Những điểm sáng bảo tồn văn hóa Ê Đê
Xã Ea Tul được đánh giá là một điểm sáng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đồng bào DTTS. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ Người có uy tín
trên địa bàn xã.
Buôn Phơng, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar có 267 hộ, với 1.183 khẩu, trong đó dân tộc Ê Đê chiếm 95%, chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Ông Y Đheh Ayun (sinh năm 1957), Người có uy tín buôn Phơng, là một trong những Người có uy tín tiêu biểu năm 2022 vừa được Ban Dân tộc Đắk Lắk biểu dương.
Những năm qua, ông Y Đheh có nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là vận động Nhân dân bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Ông Y Đheh kể lại, mấy năm trước, nhiều người dân trong tháo dỡ nhà dài truyền thống để xây dựng nhà cửa hiện đại. Ông đã cùng ban tự quản buôn đến từng nhà tuyên truyền người dân giữ nếp nhà dài, vận động những hộ gia đình có điều kiện kinh tế xây dựng nhà dài truyền thống, giữ cồng chiêng, trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Nhờ đó, đến nay buôn còn duy trì 14 căn nhà dài truyền thống, 4 bộ chiêng. Trong buôn có 20 nghệ nhân đánh chiêng, 11 nghệ nhân biết tạc tượng, 3 nghệ nhân biết sử dụng các loại nhạc cụ dân gian, 20 người biết dệt thổ cẩm và 5 nghệ nhân biết kể khan, hát dân ca. Nhờ đó mà buôn vẫn còn tổ chức nhiều nghi lễ truyền thống, bà con dân tộc Ê Đê cũng đã giữ gìn và sử dụng trang phục truyền thống trong các dịp lễ, hội, ngày quan trọng trong gia đình.
Toàn xã Ea Tul hiện có 10 Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Những năm qua, đội ngũ Người có uy tín có nhiều đóng góp trong các mặt đời sống, kinh tế-xã hội địa phương, nhất là công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Tương tự, Buôn Kna B, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar có đến hơn 90% đồng bào dân tộc Ê Đê sinh sống. Mặc dù đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng người dân trong buôn luôn nêu cao ý thức giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống.
Với vai trò là Người có uy tín buôn Kna B, ông Y Nhiam Ayun, đã nỗ lực vận động bà con trong buôn quan tâm bảo tồn giá trị truyền thống. Ông Y Nhiam kể: Đã từng có thời gian, thế hệ trẻ trong buôn không còn mặn mà với văn hóa truyền thống, nét đẹp văn hóa, giá trị truyền thống dần mai một. Ông đã cùng các nghệ nhân, Ban tự quản buôn đến từng nhà tuyên truyền người dân giữ gìn văn hóa, vận động các cháu thiếu niên chơi nhạc cụ truyền thống và học chế tác nhạc cụ. "Chúng tôi cứ kiên trì vận động bằng những câu chuyện truyền thống cha ông để khơi dậy niềm đam mê trong giới trẻ, nghe nhiều các cháu hiểu hơn về truyền thống dân tộc mình và dần thích thú văn hóa dân tộc", ông nói.
Nhờ những nỗ lực của già làng, Người có uy tín, nghệ nhân và sự động viên của chính quyền địa phương, đến nay, buôn Kna B còn giữ gìn được 20 ngôi nhà dài, tổ dệt thổ cẩm và hai đội đánh nhạc cụ dân tộc.
Ngoài xã Ea Tul, xã Cư M’gar, trên địa bàn huyện Cư M’gar, còn nhiều địa phương thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống DTTS như xã Ea Tar, thị trấn Ea Pốk…
Vai trò của Người có uy tín
Huyện Cư M’gar hiện có 94 Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Đội ngũ Người có uy tín trên đại bàn huyện có vai trò quan trọng, tác động mạnh mẽ đến ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong đồng bào.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động mà đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện, ngày càng ý thức hơn về giá trị của bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc; biết giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trong đồng bào, xóa dần những tập tục lạc hậu, phát huy những giá trị tốt đẹp trong ứng xử, xây dựng nếp sống văn hóa mới trong buôn làng.
Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, huyện Cư M’gar hiện giữ 233 bộ chiêng, 2.085 ché rượu, 135 trống h’gơr, 730 nhà dài truyền thống. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện còn 447 nghệ nhân đánh chiêng, 117 nghệ nhân truyền dạy đánh chiêng, 66 nghệ nhân biết chỉnh chiêng, 179 nghệ nhân chơi nhạc cụ dân tộc, 72 nghệ nhân chế tác nhạc cụ dân tộc, 63 nghệ nhân tạc tượng, 318 nghệ nhân biết lời nói vần, 44 nghệ nhân kể sử thi, 69 đội văn nghệ…
Để bảo tồn văn hóa truyền thống đồng bào Ê Đê, những năm qua huyện Cư M’gar cũng đã tổ chức nhiều lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, hát Aray, kể khan, tạc tượng và dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ, khôi phục nhiều lễ hội, nghi lễ truyền thống.
Đánh giá về vai trò của Người có uy tín, ông Lê Ngọc Vinh, Phó trưởng Ban Dân tộc Đắk Lắk cho biết: Với tâm huyết và trách nhiệm của mình, Người có uy tín trên địa bàn huyện Cư M’gar còn tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, vận động đồng bào xây dựng nếp sống mới, xây dựng gia đình văn hóa, thôn, buôn văn hóa…
Nhờ có đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Cư M’gar nói riêng mà bà con đã duy trì các phong tục tập quán tốt đẹp, bài trừ các tệ nạn mê tín dị đoan; đấu tranh loại bỏ những hành vi lệch lạc, trái với thuần phong mỹ tục và các chuẩn mực đạo đức xã hội. Bà con cũng đã tích cực tham gia khôi phục những giá trị văn hoá truyền thống, phục dựng các nghi lễ mang đậm nét bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS tại địa phương.