Ngay lập tức, việc tử tế của ông Hải trở thành đề tài “hot” không chỉ trên mạng xã hội Facebook mà còn đến tận các quán trà vỉa hè. Có nhiều luồng ý kiến xung quanh việc tử tế của ông Hải. Đáng quan tâm nhất là ý kiến cho rằng, ông Hải đang làm “màu”!
Thật buồn! Khi người ta tự bỏ tiền, tự bỏ công sức và bớt thời gian riêng tư để làm việc tử tế thì lại bị nghi kị. Người ta gán cho ông Hải đủ thứ chuyện, đủ điều xấu, đặt ra bao câu hỏi “ác ý”… xung quanh việc tử tế mà ông đang làm.
Thậm chí, người ta còn bới móc nguồn tiền ông Hải làm việc tử tế được lấy từ đâu ra. Càng buồn hơn, khi không phải những lời thị phi về việc làm của ông Hải, mà buồn vì lẽ nào làm điều tốt, làm việc tử tế cũng bị thị phi?
Tôi đồ rằng, những người nghèo khổ được ông Hải giúp chắc không hỏi những câu như trên. Và những người nghèo đó, chắc cũng chưa từng được giúp bởi những người đặt ra câu hỏi ấy.
Ông Hải “cởi áo từ quan”, nghĩa rằng, ông ấy là một người dân. Vậy thì, ông Hải cần gì phải làm “màu”? Giả thử, nếu ông Hải làm “màu” như câu cửa miệng một số người… thì đã sao? Người dân, nhất là người nghèo đang rất trông chờ thêm ai đó, cũng làm “màu” như ông Hải. Và, khi nhiều người cùng làm “màu” như ông Hải, há chẳng phải là điều rất tốt đẹp hay sao?!
Làm “màu” như ông Hải thật không dễ chút nào. Bởi lẽ nó cần có cái tâm thật sự hướng thiện, không bon chen, vụ lợi, ganh đua; dám sẻ chia những khó khăn, bất hạnh của người khác; dám hy sinh cái tôi và lợi ích riêng bản thân vì cộng đồng…
Những kẻ rỗi hơi cho ông Hải là làm “màu” đã bao giờ tự cật vấn lương tâm: Mình đã làm được điều tốt gì cho xã hội này, hay chỉ là những kẻ cào bàn phím. Hãy nhìn từ chính bản thân mình để thấy rằng việc tử tế mà ông Hải đang làm thật đáng ngưỡng mộ, đáng trân trọng!