Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Tuổi thơ bị "đánh cắp"

Thanh Hải - 15:21, 05/07/2021

Lẽ ra, tuổi thơ của các em sẽ rất hồn nhiên; sẽ hớn hở được cắp sách đến trường… Nhưng không, tuổi thơ của những đứa trẻ ở nhiều bản làng vùng cao đang bị “đánh cắp”; chưa kịp lớn, các em đã phải theo cha mẹ lên nương, lên rẫy, vào rừng kiếm sống; chưa kịp trưởng thành thì đã là lao động chính trong nhà, rồi vội vàng lấy vợ, lấy chồng…


Ngày hè của trẻ em vùng cao
Ngày hè của trẻ em vùng cao

Mưu sinh từ… bé

Mồ côi bố mẹ, hai chị em Lương Thị Tường và Lương Thánh Nông, học sinh điểm trường Chăm Puông, Trường Tiểu học xã Lượng Minh, huyện Tương Dương (Nghệ An) về ở nhờ nhà chú ruột. Nhưng vì nhà nghèo lại thêm nhận thức hạn chế, người chú ấy cũng chẳng thiết tha đến chuyện học của hai đứa trẻ. Thành ra, Tường học lớp 4E, Nông lớp 3E cứ thường xuyên nghỉ học. 

“Cứ học được ít bữa lại thấy hai chị em nghỉ học. Đến nhà thì hai đứa đang phải chăn bò vì ông chú không muốn cho đi học. Tôi là giáo viên chủ nhiệm, nhìn cảnh ấy mà day dứt, buồn lòng”, thầy Đào Như Kiều, giáo viên điểm trường Chăm Puông thở dài nói.

Chứng kiến những mảnh đời của bao đứa trẻ, rồi nghe chính con người nơi vùng đất ấy kể… lòng cứ day dứt mãi không thôi. Thầy Lộc Huy Du, giáo viên trường THCS Môn Sơn huyện Con Cuông (Nghệ An) trải lòng: Mới học lớp 6, các em đã trở thành lao động chính trong nhà. Chúng tôi đang bằng nhiều cách để kéo trò đến lớp. Đó không chỉ là cách để những đứa trẻ không bị thất học, mà còn để các em không phải mưu sinh, làm việc nặng nhọc quá sớm.

Chúng chưa kịp lớn, đã phải theo cha mẹ kiếm sống; chưa kịp trưởng thành thì đã là lao động chính trong nhà rồi vội vàng lấy vợ, lấy chồng… Tuổi thơ chúng sẽ chẳng được hồn nhiên, sẽ không còn hớn hở cắp sách đến trường cùng chúng bạn.

Mỗi mùa thu hoạch keo, sắn hay lá dược liệu, nhiều học sinh tại các trường tiểu học, THCS xã vùng biên Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) đã nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình. Gác lại việc học 5-7 ngày, những đứa trẻ ấy cũng cơm đùm, cơm nắm vào rừng từ mờ sáng đến tận tối mịt mới lặng lẽ đổ dốc sau một ngày cật lực mưu sinh. 

Ông Đoàn Phúc Hạnh, Chủ tịch UBND xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) thở dài: Cũng đến hàng chục cháu ở 2 trường bỏ học đấy. Chúng nghỉ học chừng tuần lễ, theo bố mẹ lên rẫy. Cũng bởi nhà nghèo, nhận thức hạn chế… nên mới xảy ra tình trạng như vậy.

Nghỉ hè là cái gì đó thật xa xỉ với những đứa trẻ vùng cao. Khi năm học kết thúc, cũng là lúc nhiều em trở thành những lao động không thể thiếu của gia đình. Hết theo bố mẹ lên nương rẫy lấy củi, hái măng; rồi xuống suối cõng nước, chăn trâu bò, làm việc nhà… Bao việc “không tên” cứ thế “dội” xuống những đứa trẻ chưa kịp lớn. Để rồi tuổi thơ chúng đã bị “đánh cắp” lúc nào không hay.

