Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai: Dấu ấn bản sắc văn hóa dân tộc trên đại ngàn Tây Nguyên

Ngọc Thu - 18:37, 28/12/2022

Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai diễn ra tại Tp. Pleiku đã khép lại với những sự kiện quan trọng, ý nghĩa, hấp dẫn. Trong đó, hoạt động tôn vinh giá trị bản sắc văn hóa dân tộc đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng người dân và du khách.

Hơn 500 nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng đường phố Pleiku với thanh âm cồng chiêng sôi động và điệu múa xoang nhịp nhàng
Hơn 500 nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng đường phố Pleiku với thanh âm cồng chiêng sôi động và điệu múa xoang nhịp nhàng

Mở đầu cho Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai đó là màn trình diễn sôi động, ấn tượng bởi hơn 500 nghệ nhân đến từ Tp. Pleiku đã thu hút hàng ngàn người dân và du khách theo dõi. Trên các tuyến đường chính của phố núi, các đội cồng chiêng nối đuôi nhau biểu diễn. Trong không gian rộng lớn, sự hòa âm của tiếng cồng chiêng tạo nên âm hưởng trầm hùng, sôi động. Đồng thời, tạo ấn tượng đẹp đối với du khách và người dân về giá trị nghệ thuật của không gian văn hóa cồng chiêng - Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Qua đó, giới thiệu đến du khách và người dân về cồng chiêng, trang phục và những nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người DTTS trên địa bàn.

Tiếng cồng chiêng âm vang, trầm bổng cùng những điệu xoang nhịp nhàng, uyển chuyển đã đưa du khách hòa mình vào không gian sống động của nghệ thuật dân gian truyền thống mang đậm bản sắc của các dân tộc Tây Nguyên. Mọi người cùng múa, cùng nhảy với đoàn nghệ nhân, đắm mình trong tiếng cồng chiêng nhịp nhàng.

Anh Trần Hữu Giang - du khách Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Thật bất ngờ khi tôi chọn Gia Lai làm điểm đến cuối năm để du lịch. Gia Lai không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp mà còn có những lễ hội đậm đà bản sắc. Được hoà mình vào không gian cồng chiêng ngay giữa thành phố  này, tôi thấy thật tuyệt vời và thêm yêu mến con người nơi đây. Tôi sẽ quay trở lại để khám phá nhiều hơn về mảnh đất Tây Nguyên này”.

Trong khuôn khổ sự kiện, các nghi lễ truyền thống như lễ cúng nhà rông mới, lễ cưới của người Gia Rai, lễ bỏ mả... cũng được tái hiện. Các nghi lễ đã đưa người dân và du khách đến với không gian văn hóa đặc sắc, đa dạng của cộng đồng Gia Rai tại Tp. Pleiku. Qua các nghi lễ truyền thống, những chủ nhân của di sản đã mang bản sắc văn hóa đến gần với người dân và du khách hơn bao giờ hết.

Nhà rông luôn được coi là trái tim của buôn làng, vì vậy, nghi lễ mừng nhà rông mới là một trong những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo luôn được đồng bào Gia Rai đặc biệt coi trọng. Các nghệ nhân phường Hoa Lư đã trang trọng tái hiện Lễ mừng nhà rông mới với ý nghĩa cảm tạ thần linh đã luôn giúp đỡ dân làng, mong khi về nhà rông mới, thần sẽ tiếp tục phù hộ cho dân làng khỏe mạnh, bình an. Nghi lễ này đã tạo nên một không gian văn hoá đa dạng, đầy màu sắc và điểm nhấn độc đáo cuốn hút khách du lịch.

Các nghệ nhân làng Kép (phường Đống Đa) đem lại cảm giác thích thú cho mọi người với nghi thức lễ cưới truyền thống gắn kết hai con người về chung một mái nhà.
Các nghệ nhân làng Kép (phường Đống Đa) tái hiện nghi thức lễ cưới truyền thống gắn kết hai con người về chung một mái nhà.

Trong không khí vui tươi, các nghệ nhân làng Kép (phường Đống Đa) đem lại cảm giác thích thú cho mọi người với nghi thức lễ cưới truyền thống gắn kết hai con người về chung dưới một mái nhà. Đây là nghi lễ có giá trị văn hoá lâu đời phản ánh vai trò của người phụ nữ trong chế độ mẫu hệ và thể hiện nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của của đồng bào Gia Rai.

