huy động nguồn lực đóng góp từ xã hội là điểm sáng, khi có những cá nhân nghệ sĩ quyên góp được cả chục tỷ đồng, trăm tỷ đồng. Nhưng việc tổ chức và điều phối các nguồn lực cứu trợ là chưa như mong muốn, thậm chí có thể làm xói mòn lòng tin của người đóng góp, thậm chí còn gây phản cảm.

Đã đến lúc những giải pháp căn cơ và dài hạn cần được bàn tới, để chuyên nghiệp hóa hoạt động từ thiện. Muốn vậy, cần quy định các nghệ sĩ làm từ thiện phải gắn với một tổ chức chuyên nghiệp, được cấp phép hoạt động.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần một hệ thống văn bản pháp luật, để bảo vệ quyền lợi của người đóng góp và giám sát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức từ thiện do nghệ sĩ lập ra, hoặc hợp tác.