Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Tục hái lộc rừng trong lễ hội mùa Xuân của đồng bào các DTTS

Nguyệt Anh - 4 giờ trước

Tục hái lộc đầu năm là nét đẹp văn hóa được người Việt Nam nói chung và đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng thực hiện vào thời khắc chuyển giao sang năm mới. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở khoảnh khắc đầu năm, trong những tháng đầu mùa Xuân, đồng bào các DTTS còn tổ chức nhiều lễ hội truyền thống, trong đó tục hái lộc rừng vẫn được duy trì. Đây không chỉ là một phong tục mà còn thể hiện sự tôn kính đối với thiên nhiên, đồng thời gửi gắm ước vọng về một năm mới an lành, mùa màng bội thu.

        

Người Mông Nà Hẩu, huyện Văn Chấn, Yên Bái quan niệm, rừng là nguồn sống, là mái nhà che chở, là chỗ dựa tinh thần của cả cộng đồng, rừng tạo nên cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bình yên cho mọi người. Để bảo vệ rừng, vào ngày cuối cùng của tháng Giêng Âm lịch, đồng bào lại tổ chức ""Lễ cúng rừng” hay còn gọi là "Tết rừng” tại các khu rừng thiêng trên địa bàn xã.
Người Mông Nà Hẩu, huyện Văn Chấn, Yên Bái quan niệm, rừng là nguồn sống, là mái nhà che chở, là chỗ dựa tinh thần của cả cộng đồng, rừng tạo nên cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bình yên cho mọi người. Để bảo vệ rừng, vào ngày cuối cùng của tháng Giêng Âm lịch, đồng bào lại tổ chức "Lễ cúng rừng” hay còn gọi là "Tết rừng” tại các khu rừng thiêng trên địa bàn xã.

Tục đi hái lộc rừng trong mùa Xuân, là phong tục của nhiều DTTS ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Thái, Dao, Tày, Mông, Pu Péo ...; cũng như các dân tộc khác ở vùng Tây Nguyên. 

Theo quan niệm của đồng bào các DTTS, rừng là nơi sinh ra sự sống, nơi bảo vệ và cung cấp tài nguyên cho con người. Mỗi cây cối, hoa lá hay những hạt giống trong rừng đều chứa đựng sự sinh sôi nảy nở và may mắn. Vì thế, vào dịp đầu năm mới và những tháng đầu mùa Xuân, người dân thường đi vào rừng để hái những lộc non, hoa lá, hoặc các vật phẩm tự nhiên như măng, nấm… để cầu cho gia đình, bản làng luôn được bình an, phát đạt.

Việc đi hái lộc không chỉ đơn thuần là để cầu lộc, cầu may mà còn là hành động thể hiện lòng biết ơn với thiên nhiên, đất trời, và sự kết nối hài hòa giữa con người với vũ trụ. Đồng bào các DTTS tin rằng, lộc rừng mang lại sự thịnh vượng, tài lộc trong suốt năm mới, cũng như là lời cầu chúc cho sức khỏe, mùa màng bội thu, gia đình hạnh phúc. Ví dụ như tại bản Mậu, xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, đồng bào dân tộc Dao ở dưới chân dãy núi Tây Yên Tử có tục hái lộc rừng vào những ngày đầu mùa Xuân.

Dồng bào dân tộc Dao ở dưới chân dãy núi Tây Yên Tử
Đồng bào dân tộc Dao ở dưới chân dãy núi Tây Yên Tử sống hài hòa với thiên nhiên. Đồng bào coi rừng không chỉ là không gian sinh sống mà còn là nguồn cung cấp thực phẩm dồi dào, nguồn cung cấp dược liệu quý để làm thuốc nam chữa bệnh

Từ bao đời nay, người Dao nơi đây gắn bó mật thiết với thiên nhiên, coi việc hái lượm sản vật rừng không chỉ là phương thức mưu sinh mà còn là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng. Trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, rừng không chỉ là không gian sinh sống mà còn là nguồn cung cấp thực phẩm dồi dào cho đồng bào dân tộc Dao nơi đây.

 Hái lộc rừng là công việc chung của cả gia đình, nhưng phụ nữ thường giữ vai trò chính. Các sản vật thu hái chủ yếu là rau rừng, măng, nấm, đặc biệt là dược liệu. Rau rừng có nhiều loại như rau ngót rừng, dương xỉ, lá lốt, ngải cứu, lá sung... Trong khi đó, măng rừng là nguồn thực phẩm quý với các loại măng đắng, măng mai, măng nứa, thu hái quanh năm nhưng tập trung nhất vào từ tháng 5 đến tháng 10. Măng tươi có thể chế biến ngay hoặc phơi khô, làm măng chua để bảo quản lâu dài.

Ngoài thực phẩm, rừng còn ban tặng cho người Dao nhiều loại thảo dược quý. Việc thu hái và chế biến dược liệu đã trở thành một nghề truyền thống nổi tiếng của bản Mậu. Các loại cây thuốc được sử dụng để chữa nhiều bệnh khác nhau, từ các bệnh thông thường như ho, cảm, đau dạ dày, đến các bài thuốc dành cho sản phụ sau sinh. Cây thuốc không chỉ được thu hái từ rừng mà còn được trồng trong vườn nhà. Việc bào chế và sử dụng thuốc nam được truyền từ đời này qua đời khác, trở thành di sản văn hóa quý giá của người Dao.