Trẻ em vùng cao xứ Nghệ vừa trông em vừa đi học
Trẻ em vùng cao xứ Nghệ vừa đi học, vừa trông em

Bao giờ trả lại?!

Các huyện vùng cao nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống, đa phần có cuộc sống khó khăn, vất vả. Đói nghèo, thất học, nhận thức hạn chế… cứ như một vòng luẩn quẩn trong mỗi bản làng. Trước thực tế ấy, những năm qua, các cấp, ngành đã rất cố gắng bằng nhiều giải pháp thiết thực, hữu hiệu để nâng cao nhận thức, hạn chế học sinh bỏ học, hạn chế tình trạng trẻ em phải lao động sớm… nhưng vẫn còn rất khó khăn.

Chủ tịch UBND xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) Đoàn Phúc Hạnh trăn trở: Năm nào địa phương cũng phối hợp với nhà trường và các ban ngành nỗ lực tuyên truyền, vận động… nhưng vẫn còn tình trạng trẻ em bỏ học lên nương rẫy phụ giúp gia đình. Dù là bỏ học ít bữa nhưng nó cũng phản ánh nhận thức hạn chế, phản ánh việc trẻ em chưa được quan tâm đầy đủ, đúng mức.

Trên những vùng đất chúng tôi đi qua, vẫn còn gặp rất nhiều những đứa trẻ phụ giúp bố mẹ buôn bán ở vệ đường, đi rừng kiếm măng, lấy củi… Chưa kể, nhiều em đã phải xuống núi, theo người quen ra phố thị phụ giúp quán ăn, bốc vác… Chúng như đang sống một đời sống, một nỗi niềm khác. Cũng bởi cuộc sống khó khăn, cũng bởi điều kiện gia đình chẳng dư giả… khiến các em thành những “trụ cột” nhỏ tuổi. 

Tôi đã từng lặng người khi chứng kiến những đứa trẻ vùng cao địu em đến lớp. Đứa trẻ ngủ say trên lưng chị, giữa tiếng ê a nơi lưng chừng núi mới hay, con trẻ nơi đây quá thiếu thốn, nhiều thiệt thòi. Con chị nhỏ thó, vừa trông em, vừa học dường như đã quá sức của một đứa trẻ vùng cao.

Lối rẽ vào đời của nhiều đứa trẻ kém may mắn nơi các huyện vùng cao, không phải là con đường học tập, không phải được hình thành từ những lời dạy bảo đủ đầy của người thân. Các em đang bước vào đời với những nhọc nhằn vất vả của những cuộc mưu sinh trước tuổi. 

Đem trăn trở ấy trao đổi với lãnh đạo nhiều địa phương mới hay, để giải quyết được là điều không hề đơn giản. Một lãnh đạo huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) tâm sự: Thực tế học sinh bỏ học, lao động sớm là câu chuyện đáng buồn. Đó là bài toán mà không phải ngày một ngày hai có thể giải quyết xong. 

Cũng theo vị này, vào những ngày hè, khi các em rời trường, nhiều em đã phải biền biệt cùng gia đình trên nương rẫy, bỏ lại ước mơ và những khát khao của con trẻ. Thậm chí, khi đã hết thời gian nghỉ hè, nhiều em vẫn còn mãi bận mưu sinh cùng gia đình khiến thầy cô phải mất rất nhiều thời gian, công sức để tuyên truyền, vận động.

Đi qua nhiều bản làng, chứng kiến những mảnh đời, rồi nghe chính con người nơi vùng đất ấy kể… lòng cứ day dứt mãi không thôi.

Tin cùng chuyên mục
Viết từ nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc: Ấm no trên những bản làng vùng cao (Bài cuối)

Viết từ nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc: Ấm no trên những bản làng vùng cao (Bài cuối)

Trải qua những năm tháng khó khăn, bất ổn, được sự quan tâm chăm lo đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước; tinh thần trách nhiệm của các cấp, lực lượng chức năng... diện mạo cơ sở hạ tầng, đời sống của đồng bào DTTS ở những bản làng vùng biên giới nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc hôm nay đã và đang ngày càng khởi sắc.