Trong vai cô dâu của lễ cưới truyền thống được các nghệ nhân Gia Rai tái hiện, chị Ksor Hà chia sẻ: “Là người trẻ trong làng được làm nhân vật chính của lễ cưới truyền thống tôi thấy rất vinh dự và tự hào về phong tục, bản sắc văn hoá của dân tộc mình. Nhờ đó mà tôi hiểu thêm về lễ cưới truyền thống của ông bà, thế hệ đi trước. Mặc dù thế hệ trẻ thường tổ chức đám cưới theo lối sống mới, nhưng chúng tôi nhận thức cần lưu giữ các giá trị truyền thống trong gia đình người Gia Rai với nhiều ý nghĩa nhân văn, nhắc nhở về sự thủy chung, gắn bó bền chặt, biết quý trọng tình cảm tốt đẹp của gia đình”.

Trong khi đó, nghệ nhân phường Yên Đổ lại khơi gợi về sự tái sinh mang giá trị nhân văn qua lễ bỏ mả - nghi lễ quan trọng của đồng bào Gia Rai để giải phóng cho người sống khỏi mọi ràng buộc với người chết. Sau nghi lễ này, người chết sẽ thực sự về với xứ sở của các thần, chia ly vĩnh viễn với người sống.

Đối với những chủ nhân của di sản văn hóa, việc tham gia Tuần văn hóa - du lịch càng khiến họ nâng cao ý thức gìn giữ và lòng tự hào với văn hóa dân tộc. Già làng Siu Núi (làng Ốp, phường Hoa Lư, Tp. Pleiku) chia sẻ: “Trong trang phục truyền thống, tái hiện nghi lễ quan trọng của đồng bào Gia Rai giữa phố sá có đông khách du lịch tôi thấy rất vui và tự hào giới thiệu cùng đông đảo người dân và du khách biết về văn hoá của mình. Chúng tôi sẽ cố gắng lưu giữ và truyền dạy cho con cháu, cùng nhau bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, để những nghi lễ truyền thống quan trọng không bị mai một.

Cô dâu, chú rể trao vòng cưới nguyện thủy chung, gắn bó bền chặt trước sự chứng kiến của già làng và hai bên họ hàng
Cô dâu, chú rể trao vòng cưới nguyện thủy chung, gắn bó bền chặt trước sự chứng kiến của già làng và hai bên họ hàng

Chung tay cùng đồng bào DTTS trong bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, tỉnh Gia Lai đã và đang tập trung đẩy mạnh hoạt động phục dựng, bảo tồn nét văn hoá truyền thống gắn với phát triển du lịch của địa phương. Ông Nguyễn Xuân Hà - Trưởng phòng Văn hóa thông tin Tp. Pleiku (Gia Lai) cho biết: Tuần văn hóa - du lịch là dấu ấn nổi bật của tỉnh trong dịp cuối năm đã mở ra nhiều kỳ vọng cho bức tranh du lịch trong năm mới. Đồng thời, đem đến cơ hội cho bà con thể hiện các giá trị văn hóa truyền thống, từ đó thêm tự hào và tích cực gìn giữ, phát huy. Các chương trình như biểu diễn cồng chiêng đường phố, cồng chiêng cuối tuần, thi hát dân ca - sử thi, Festival cồng chiêng… sẽ là điểm nhấn để thu hút du khách thập phương. 

"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng các kế hoạch, chương trình cụ thể để gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa cồng chiêng; phát triển du lịch theo hướng xanh sạch, đẹp, an ninh - an toàn và thân thiện, gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để phố núi Pleiku trở thành một điểm đến hấp dẫn, đậm đà bản sắc dân tộc.” - ông Hà nhấn mạnh.

Theo thống kê, sau 5 ngày diễn ra (từ 22 - 26/12), các hoạt động trong Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2022 đã thu hút khoảng 10.000 lượt người dân và du khách đến mua sắm, vui chơi, trải nghiệm các hoạt động văn hóa đặc sắc (bình quân 2.000 lượt khách/ngày).

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.