Nấm linh chi trong Rừng quốc gia Tây Yên Tử
Nấm linh chi trong Rừng quốc gia Tây Yên Tử
Rau rừng là nguồn thực phẩm sạch trong các bữa ăn của người Dao ở Tuấn Mậu
Rau rừng là nguồn thực phẩm sạch trong các bữa ăn của người Dao ở Tuấn Mậu

Với sự gắn bó sâu sắc với thiên nhiên, đồng bào Dao tổ chức Lễ Cúng rừng vào mỗi dịp đầu năm để bày tỏ lòng thành kính với thần rừng. Trước khi diễn ra lễ cúng rừng, đồng bào Dao có tục đi hái lộc rừng để mang đến sự may mắn và bảo vệ cho gia đình trong suốt năm. Lộc được hái từ những cành cây, hoa lá tươi tắn, mang lại sự thịnh vượng và bình an cho gia đình. Sau khi hái lộc, người Dao tổ chức Lễ cúng thần rừng, thần núi và các vị thần linh bảo vệ làng bản.

Lễ cúng diễn ra tại nhà già bản vào ban đêm, kéo dài khoảng 10 tiếng đồng hồ. Trong không gian linh thiêng ấy, các bài cúng trong Lễ cúng rừng đều có nội dung kêu gọi con người trồng cây trả lại màu xanh cho rừng, lời cảm ơn thần Rừng đã mang đến lộc rừng cho bà con dân bản và lời hứa của dân bản sẽ luôn có ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng. 

Đây là một nghi lễ truyền thống thể hiện sự giao hòa của con người với thiên nhiên cây cỏ. Một nghi lễ truyền thống đặc sắc của đồng bào người Dao nơi núi rừng đại ngàn Tây Yên Tử. Sau phần nghi lễ là những hoạt động văn hóa đặc sắc như hát giao duyên, múa truyền thống, thổi kèn gọi bạn. Cả bản trở nên rộn ràng, vui tươi trong tiếng hát, tiếng cười.

Người Dao đỏ ở Bát Xát, Lào Cai cũng có tục cúng rừng
Người Dao đỏ ở Bát Xát, Lào Cai cũng có tục cúng rừng. Ảnh minh họa

Tục hái lộc rừng còn được đồng bào Thái ở Tây Bắc thực hiện qua Lễ hội Hoa Ban, hay còn gọi là Lễ hội Xên Mường, diễn ra vào khoảng ngày 5/2 Âm lịch hàng năm. Đây là dịp để đồng bào dân tộc Thái tri ân tổ tiên, tưởng nhớ công lao của các vị nhân thần tiền bối, đồng thời cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Lễ hội Xên Mường thường được tổ chức ở hang Thẳm Lé (thuộc huyện Văn Chấn, Yên Bái) - nơi gắn với làn điệu khắp chơi hang đặc trưng. Phần lễ bao gồm nghi thức cúng thần linh, trong khi phần hội là dịp để mọi người vui chơi, giao lưu và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống. Từ sáng sớm, người Thái chuẩn bị các vật phẩm dâng cúng như lợn, rượu, hoa ban, gạo, cơm, trầu cau... Trong đó, hoa ban - loài hoa đặc trưng của vùng Tây Bắc - được hái vào thời điểm đẹp nhất để dâng lên thần linh, thể hiện lòng thành kính và mong ước an lành.

Những thiếu nữ Thái trở nên dịu dàng, tươi thắm trong khung cảnh mùa hoa ban nở
Những thiếu nữ Thái trở nên dịu dàng, tươi thắm trong khung cảnh mùa hoa ban nở

Sau khi thầy mo làm lễ cúng thần hang, thần rừng, cầu phúc cho dân bản, phần hội chính thức bắt đầu. Giữa rừng hoa ban bung nở trắng muốt, không gian lễ hội trở nên tưng bừng với những trò chơi dân gian sôi động. Thanh niên trai gái nô nức tham gia hội hái hoa ban. Các chàng trai nhanh nhẹn trèo lên cây ban, hái những bông hoa đẹp nhất và thả xuống cho các cô gái đứng dưới tay cầm chiếc ớp để đón. Hoa ban trở thành tín vật định tình, là sợi dây kết nối những mối duyên lành.

Hoa ban, nộm hoa ban thường được đồng bào Thái sử dụng làm vật phẩm dâng cũng trong Lễ hội Xên Mường
Hoa ban, nộm hoa ban thường được đồng bào Thái sử dụng làm vật phẩm dâng cũng trong Lễ hội Xên Mường

Bên cạnh đó, người dân còn hào hứng tham gia các trò chơi truyền thống như ném còn, kéo co, đi cà kheo, chọi cù... Âm vang của tiếng khắp, tiếng pí, tiếng khèn hòa cùng tiếng cười nói rộn ràng, tạo nên bầu không khí náo nhiệt khắp bản làng.

 Đối với đồng bào Thái, tục hái lộc hoa ban trong Lễ hội Xên Mường không chỉ mang những giá trị tâm linh sâu sắc mà còn giúp cộng đồng nhận thức về sự quan trọng của việc bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống của các loài động thực vật.

Tin cùng chuyên mục
Về Hà Giang trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm của người Pà Thẻn

Về Hà Giang trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm của người Pà Thẻn

Từ lâu, đồng bào dân tộc Pà Thẻn huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang đã hình thành và lưu giữ được một kho tàng văn hóa đa dạng, phong phú trong đó nổi bật là nghề dệt thổ cẩm. Nghề dệt thổ cẩm không chỉ phản ánh đậm nét đời sống tinh thần mà còn là niềm tự hào của người dân tộc Pà Thẻn tại vùng đất này.